Chiều 25/11, Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân sau nhiều nhiệm kỳ trì hoãn.
Giải trình trước khi các đại biểu biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề này đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội
Chủ tịch nước là một trong các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân. Ảnh: quochoi.vn |
Mặt khác, khoản 4 điều 6 còn có quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để Quốc hội căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết.
4 chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Luật Trưng cầu ý dân quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đến Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề mà mình thấy cần thiết.
Theo quy định của luật, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu không thành công và theo quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật thì “Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố - Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Theo quy định của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất.
Căn cứ vào kết quả trưng cầu, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc thực hiện.
Gồm 8 chương 52 điều, Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Theo điều 6 của luật này, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau:
- Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
- Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Chiều 25/11, Quốc hội cũng thông qua Bộ luật Hàng hải (sửa đổi); Luật tạm giữ tạm giam... Có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) gồm 20 chương, 343 điều. Nội dung bộ luật đã lược bỏ quy định nhập tàu biển nước ngoài về Việt Nam để phá dỡ. Hoạt động này được đề nghị được thực hiện theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
Cùng thời điểm có hiệu lực thi hành, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách.
Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.