Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp gỡ và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam sáng 1/8. |
Chủ tịch nước cho rằng trong thời gian qua, vai trò và vị trí của luật sư từng bước được khẳng định trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước. Nhìn chung, đội ngũ luật sư đã góp phần làm cho công lý ngày càng sáng tỏ, quyền và nghĩa vụ của công dân không chỉ được xác lập trong chủ trương, chính sách hay trên văn bản mà ngay trong thực tiễn cuộc sống.
Trong một xã hội mà mọi tranh chấp, va chạm đều được giải quyết trên bàn cân công lý thì đất nước mới có thái bình thịnh trị, chính vì vậy bảo vệ công lý là bảo vệ uy tín chế độ. “Cho dù thu nhập đầu người cao hơn, ví dụ lên 10.000 USD/đầu người, nhưng đúng thành sai, sai thành đúng thì sớm muộn gì xã hội cũng tan rã, chắc chắn như vậy” - Chủ tịch nước nói.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh trong một số trường hợp các luật sư tham gia phát hiện oan sai, sót lọt tội phạm, đặc biệt Liên đoàn Luật sư đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước, cụ thể như tham gia trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Báo cáo với Chủ tịch nước về công tác bảo vệ và hỗ trợ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi hợp pháp khác của luật sư, ông Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư - nói trong nhiệm kỳ này liên đoàn nhận được 141 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư, các đơn này đều được giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Phần lớn đơn phản ánh và đề nghị liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư bị cản trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.
Về vấn đề ông Lê Thúc Anh nêu ra, thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - khẳng định lãnh đạo Bộ đã ban hành quy định cũng như luôn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong ngành chấp hành nghiêm túc pháp luật về quyền hành nghề của luật sư. Khi Liên đoàn Luật sư phản ánh đến Bộ Công an 30 trường hợp luật sư bị cản trở, ngay lập tức lãnh đạo bộ yêu cầu kiểm tra, làm rõ.
Qua đó cho thấy đa số trường hợp điều tra viên cơ bản thực hiện đúng quy định, một số trường hợp do cách hiểu pháp luật khác nhau, đối với trường hợp có thiếu sót của cơ quan điều tra, điều tra viên thì bộ có công văn chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị kiểm điểm. Theo thượng tướng Lê Quý Vương, trong thời gian tới bất cứ khi nào Liên đoàn Luật sư có công văn về các trường hợp liên quan đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư bị cản trở, Bộ Công an sẽ chỉ đạo giải quyết, chấn chỉnh ngay.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, nhấn mạnh đến nay vẫn có ý kiến cho rằng luật sư “tham gia sớm” thì khó khăn cho việc tiến hành tố tụng. “Đây là một quan điểm sai lầm. Chúng ta đang cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì để luật sư tham gia ngay từ đầu là càng sớm càng tốt” - ông Nguyễn Hải Phong nói.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, xã hội đòi hỏi hoạt động của luật sư và các tổ chức luật sư cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, chất lượng phải cao hơn, làm tốt hơn trách nhiệm của mình. Công cuộc cải cách tư pháp hiện nay không thể thiếu vai trò của luật sư.
“Trong một số trường hợp đặc biệt luật quy định sự tham gia của luật sư là bắt buộc. Ngoài các trường hợp đặc biệt đó, hiện nay mới có 21% số vụ án hình sự có luật sư tham gia, các vụ án dân sự tỉ lệ còn ít hơn. Đây là một hạn chế mà chúng ta phải cố gắng giải quyết” - Chủ tịch nước nói.