Chia sẻ bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng 10/6, Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung cho biết chuỗi bán lẻ Thế giới Kim cương từng đánh tiếng, gợi ý muốn bán mình cho PNJ nhưng doanh nghiệp của bà không thực hiện việc mua bán sáp nhập (M&A).
Theo bà Dung, những thứ chuỗi bán lẻ này sở hữu không phải là mảnh ghép còn thiếu của PNJ nên giao dịch M&A giữa hai bên không diễn ra. Thế giới Kim cương sau đó được Doji mua lại.
Sau thương vụ thâu tóm này, Doji bổ sung thêm gần 100 cửa hàng của Thế giới Kim cương và nâng hệ thống điểm bán của mình lên số lượng gần 200, rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là PNJ với 350 cửa hàng.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết sau khi chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trang sức cạn tiền và không còn khả năng thanh khoản. Để đối phó với những tình huống xấu nhất, PNJ đã giữ nguyên mức vay để dự phòng thanh khoản, đảm bảo hoạt động của công ty luôn ổn định.
Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông nhấn mạnh thanh khoản của công ty không chỉ gồm tiền mặt như những doanh nghiệp khác mà bao gồm cả lượng vàng tồn kho. Ban lãnh đạo công ty tối ưu hóa lượng tiền mặt và vàng miếng từng thời điểm để bảo toàn vốn. “PNJ kinh doanh trang sức chứ không chủ trương đầu cơ vàng nên việc giá vàng lên xuống không ảnh hưởng quá nhiều”, ông Thông nói với cổ đông.
Đại hội cổ đông của PNJ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 14.500 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ 2019 và mục tiêu lợi nhuân 832 tỷ đồng, giảm 30% do khó khăn của dịch Covid-19.
Đại hội cổ đông của PNJ diễn ra sáng 10/6. Ảnh: VĐ. |
Bà Dung cho biết hiện tại doanh thu từ xuất khẩu của doanh nghiệp trang sức lớn nhất Việt Nam không còn khi không có đơn hàng. Hoạt động bán sỉ từ cuối năm 2019 đến nay sụt giảm khi thị trường nữ trang đi xuống.
CEO Lê Trí Thông chia sẻ sau tháng 4 giãn cách xã hội, sức mua của thị trường trang sức trong tháng 5 đã tăng trở lại. Tuy nhiên, ông dè dặt cho rằng chưa thể biết liệu trong các tháng sau đó, hiệu ứng này có thể duy trì hay không và khi nào thị trường hồi phục hoàn toàn vẫn là một dấu hỏi.
Đánh giá nền kinh tế sẽ trải qua 3 giai đoạn từ đối phó với dịch bệnh, suy thoái rồi hồi phục, ông Thông nhân định tình hình hiện tại mới ở bước đầu của giai đoạn 2.
Dù bức tranh chung mang màu xám nhưng lãnh đạo PNJ khẳng định công ty vẫn tiếp tục hoạt động đầu tư năm 2020. Công ty xây dựng một nhà máy mới ở Long An, tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các thị trường cấp 2, 3, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, chiêu mộ những vị trí quản lý cấp cao còn bỏ trống.
“Nếu không phát triển năm nay thì khi thị trường ấm lên sẽ không còn cơ hội nữa”, bà Dung chia sẻ với cổ đông. Bà tiết lộ thị phần của PNJ vẫn tăng lên khi nhiều doanh nghiệp trong ngành sụt giảm doanh số hơn 50%, có công ty phải rời khỏi thị trường.
Đại hội cổ đông bầu bổ sung 3 thành viên tham gia HĐQT công ty gồm Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải, Tổng giám đốc Công ty Nhân sự Talentnet Tiêu Yến Trinh và bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung.
Chủ tịch PNJ cho biết ông Hải là người có kinh nghiệm kinh doanh trang sức ở thị trường phía Bắc và là nhà đầu tư kỳ cựu trên nhiều lĩnh vực; bà Trinh sẽ phụ trách phát triển chiến lược về nhân tài còn con gái Ngọc Thảo phụ trách mảng chuyển đổi số, đem đến sức trẻ cho ban lãnh đạo PNJ.