Giữa lúc thị trường nhiều biến động tiêu cực, các đại gia, chủ doanh nghiệp đã vung tiền mua gom lượng lớn cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu, đại gia Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) cũng không ngoại lệ, khi đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu HBC.
Ông Hải muốn nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp của mình từ 21,42 triệu đơn vị lên 23,42 triệu sau giao dịch, tương đương tỷ lệ 18,04% vốn. Dự kiến giao dịch thực hiện trong khoảng thời gian từ 30/5 đến 28/6, thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình, đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu HBC. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với thị giá HBC được giao dịch khoảng 36.700 đồng/cổ phiếu (25/5), dự kiến Chủ tịch Lê Viết Hải sẽ chi ra hơn 73 tỷ đồng cho đợt mua gom cổ phiếu lần này. Nếu mua vào thành công, ông Hải sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Hòa Bình, vượt qua quỹ PYN Elite Fund đang sở hữu 17,25% vốn.
Đáng chú ý, ông Lê Viết Hưng (anh trai của ông Hải) đã đăng ký bán ra 526.500 cổ phiếu HBC, để giảm lượng sở hữu xuống còn 1,92 triệu đơn vị, tương đương 1,48% vốn tại công ty em trai mình cách đây không lâu. Cũng theo kế hoạch, giao dịch bán ra của ông Hưng sẽ diễn ra từ ngày 25/5 đến 22/6, với mục đích thu xếp tài chính cá nhân.
Động thái trái ngược của 2 anh em Chủ tịch Hòa Bình diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HBC trong giai đoạn giảm mạnh từ vùng đỉnh cuối năm 2017, gần 65.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng nửa năm qua, cổ phiếu HBC đã mất gần một nửa giá trị. Còn tính từ đầu năm 2018 đến nay, HBC cũng đã giảm gần 15%.
Thị giá hiện nay (36.700 đồng) cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu ông lớn ngành xây dựng này trong 1 năm trở lại đây.
Ngoài yếu tố thị trường chung sụt giảm, cổ phiếu HBC giảm mạnh còn do dính quá nhiều "tin đồn ác ý, nhằm mục đích phá hoại - theo lời Chủ tịch Lê Viết Hải.
"Đầu tiên là tin đồn bị Khải Silk 'xù' nợ 2.500 tỷ đồng, sau đó công ty đã có thông tin đính chính không liên quan và giá cổ phiếu đã tăng lên. Nhưng sau đó, lại có tin đồn Hòa Bình quan hệ với các dự án của Vũ 'nhôm'. Trong khi chúng tôi không có hợp đồng nào với doanh nghiệp của Vũ 'nhôm' cả", vị Chủ tịch Hòa Bình từng nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, đà giảm của HBC còn một phần đến từ sự hoài nghi của các nhà đầu tư về chất lượng tài sản của doanh nghiệp. khi cùng với đà tăng của lợi nhuận thì các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng và nợ ngắn hạn cũng tăng theo.
Tính đến cuối năm 2017, khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng của doanh nghiệp này lên tới 4.673 tỷ đồng, tăng 1.769 tỷ (61%) so với đầu năm. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình thêm lên tới 9.190 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu kỳ. Đây cũng là nguyên nhân dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình liên tục âm trong vài quý vừa qua.
Trong năm 2018, Hòa Bình đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 20.680 tỷ đồng và lãi 1.068 tỷ đồng. Hết quý I, doanh nghiệp đã thu về tổng cộng 3.346 tỷ doanh thu thuần, tăng 10% nhưng lãi ròng lại giảm 25%, chỉ đạt 136 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lợi nhuận sụt giảm do công ty phải chi ra hàng chục tỷ đồng trả tiền lãi vay ngân hàng, cùng với các khoản chi tài chính khác.