Sáng 2/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Chủ động và nỗ lực đổi mới
Chủ tịch nước cho biết được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8/3 tại Chile, Bộ trưởng Công Thương ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với bộ trưởng phụ trách kinh tế của 10 nước. Sau khi ký, các nước tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để có hiệu lực.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. |
Đồng thời, việc này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên trường quốc tế.
"Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia CPTTPP vừa giúp nước ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh", Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế...
"Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của ta", ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung 8 luật
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.
Dự kiến ngày 12/11, Quốc hội sẽ thông qua Hiệp định CPTPP. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đối với các nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn vào thời điểm có hiệu lực với 6 nước đầu tiên đã hoàn tất việc phê chuẩn, thì hiệp định sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản cho cơ quan lưu chiểu về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ.
Đến nay, 6 nước đã hoàn thành thủ tục pháp lý về việc phê chuẩn, các nước còn lại đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn.
Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Để bảo đảm thực hiện, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.
Kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản, gồm: 8 luật, 4 Nghị định của Chính phủ; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản.
Trong quá trình thực hiện Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung sẽ có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại khoản 14 điều 70 Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn hiệp định nêu trên.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng trình bày báo cáo thuyết minh hiệp định; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra. Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn.
Dự kiến ngày 12/11, Quốc hội sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP.