Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước: Trước đây cứ bắt dân công chứng mà không biết để làm gì

Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải đi xác nhận và đi xin công chứng mới giải quyết, cứ bắt người dân công chứng mà không biết để làm gì.

Chiều 17/6, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành trọn vẹn phần phát biểu của mình để nói về những cải cách thủ tục hành chính liên quan đến công chứng.

Chu tich nuoc To Lam anh 1

Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Hà.

Có những giai đoạn công chứng rất tùy tiện

Chủ tịch nước cho biết, trước đây chúng ta không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi phát triển, từ nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng.

Từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND, sau đó xã hội phát triển mới hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng xã hội hóa phần lớn.

Theo Chủ tịch nước, luật này trước hết phải phục vụ cho người dân có nhu cầu, phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác phải rất lớn. Vì vậy cần ban hành luật để hoạt động công chứng chuẩn.

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại khi “đọc đi đọc lại, lại thấy không chuẩn, vẫn còn tùy tiện thì rất khó khăn”. Nhà nước đòi hỏi cái này cái kia phải công chứng, phải xác thực thì dân mới đi làm.

Chủ tịch nước lưu ý, các cơ quan hành chính có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải đi xác nhận, đi xin công chứng mới giải quyết, cứ bắt người dân công chứng mà không biết để làm gì.

“Cải cách thủ tục hành chính là để giảm những cái này, tự nhiên việc công chứng bớt hẳn đi. Ví dụ trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa thì lấy gì mà công chứng”, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh vừa qua quản lý, quản trị Nhà nước cải cách rất nhiều.

Cầm căn cước sẽ không cần công chứng

Chủ tịch nước Tô Lâm nêu thực tế, trước đây khi đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải cầm một tập giấy tờ, công chứng xác nhận. Hiện tại, qua cải cách thủ tục hành chính thì không cần nhiều giấy tờ nữa nên độ nóng của ngành công chứng giảm bớt đi.

“Bây giờ căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người giao dịch, cầm căn cước đi sẽ không cần xác nhận gì, chỉ cần một số định danh trên môi trường điện tử là giao dịch được, không cần công chứng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Người dân có thể đi khám sức khoẻ, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế qua việc tích hợp các giấy tờ vào số định danh và có thể xác định pháp lý, đủ quyền giao dịch trong xã hội, trực tiếp giao dịch điện tử rất chính xác, không cần xác nhận, công chứng.

“Do đó, công chứng giảm đi rất nhiều, đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính”, Chủ tịch nước khẳng định.

Từ những phân tích này, ông đề nghị dự luật cần quy định rõ trong những trường hợp nào phải công chứng chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng, nhưng khi hỏi công chứng để làm gì thì không biết.

Chủ tịch nước cũng thông tin thêm, vừa qua người dân rất đồng tình với cải cách thủ tục hành chính, “đến mức họ không nghĩ tại sao bây giờ đơn giản thế”.

“Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng, đến từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết; còn bây giờ chỉ cần mang mỗi căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết, thậm chí cũng không cần phải đến mà giao dịch điện tử”, Chủ tịch nước so sánh.

Ông lưu ý, tổng thể phải xem công chứng thế nào, phục vụ cái gì, làm gì trong quản lý hành chính và hệ thống tư pháp, đồng thời "yêu cầu phải phục vụ nhân dân - đó là yêu cầu cao nhất".

“Cần rà soát lại tổng thể hơn để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn, để cải cách hành chính”, Chủ tịch nước nói.

Nhiều đại biểu góp ý Điều 8 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là “công dân Việt Nam không quá 70 tuổi”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng quy định này mâu thuẫn với Điều 14 của dự thảo Luật khi một trong những trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm là “đã quá 70 tuổi” mà không đề nghị được miễn nhiệm, hoặc không còn đủ các tiêu chuẩn khác theo quy định của luật.

“Vậy thì một người 69 tuổi, bổ nhiệm xong không lẽ người ta bị miễn nhiệm liền?", bà Hạnh nêu và đề nghị xem lại điều luật này.

Cũng băn khoăn về những trường hợp vừa được bổ nhiệm xong ở tuổi 70 sẽ bị miễn nhiệm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) đề nghị nên quy định tuổi hành nghề công chứng viên là "không quá 70" và điều kiện về tuổi bổ nhiệm cần quy định thời gian hợp lý hơn: Có thể còn ít nhất 24 tháng hoặc 36 tháng đến khi hết tuổi hành nghề công chứng, để bảo đảm tính hợp lý và khả thi khi triển khai thực hiện.

Chủ tịch nước: Tổng thống Nga thăm Việt Nam là dấu mốc quan trọng

Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Nga.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với hệ thống Tòa án Nhân dân

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, làm việc với Tòa án Nhân dân Tối cao - buổi làm việc được kết nối trực tuyến với hệ thống tòa án nhân dân trên toàn quốc.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các lãnh đạo tổ chức tôn giáo

Chiều 13/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo.

“Quán triệt sâu sắc những nhận thức mới về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, đại tướng Tô Lâm nói trong buổi ra mắt cuốn sách.

Sách có kết cấu hai phần, phản ánh sâu sắc quan điểm an ninh chủ động và toàn diện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cuốn sách vừa mang tính lý luận, thực tiễn vừa tổng kết, dự báo, có giá trị định hướng hành động. Cán bộ đảng viên đọc sách giúp nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của mình với bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng công an nhân dân đọc sách sẽ hiểu sâu sắc hơn nhiều vấn đề trực tiếp liên quan nhiệm vụ của mình. Tác phẩm chính luận nhưng viết giản dị, trình bày dễ hiểu, cập nhật cuộc sống.

https://vietnamnet.vn/chu-tich-nuoc-truoc-day-cu-bat-nguoi-dan-cong-chung-ma-khong-biet-de-lam-gi-2292525.html

Thu Hằng/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm