Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: 'Xu hướng đổ thừa cơ chế đang nổi lên rất mạnh'

Đề cập vấn đề thể chế, ông Vương Đình Huệ cho rằng nếu rà soát lại luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thì còn rất nhiều vấn đề và cần khắc phục khuynh hướng đổ thừa cho cơ chế.

Sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nội dung cần làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khoá XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020.

Khắc phục khuynh hướng “thấy sai không sửa”

Trong giải pháp, định hướng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trước hết phải thể chế hoá kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là nhiều điểm mới hoặc có điểm trước đây đã có nhưng nay có tư duy và cách nhìn mới.

Đề cập vấn đề thể chế, ông Huệ cho rằng nếu rà soát lại luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thì còn rất nhiều vấn đề. Ông cũng nhấn mạnh cần khắc phục khuynh hướng bảo thủ, thấy sai mà không sửa và cứ kêu, đổ thừa cho cơ chế.

Khac phuc khuynh huong thay sai khong sua anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần khắc phục khuynh hướng bảo thủ, thấy sai mà không sửa và đổ thừa cho cơ chế. Ảnh: Quốc hội.

“Xu hướng đổ thừa cho cơ chế nổi lên rất mạnh. Cứ kêu mà không sửa. Lần này chủ động rà soát để khắc phục, quan trọng là xác định vướng chỗ nào, vướng cái gì phải chỉ ra chứ không chỉ kêu, không làm được lại đổ thừa thể chế”, ông Huệ quán triệt.

Ngoài ra, lãnh đạo Quốc hội đề nghị đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế đặc thù cho các địa phương. “Người ta thích đề ra chính sách chi để chi cho nhiều, còn động đến thu không chịu làm. Sở, ngành nào cũng trình chính sách chi mà không chịu trình thu, trong khi thu là quan trọng, tạo nguồn lực”, ông Huệ nêu thực tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về thực hiện Luật đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư khi hàng trăm dự án, trong đó có dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia mà “chưa biết hình dáng”. Lưu ý “quay đi quay lại sẽ hết năm thứ nhất”, ông Huệ nhắc nhở “cần nhìn thẳng vào vấn đề” để triển khai quyết liệt hơn nữa.

Phân quyền mà không kiểm tra có thể mất cán bộ

Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh góp ý đầu tư hạ tầng xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế chiến lược cho từng loại. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm của cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

“Phân cấp phân quyền mạnh phải đi liền với hậu kiểm, nếu không có thể dẫn đến mất cán bộ, địa phương thực hiện không đúng quy định”, bà Thanh nêu quan điểm.

Khac phuc khuynh huong thay sai khong sua anh 2

Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/7. Ảnh: Quốc hội.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm đậm nét hơn mảng xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống tham nhũng cho cân bằng với vấn đề kinh tế.

Đề cập một số vụ án liên quan đến tự chủ, xã hội hóa các bệnh viện như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện mắt Sài Gòn, bà Nga đề nghị Chính phủ làm rõ hơn bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành kinh tế xã hội, nhất là quản lý các bệnh viện

“Mỗi khi có chủ trương mới cần phải cho thí điểm, làm một số nơi rồi tổng kết, sau đó mới nhân rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên. Như bây giờ chúng ta mất cán bộ rất nhiều và điều đau xót là toàn các bác sĩ rất giỏi”, bà Nga phản ánh thực tế.

Còn theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên cạnh những tác động khó lường của đại dịch Covid-19, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nội tại nền kinh tế, bởi vấn đề tăng trưởng chưa thực sự bền vững.

Theo ông, chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua. Ông cũng đề nghị đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm để cho có cơ sở cho cả 5 năm.

Kiện toàn 50 nhân sự cấp cao tại kỳ họp Quốc hội sắp tới

Ông Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ kiện toàn 50 nhân sự cấp cao để hoàn tất công tác nhân sự từ Trung ương đến địa phương.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm