Theo đó, phương án khả thi nhất là Chủ tịch nước ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Luật cán bộ công chức định nghĩa cán bộ là “công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ” trong cơ quan của Đảng, Nhà nước. Chiếu theo khái niệm này thì ông Vũ Huy Hoàng là cán bộ.
Cũng theo luật này, cán bộ vi phạm pháp luật ở mức phải kỷ luật thì sẽ có bốn hình thức từ thấp đến cao: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Trong đó cách chức dành cho chức vụ do bổ nhiệm; bãi nhiệm dành cho chức vụ do bầu hoặc phê chuẩn mà có.
Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng theo ông Quyền, nhân sự là thành viên Chính phủ sau khi được Quốc hội phê chuẩn còn phải qua thủ tục Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm.
Vậy nên ngoài hình thức kỷ luật bãi nhiệm phải do Quốc hội họp toàn thể, quyết định thì ở hình thức kỷ luật cảnh cáo, chỉ cần Chủ tịch nước ra quyết định. Điều này là hoàn toàn khả thi.
Vấn đề cuối cùng là thời hiệu xử lý kỷ luật, các hành vi sai phạm mà Ủy ban kiểm tra trung ương đã chỉ ra dường như đều diễn ra trong khoảng thời gian hai năm trước, tức vẫn còn thời hiệu. Bây giờ Chủ tịch nước phối hợp với Thủ tướng Chính phủ làm các quy trình xử lý kỷ luật cán bộ theo luật định là thi hành kỷ luật được.
Liên quan đến vấn đề pháp lý khá rối rắm này, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố: “Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016”.
Nếu không có hình thức kỷ luật hành chính nào được thống nhất thì việc đưa lời phê phán này vào nghị quyết chất vấn của Quốc hội cũng có thể được coi là một “chế tài chính trị” với ông Hoàng, người chỉ bị kết luận là có sai phạm sau khi “hạ cánh”.