Có tiền mới được quyết
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, như: phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp”.
Theo ông, dự luật này hướng đến việc siết chặt các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư. Một trong số đó là việc bắt buộc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công.
“Đây là một nội dung mới chưa được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công hiện nay. Việc phân cấp vẫn thực hiện như quy định hiện hành, nhưng chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn cấp nào thì cấp đó phải kiểm soát, thẩm định xem có phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của cấp đó không”, Bộ trưởng Vinh giải thích.
Tính hiệu quả trong các công trình đầu tư cũng sẽ được thẩm định trước khi quyết định chủ trương, kèm theo đó là quy định trách nhiệm người quyết định đầu tư sai. “Có những công trình đầu tư sai, ví dụ xây cái chợ không có người đến họp, gây lãng phí rất lớn, nhưng không ai chịu trách nhiệm”, ông Vinh ví dụ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với quy định này của dự án luật. Tuy nhiên cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.
Đấu thầu một giá
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Điều tôi quan tâm là công tác đấu thầu, tôi đề nghị quy định chỉ một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu thì giá trả bấy nhiêu. Bây giờ đang có chuyện trúng thầu 100 tỷ, lúc thanh toán vài trăm tỷ là bình thường. Thế giới không có chuyện này đâu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
“Cần chấm dứt câu chuyện triền miên xin điều chỉnh giá trị hợp đồng (chủ đầu tư, nhà thầu thường viện nhiều lý do như tăng giá, tăng lương, tăng thời gian thi công, xin điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để điều chỉnh giá trị hợp đồng - PV). Tôi chỉ nhất trí cho vài trường hợp thôi, “trời đánh” thì mình chấp nhận điều chỉnh, chứ nguyên nhân từ con người thì tính vào rủi ro được hết. Nếu không làm như vậy thì không có cách nào chống được tham nhũng, lãng phí”, ông Hùng phân tích.
“Đồng ý với Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định vấn đề đấu thầu trọn gói làm được như vậy là rất tốt. Chỉ trừ trường hợp CPI trượt giá quá lớn hoặc tình hình kinh tế vĩ mô có thay đổi lớn thì mới cho điều chỉnh. Luật đấu thầu (sửa đổi) chúng tôi cũng đang nghiên cứu theo hướng như vậy”.
Đề cập đến thực trạng tràn lan, lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Vinh nói: “Tôi nghĩ lãng phí nhiều nhất là chủ trương đầu tư. Thủ tướng cũng từng rất bức xúc về chuyện có những con đường miền núi rộng 60-70m, lãng phí vô cùng.
Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án sau đó đi chạy. Bây giờ ra cái luật này không được làm như vậy nữa, muốn đầu tư phải qua thẩm định về hiệu quả, thẩm định vốn, có tiền mới được làm”.
Ông nói thêm: “Luật này cũng quy định giám sát, đánh giá sau đầu tư. Ví dụ cái dự án thủy lợi lúc đầu vẽ ra bảo là tưới tiêu cho 1.000ha, suất đầu tư 2 tỷ đồng/ha, nhưng khi hoàn thành thì chỉ tưới tiêu cho 500ha và suất đầu tư vẫn 2.000 tỷ đồng, rất kém hiệu quả. Chúng ta cần phải ra luật để ngăn cản sự tràn lan, đang gây lãng phí rất lớn trên đất nước ta. Không thể bó tay với đầu tư dàn trải”.