Chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân 13/10.
Nhắc lại hai lần tuyên thệ trước Quốc hội và cử tri, ông Huệ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”.
Cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi, kích thích kinh tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với chủng mới Delta nguy hiểm, lây lan nhanh đã tác động mọi mặt đến đời sống người dân. “Sức khỏe của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn qua 3 đợt của năm 2020 và đợt dịch thứ 4 của 2021. Đó không chỉ là sức khỏe về thể chất, tinh thần mà còn là mất mát về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Khó khăn là vậy, song theo ông Huệ, chúng ta đã chống chịu kiên cường. Tăng trưởng quý III giảm sâu nhưng 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo các cân đối lớn, thu ngân sách đạt hơn 80%.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hội nghị Trung ương vừa rồi đã thống nhất chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, nới lỏng các hoạt động để dần trở lại bình thường mới. Ảnh: Đại biểu nhân dân. |
Không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Quốc hội cho biết các doanh nghiệp lớn qua đợt dịch vừa rồi cũng bị tổn thất rất lớn. Trong 9 tháng đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trước đề xuất nâng trần nợ công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trần nợ công còn chưa sử dụng hết. Theo ông, cần tính toán chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thống nhất cần một gói hỗ trợ để góp phần tái thiết nền kinh tế.
Tính toán của Ủy ban Kinh tế cho thấy gói hỗ trợ của năm 2021 đến nay bằng 2,84% GDP, nhưng Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng, phục hồi và kích thích phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực làm việc này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên thế giới chỉ còn một nước theo đuổi “Zero Covid”, trong khi đó, Việt Nam đã thay đổi chiến lược thích ứng an toàn với đại dịch.
Ông Huệ cho biết trong năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đến năm 2021 tình hình phức tạp hơn rất nhiều, chúng ta vẫn nhấn mạnh mục tiêu kép, nhưng lưu ý “ưu tiên phòng chống dịch”, đặt mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh lên hàng đầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Hội nghị Trung ương vừa rồi đã thống nhất chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, nới lỏng các hoạt động để dần trở lại bình thường mới trên điều kiện tiên quyết là phải có vaccine.
“Giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân. ‘Thắng không kiêu, bại không nản’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’, chúng ta có niềm tin vì nhiều yếu tố của ta còn tốt, khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, chúng ta sẽ vượt qua và tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội động viên các doanh nghiệp.
Đề nghị huy động xe đưa đón người dân về quê, bảo vệ nguồn lực lao động
Trước đó, nêu đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, doanh nhân Vũ Văn Tiền (Chủ tịch Tập đoàn Geleximco) nhắc đến lo ngại về vấn đề nguồn lực lao động. Nhắc đến hình ảnh hàng chục nghìn người di tản về quê vì không thể chống chịu thêm trước tác động của dịch bệnh, ông Tiền đề nghị Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo các địa phương tổ chức đón người dân, không để người dân nằm la liệt trên đường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân 13/10. Ảnh: Đại biểu nhân dân. |
“Hãy coi người dân như người thân ruột thịt của mình, biết đau xót trước những hình ảnh như vừa qua, còn nếu sợ trách nhiệm thì sẽ không làm được”, ông Tiền nêu quan điểm và đề xuất huy động những xe chưa được lưu thông để chở người dân về quê an toàn. Cùng với đó, phải chăm lo cho cuộc sống người dân ổn định để sau dịch có nguồn lực lao động cho các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất.
Theo ông Tiền, trong tình hình đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, đột phá và thay đổi.
Cũng nhắc tới hình ảnh dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và một số tỉnh là trung tâm kinh tế phía nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức lớn về lao động trong 6 tháng tới, do cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ.
Ông Công cũng đề xuất nới trần nợ công để tạo nguồn ngân sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. "Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng tới 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ", Chủ tịch VCCI đề xuất.
Cùng với đó, ông đề nghị có thêm một số chính sách tài khoá, tiền tệ mang tính đột phá, hỗ trợ tốt hơn để cứu doanh nghiệp khỏi tình thế sống còn.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dệt may 29/3 Huỳnh Minh Chính đề nghị cho phép các doanh nghiệp đã tiêm đủ một mũi vaccine cho người lao động và thực hiện nghiêm túc 5K được hoạt động bình thường trở lại. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách của Nhà nước đã có nhưng quá trình thực thi lại không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi thực thi một kiểu.
Để mở cửa, sống chung an toàn với dịch Covid-19, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cũng khẳng định điều quan trọng nhất là cần một cơ chế, chính sách thống nhất được áp dụng chung trong cả nước.