Tham gia thảo luận tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 12/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cái lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vấn đề quy hoạch, liên quan đến kế hoạch sử dụng đất và phát triển dự án bất động sản.
"Hiện nay thiếu nhất là trục quy hoạch theo thời gian. Chúng ta quy hoạch theo lãnh thổ, trong cùng một thời gian tung ra quá nhiều dự án bất động sản, cung vượt cầu thì chắc chắn sẽ không bán được. Ngược lại, cung khan hiếm thì giá sẽ tăng lên", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Do đó, ông cho rằng tái cấu trúc ở đây là tái cấu trúc thị trường, doanh nghiệp và sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này trong dự thảo luật chưa quy định rõ, thị trường bất động sản cần điều tiết từ xa, từ sớm.
"Tham gia sàn bất động sản hay không là quyền của người mua"
Liên quan đến giao dịch qua sàn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc không ai nói phải giao dịch bất động sản qua sàn. Dự thảo luật chỉ có thể quy định thiết chế, địa vị, điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động sàn giao dịch.
"Còn việc chọn tham gia hay không là quyền của người mua, tham gia sàn này hay sàn kia là quyền của mỗi người. Nghị quyết 18 nêu rõ vấn đề tăng cường thanh toán không tiền mặt thì không thấy trong dự án luật, mà lại bắt buộc giao dịch qua sàn. Lúc thế này, lúc thế kia rất khó cho thị trường bất động sản", ông Huệ đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nghị quyết 18 có nội dung về xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin về đất đai; có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, nhưng trong dự thảo luật không có điều khoản cụ thể về nội dung này.
Ông đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ nội dung nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng tại dự thảo luật này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải phải tạo thuận lợi, minh bạch, công khai để thị trường bất động sản phát triển. Ảnh: Việt Linh. |
"Trong vấn đề quản lý thị trường bất động sản, cần rà soát, tổng kết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có những điều chỉnh tổng thể, cả về sân chơi, người chơi và luật chơi. Ai là chủ thể tham gia thị trường này - tức người chơi và họ có năng lực như thế nào để từ đó khắc phục tình trạng nhà nhà, người người kinh doanh bất động sản", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Một vấn đề khác, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần nghiên cứu kỹ lại, đó là quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản. Ông Huệ cho rằng đã là thị trường thì phải quản lý hàng hóa, bán cái gì, mua cái gì.
"Nhà nước đóng vai trò đạo diễn để có hàng hóa chất lượng, không có hàng giả, nhái, kém chất lượng, còn càng nhiều người mua càng tốt...", ông Huệ nhấn mạnh.
Vì sao đề xuất mua, bán bất động sản qua sàn?
Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ nguyên tắc giao dịch qua sàn bất động sản chỉ quy định với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.
Còn lại là khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua, cho thuê giao dịch qua sàn. Thực tế hiện nay các chủ đầu tư tùy điều kiện thực tế có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ sàn hoặc thành lập sàn riêng để giao dịch.
"Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản. Hầu hết chủ đầu tư, tổ chức bán hàng thông qua sàn giao dịch của dịch vụ môi giới và các tổ chức môi giới. Các chủ đầu tư quy mô lớn mới tổ chức sàn giao dịch hoặc có bộ phận bán hàng riêng", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Phạm Thắng. |
Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh qua góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát kỹ hơn để quy định đảm bảo khả thi, tiện lợi cho các bên tham gia giao dịch bất động sản.
Trong dự thảo luật bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Về việc bỏ nội dung "nhằm mục đích sinh lời" trong khái niệm kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng cho biết qua áp dụng cho thấy quy định này còn không rõ ràng, không mang tính định tính, không bao quát hết được các hoạt động liên quan giao dịch bất động sản tại. Thực tế có những hoạt động giao dịch bất động sản không có sinh lời.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.