Sáng 23/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cử tri đầu tiên bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 41, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM). Cũng tại địa điểm trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Trước khi thực hiện bỏ phiếu, đoàn lãnh đạo Trung ương và TP.HCM đã dâng hương tưởng niệm tại đài tưởng niệm liệt sĩ Khu phố 7.
"Đồng tâm, đồng lòng xây dựng đất nước"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc tổ chức cho người dân bỏ phiếu được thực hiện bài bản, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
"Tôi nhận thấy nét mặt rạng ngời, sự phấn khởi của từng cử tri trong ngày hội của cả nước. Khâu tổ chức được thực hiện khoa học, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đảm bảo", Chủ tịch nước nói.
Chia sẻ về việc lần đầu tiên bỏ phiếu tại huyện Củ Chi, người đứng đầu Nhà nước cho biết ông cảm thấy tự hào khi là cử tri của vùng đất anh hùng này.
Chủ tịch nước cùng phu nhân bỏ phiếu bầu tại khu vực bỏ phiếu 41, thị trấn Củ Chi. Ảnh: Y Kiện. |
Gửi những tình cảm thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất đến hơn 69 triệu cử tri trên cả nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề rất lớn mà Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là vào những ngày hội lớn như Ngày hội non sông, toàn dân đi bỏ phiếu và những công việc quan trọng khác của đất nước.
Đặc biệt, cả trong những lúc đất nước gặp thiên tai, lũ lụt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn được phát huy. Đây cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
"Chúng ta cần tiếp tục nâng lên nhiều hơn nữa tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, người trong nước và người nước ngoài để cùng nhau đồng tâm, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước kêu gọi hơn 69 triệu cử tri cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua đi bầu cử để chọn những người tài, đức xây dựng đất nước ở các cấp.
Hơn 7h, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân là bà Trần Nguyệt Thu là những người đầu tiên bỏ lá phiếu vào thùng phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 41, thị trấn Củ Chi.
Toàn bộ cử tri đã được hướng dẫn khai báo y tế tại nhà từ những ngày trước để tránh gây ùn tắc tại khu vực khai báo. Người dân đi vào khu vực bỏ phiếu được thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn tại cổng vào.
Huyện Củ Chi, Hóc Môn sẽ là đối trọng phát triển với khu trung tâm
Trong chương trình hành động được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến người dân huyện Củ Chi, Hóc Môn, ông kỳ vọng giai đoạn 2030-2045, hai huyện sẽ hình thành đô thị sinh thái để làm đối trọng với các quận nội thành. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc là động lực chính để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
"TP.HCM có thể nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cơ chế về hành chính hay phân cấp, phân quyền như đã từng làm với TP Thủ Đức. Tinh thần năng động, sáng tạo và vai trò người dân cũng cần được phát huy trong giai đoạn tiền đô thị này", Chủ tịch nước định hướng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định công tác tổ chức được thực hiện bài bản, đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 ngày bầu cử. Ảnh: Quang Huy. |
Về phát triển kinh tế tại huyện Củ Chi, Hóc Môn thời gian tới, ông Phúc cho rằng không nên tiếp tục theo đuổi sản xuất nông nghiệp năng suất thấp. Hai huyện cần phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch nước thông tin hiện nay, huyện Củ Chi có nhiều xã chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của Khu đô thị Tây Bắc. Trong đó, cuộc sống người dân các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Khu đô thị này hơn 10 năm nay chưa triển khai theo quy hoạch. Trên cương vị Chủ tịch nước, tôi thấu hiểu khó khăn của người dân khi tách thửa, cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất...", Chủ tịch nước nói.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định ngoài việc lãng phí cơ hội phát triển của huyện, việc chậm quy hoạch đến hơn 10 năm còn ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng người dân. Ông cam kết sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát lại khu đô thị này và triển khai sớm nếu quy hoạch còn phù hợp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của huyện Củ Chi trong quá trình phát triển. Dù toàn địa bàn huyện có 1.600 tuyến đường nhưng chủ yếu là đường nhỏ, đường nông thôn.
"Khi đường bộ, đường sông, đường sắt được kết nối, mở rộng thì Củ Chi, Hóc Môn sẽ phát triển không kém gì khu vực trung tâm. Chúng ta cần có tầm nhìn, nguyên vọng này để dồn sức, tháo nút thắt của 2 huyện ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn", Chủ tịch nước khẳng định.
Theo danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV của TP.HCM, 50 ứng viên sẽ được cử tri tại 10 đơn vị bầu chọn ra 30 đại biểu. Trong số các ứng viên đại biểu Quốc hội đợt này, có 13 người do Trung ương giới thiệu và 37 người do thành phố giới thiệu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên ở đơn vị số 10 gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn. Tổ bầu cử còn 4 ứng viên khác gồm bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Trong đợt bầu cử lần này, địa bàn TP.HCM có 5,5 triệu cử tri tại 3.092 tổ bầu cử. Bên cạnh việc bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn sẽ bầu ra 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.