Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức

Dự thảo Nội quy kỳ họp sửa đổi có quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao thay cho phát biểu nhậm chức.

Dự thảo quy định Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (QH).

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, ĐB gửi văn bản đến Tổng thư ký QH, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch QH.

Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thấy như vậy chưa đề cao trách nhiệm của đại biểu: "ĐBQH là đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe, vắng 30-40%. Lý do không phải là do kiêm nhiệm hay đi công tác nước ngoài đâu, vì nhiều thành viên Chính phủ hay lãnh đạo địa phương vẫn có mặt. Nhưng có những đại biểu đâu có chức trách gì lớn lắm mà dự họp vẫn không thường xuyên".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu.

Ông Giàu cũng chưa hài lòng với quy định điểm danh bằng thẻ điện tử ở các phiên họp toàn thể: Cứ cắm thẻ ở đó, không mang về thì người khác vẫn có thể điểm danh giùm. Hay một đại biểu cầm đến 5 thẻ đi vào. Chủ nhiệm UB Kinh tế yêu cầu có chế tài đối với việc điểm danh hộ.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh luật Tổ chức QH đã quy định rõ tất cả ĐBQH phải có mặt ở các phiên họp, nếu nghỉ thì phải xin từ trước, được đồng ý mới được nghỉ.

"Lên kế hoạch đi nước ngoài vào đúng kỳ họp QH là không có được đâu, phải phân công thay thế", ông Hùng nói. "Nếu ĐBQH không thực hiện đúng nội quy kỳ họp thì phải có quy định thế nào, để kỳ họp nghiêm túc, nghiêm trang, toàn tâm, toàn ý, tập trung trí tuệ".

Lễ tuyên thệ trang nghiêm

Chủ nhiệm văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự thảo Nội quy có quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức, với yêu cầu lễ tuyên thệ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định đây là một quy định mới trong Hiến pháp và luật Tổ chức QH, được cụ thể hóa trong Nội quy này.

"Có nên quy định nội dung tuyên thệ cụ thể hơn chỉ là trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp không? Cả về thời gian tuyên thệ nữa?", ông Lý nói.

Đại biểu QH khóa 13.
Đại biểu QH khóa 13.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng băn khoăn ngoài "trung thành", các chức danh trên khi tuyên thệ có nên nói gì thêm không vì mỗi vị trí có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh ý tưởng về một phiên riêng dành cho việc tuyên thệ, khi các chức danh trên tuyên thệ trước lá cờ Tổ quốc một cách trang nghiêm, đồng thời để họ ra mắt quốc dân đồng bào đang theo dõi qua phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình: "Cứ bầu xong ông nào thì ông đó lên tuyên thệ thôi. Làm gì có chuyện chờ đến một buổi, cuối kỳ họp mới làm. Chủ tịch QH được bầu xong là phải điều hành QH luôn, sao chờ được".

"Đơn giản thôi nhưng nghiêm trang, gọn gàng, quy trình chặt chẽ, không cần phức tạp quá lên", ông Hùng yêu cầu.

Đại biểu không phát biểu, Quốc hội nghỉ sớm

9h15 sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tuyên bố kết thúc buổi họp Quốc hội, sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/257195/chu-tich-nuoc--thu-tuong-se-tuyen-the-nham-chuc.html

Theo Chung Hoàng / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm