Sau hơn 30 năm, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital vẫn nhớ như in ấn tượng đầu về Việt Nam. Đó là một đất nước đẹp, lãng mạn, khác xa những gì ông từng thấy trên phim Hollywood.
Buổi phỏng vấn của Zing với Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Dominic Scriven được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Việt, thông qua một ứng dụng họp trực tuyến vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vị chủ tịch quỹ đầu tư người Anh thể hiện niềm tin vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ Việt Nam.
Ông Scriven đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 30 năm, chứng kiến quá trình lột xác ngoạn mục của đất nước về cả đời sống lẫn kinh tế. Đến giờ, ông vẫn nhớ như in những trải nghiệm đầu tiên của mình tại Việt Nam, những trải nghiệm đã khiến chàng thanh niên hơn 20 tuổi khi ấy quyết định gắn bó lâu dài với dải đất hình chữ S.
- Cơ duyên nào đưa ông đến với Việt Nam?
- Vào cuối những năm 1980, tôi vẫn đang làm việc tại Hong Kong. Thời điểm ấy, đối với người phương Tây, Hong Kong là một trung tâm lớn ở Đông Á, là một nơi thích hợp để bắt đầu tìm hiểu về các nước khác của phương Đông. Sau đó, tôi quyết định đi học, không phải học thạc sĩ hay tiến sĩ mà là học một ngôn ngữ phương Đông, nhất là ngôn ngữ có thanh điệu (tức thêm dấu vào để thay đổi âm thanh gốc) như tiếng Việt Nam và Trung Quốc.
Tôi đã dành thời gian đến Trung Quốc nghiên cứu và có chuyến thăm Việt Nam vào năm 1990. Tôi tới Hà Nội, bay vào Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và TP.HCM. Sau chuyến đi, tôi nhủ thầm trong bụng rằng: "Đây rồi, đây chính là đất nước mà mình sẽ quay trở lại để học tập và sinh sống một thời gian".
Năm 1991-1992, tôi đăng ký vào khoa tiếng Việt của Đại học Tổng hợp Hà Nội và sống tại thủ đô với tư cách sinh viên đại học trong vòng hai năm. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Ban đầu, đối với một sinh viên hai mấy tuổi đầu, tôi chẳng nghĩ nhiều và cũng không có ý định sống ở Việt Nam lâu dài. Nhưng không ngờ rằng sau hai năm, tôi đã tự nói với mình: "Phải ở lại thôi. Ở lại tiếp để kiếm việc làm".
Thời đó, kinh tế Việt Nam chưa phát triển như bây giờ, số lượng công ty tư nhân và đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế. May mắn là tôi tìm được một công việc cho chi nhánh của một ngân hàng nước ngoài trong miền Nam.
Sau một năm làm việc, tôi cùng các anh chị em khác quyết định thành lập một công ty mới tại TP.HCM. Cả 8 anh chị em vẫn còn ở lại cho đến tận hôm nay.
- Vậy điều gì đã giữ chân ông lại đây suốt mấy chục năm qua?
- Có lẽ chúng ta phải nhìn lại thời điểm 30 năm trước. Khi ấy, nhận thức về Việt Nam của người nước ngoài nói chung và phương Tây nói riêng, nhất là người châu Âu và Mỹ, rất hạn chế. Hầu hết chỉ biết đến hình ảnh Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh thông qua các bộ phim Hollywood. Cho nên cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến Hà Nội là Việt Nam khác xa trên phim ảnh.
Thành phố Hà Nội rất đẹp và lãng mạn. Con người Việt Nam vui vẻ, cởi mở, thích ngồi nhậu, vừa ăn uống vừa nói chuyện. Thú thật là tôi cảm thấy may mắn vì tìm được một đất nước như vậy.
Sau khi tìm hiểu lịch sử và quá khứ chống giặc của Việt Nam, tôi càng ấn tượng hơn nữa. Người Việt Nam còn rất năng động và lạc quan về tương lai. Điều đó khiến tôi tin rằng đất nước này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và quyết định nắm lấy cơ hội. Lý do cuối cùng là thiên nhiên Việt Nam. Đất nước có sông, núi và rất nhiều loài động vật, nào là tê giác, hổ, cá sấu... Những thứ đó đã giữ chân tôi ở lại.
- Người Việt thường đùa rằng "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Tiếng Việt có khó học đối với ông?
- Riêng câu nói đó tôi đã nghe được từ nhiều người, nhưng tôi thắc mắc một điều, tiếng Việt không dễ học nhưng cái khó không nằm ở ngữ pháp. Theo kinh nghiệm của tôi, ngữ pháp không khó lắm. Cái khó đầu tiên là dấu, nhất là đối với người phương Tây.
Tôi thường kể với các bạn ở Anh rằng ba chữ cái "ban" trong tiếng Anh chỉ có nghĩa là "cấm". Nhưng với tiếng Việt, chúng ta có thể viết thành "ban", "bàn", bán", bạn", bản", "bận", "bẩn"... Và các bạn tôi không tin vào tai mình.
Nhưng khó hơn cả là từ vựng. Không hiểu sao mà nhiều từ quá. Tiếng Việt trong công việc khác với tiếng Việt dùng khi đi chơi, đi nhậu. Tiếng Việt nói thường ngày là một chuyện, tiếng Việt trong văn học lại là một chuyện khác. Gần 30 năm sử dụng tiếng Việt, tôi vẫn thấy mình chỉ như một sinh viên học tiếng.
- Sau gần 30 năm, ông thích nhất văn hóa nào của Việt Nam?
- Tôi thích tinh thần "vui là chính" của người Việt. Đùa vậy thôi, thực chất văn hóa Việt Nam có rất nhiều thứ. Nhưng tôi ấn tượng hơn cả về ẩm thực và hội họa. Các món ăn của Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới, từ London, New York, Tokyo đến Seoul. Đối với người nước ngoài, ngoài độ tươi ngon, đồ ăn Việt còn đặc biệt nhờ nước chấm. Ngay cả với một người ăn chay như tôi, đồ ăn Việt vẫn rất dễ ăn và độc đáo.
Cùng với đó là hội họa. Trong lịch sử, Việt Nam đã nổi tiếng với các bức tranh cổ động. Thời gian gần đây, thể loại tranh này tiếp tục được sử dụng để khuyến khích người dân tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19.
Tranh cổ động Việt Nam được báo chí nước ngoài khen ngợi rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn ấn tượng với tranh sơn mài của Việt Nam. Các nước châu Á đều có tranh sơn mài, nhưng không ở đâu có tranh sơn mài nhiều màu sắc như đất nước này.
- Dưới con mắt của một người nước ngoài như ông, Việt Nam đã thay đổi thế nào sau 30 năm so với ấn tượng ban đầu?
- Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục trong gần 30 năm qua. Cái dễ thấy nhất là tình trạng đói nghèo trong xã hội giảm đi đáng kể. Cùng với đó là sự phát triển của kinh tế. Gần 30 năm trước, thế giới không biết Việt Nam nằm ở đâu, dân số ra sao.
Nhưng giờ, tên tuổi Việt Nam đã được mọi quốc gia biết đến. Việt Nam nổi tiếng với gạo, nông sản, hạt điều, cà phê, tiêu... Nhưng trên hết, thế giới nhớ tới đất nước của các bạn với sức mạnh sản xuất và nền kinh tế số phát triển như vũ bão.
Sự phát triển kinh tế đã nâng điều kiện sống của người dân lên đáng kể. Ngoài ra, không thể không kể đến sự phát triển của tầng lớp tinh hoa. Các tỷ phú USD của Việt Nam là những tỷ phú tự thân. Họ đi lên bằng trí tuệ và công sức. Đó là một điều rất đáng tự hào.
Một sự thay đổi đáng chú ý khác là hợp tác quốc tế. Về mặt kinh tế, phải thừa nhận rằng Việt Nam rất giỏi trong việc ký các hiệp định thương mại. Nhưng cùng với đó là những hoạt động quốc tế khác. Chẳng hạn như đầu năm nay, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm ngoái, Việt Nam cử các y, bác sĩ đến công tác tại Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.
Hồi trước, bạn bè của tôi rất hiếm khi đến Việt Nam. Nếu có thì đó cũng là một chuyến đi mạo hiểm. Nhưng giờ không chỉ bản thân họ mà còn gia đình, con cái họ đến Việt Nam du lịch. Khách du lịch nước ngoài thường đi từ Nam ra Bắc, thuê xe máy, ở lại đến cả tháng. Điều đó đã chứng minh được sức hấp dẫn của Việt Nam đối với du khách quốc tế.
- Ông có thường xuyên đưa bạn bè và người thân sang Việt Nam chơi không?
- Có chứ, tôi thường xuyên đưa bạn bè và người thân đến Việt Nam du lịch. Trong 20 năm trở lại đây, năm nào mẹ tôi cũng sang Việt Nam để ăn Tết Nguyên đán. Có những năm tôi đưa cả gia đình, em gái, em rể và các cháu đến Việt Nam trải nghiệm Tết cổ truyền. Chúng tôi thường tới Phú Quốc, ngồi ngoài bãi biển. Đó là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời.
- Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các đồng nghiệp quốc tế của ông thay đổi thế nào?
- Vào những ngày đầu thành lập Dragon Capital, Việt Nam vẫn chưa có thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu hay giá cổ phiếu. Khi muốn huy động vốn của các nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi phải chụp hình cơ sở làm việc của công ty mà mình đầu tư, rồi bay sang nước ngoài, mang theo những hình ảnh đó và giới thiệu: "Đây là công ty sản xuất giày dép này", "Đây là công ty điện tử này"... Ngày ấy, rất ít người tin vào triển vọng của các khoản đầu tư đó.
Đến khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập, một số nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Nhưng đa số vẫn còn hoài nghi. Đến giờ, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt giá trị hơn 150 tỷ USD, nhiều người lại nghi ngại đây chưa phải thị trường mới nổi chính thức, chưa có báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, rồi lo về chế độ với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, vẫn sẽ có những người nói không. Nhưng điều đáng mừng là số lượng nhà đầu tư nước ngoài của năm sau luôn nhiều hơn năm trước.
- Trong khoảng thời gian qua, đã bao giờ ông có ý định rời khỏi Việt Nam?
- Trong 30 năm qua, chắc chắn sẽ có những thời điểm khó khăn. Không phải năm nay thì là mười, mười mấy năm trước. Mỗi năm đều có khủng hoảng này, khủng hoảng kia.
Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Dragon Capital đã trải qua và bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính ở Mexico năm 1994-1995, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, bong bóng dotcom tại Mỹ tác động đến tất cả thị trường chứng khoán trên thế giới, khủng hoảng tài chính năm 2008 và đến giờ là cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một sự nghiệp lâu dài đòi hỏi tính kiên nhẫn và linh hoạt. Ngay từ đầu, tôi luôn cố gắng giữ niềm tin vào tương lai của Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ những khó khăn phải đối mặt và cách vượt qua của Dragon Capital trong gần 30 năm qua?
- Theo kinh nghiệm của tôi tại Việt Nam, khó khăn trong việc đầu tư không xuất phát từ công nghệ hay thị trường, mà chủ yếu trong khâu quản trị công ty. Một công ty cổ phần bao gồm nhiều thành phần, từ cổ đông, lãnh đạo, nhân viên, khách hàng đến nhà cung cấp.
Việc quản trị tốt nhằm mục đích thống nhất và đảm bảo, cân đối quyền lợi giữa các bên. Khi người lãnh đạo không làm được điều đó, công ty sẽ xảy ra bất đồng và rơi vào tình trạng khó khăn, giá cổ phiếu trượt dốc, thậm chí phá sản.
Dragon đã gặp không ít trường hợp như vậy. Trong hơn hai mươi năm qua, với việc rót vốn vào trên dưới 250 doanh nghiệp, không thể nói rằng mọi khoản đầu tư đều thành công. Nhưng chúng tôi phải cố gắng lường trước mọi vấn đề, phân tích, quản trị rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Quỹ cũng luôn tìm cách lên tiếng, góp ý với tư cách cổ đông khi nhận thấy hướng đi của công ty chưa ổn.
Một khó khăn khác nằm về phía những nhà đầu tư. Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, họ cho rằng các nước đang phát triển không có tương lai. Nhiều người muốn đòi lại tiền, thậm chí không ít cổ đông của một số quỹ lên chiến dịch tấn công, đòi thanh lý quỹ và chia lại vốn cho nhà đầu tư. Đó cũng là trường hợp chúng tôi phải đề phòng, đẩy mạnh quản trị quỹ và mối quan hệ với các bên liên quan.
- Khoản đầu tư khó khăn nhất và khoản đầu tư khiến ông hài lòng nhất từ trước đến nay?
Khó khăn nhất là đầu tư vào ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Thời điểm đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân mới ra đời. Hệ thống quy định quản lý của ngân hàng nhà nước vẫn chưa hoàn chỉnh. Trong khi đó, kinh nghiệm của ban điều hành cũng không có nhiều. Đó là một hành trình rất vất vả.
Còn khoản đầu tư tôi hài lòng nhất là trường hợp của Vinamilk. Vào thời điểm đó, chúng tôi cũng hỗ trợ cho ban điều hành, xây dựng phương án cổ phần hóa. Nguyên nhân dẫn đến thành công là ngành sữa phát triển rất nhanh và đều đặn. Nhưng một yếu tố không thể thiếu khác là vai trò của ban điều hành và hội đồng quản trị, nhất là khả năng lãnh đạo của doanh nhân nữ tại Việt Nam.
Trong quá trình đầu tư, tôi nhận thấy những công ty hoạt động ổn định, ít rơi vào tình thế khó khăn tại Việt Nam thường được phụ nữ lãnh đạo. Chúng ta cần phải ghi nhận sự quyết tâm và nhạy bén của các nữ doanh nhân Việt. Đó là một điểm rất tốt, nhất là khi so với những quốc gia khác.
- Theo ông, dịch Covid-19 sẽ tác động ra sao đến tương lai của nền kinh tế nói chung và Dragon Capital nói riêng? Quỹ đã có kế hoạch gì cho tương lai nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp?
- Như chúng ta đã biết, dịch Covid-19 mang đến một cú sốc lớn. Cuộc khủng hoảng đặt ra rất nhiều thách thức cho hầu hết ngành nghề. Quỹ phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các ngành nghề, từ giao thông vận tải, mua sắm, du lịch, ngân hàng... và tập trung vào quản trị rủi ro.
Thứ hai là cần đánh giá tác động của những gói cứu trợ của các chính phủ trên toàn thế giới, sau đó điều chỉnh danh mục đầu tư phù hợp với chúng. Cuối cùng là nghiên cứu về những tác động lâu dài đối với kinh tế và đời sống xã hội, không chỉ vì dịch Covid-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác sau này. Đời sống xã hội, bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu và vấn đề số hóa là bốn vấn đề đủ để chúng ta trằn trọc hàng đêm.
- Ông đánh giá ra sao về hoạt động của các quỹ tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại?
- Ngành quỹ của Việt Nam vẫn còn tương đối mới. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các quỹ tại Việt Nam nắm giữ khoảng 10 tỷ USD tiền vốn. Để so sánh, con số này của Thái Lan là 150 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng 1.000 tỷ USD.
Các quỹ của Việt Nam còn non trẻ và cần nỗ lực rất nhiều để xứng đáng với tiềm năng. Điều này đòi hỏi ngày càng nhiều người tham gia. Khi nền kinh tế phát triển, người dân có thu nhập ổn định, không phải lo nghĩ về cơm ăn áo mặc, họ sẽ nghĩ đến những khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 của Việt Nam có thể dựa vào mức thu nhập đầu người. Dù khó bình luận về khả năng đạt được mục tiêu, nhưng có thể khẳng định rằng hướng đi của Việt Nam rất tích cực và đáng khích lệ, nhất là các chính sách kinh tế và tài chính.