Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch DOJI: 'Giảm vàng hóa cần có quá trình'

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho rằng, năm 2013 thị trường vàng sẽ có những thay đổi cơ bản với tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

Chủ tịch DOJI: 'Giảm vàng hóa cần có quá trình'

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho rằng, năm 2013 thị trường vàng sẽ có những thay đổi cơ bản với tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

- Thị trường vàng trong năm 2012 “dậy sóng” với hàng loạt chính sách từ các cơ quan quản lý. Vậy dấu ấn nào đậm nét nhất, theo cách nhìn  của ông?

- 2012 là năm khó khăn của nền kinh tế với quá nhiều biến động của thị trường vàng, với nhiều thứ “lần đầu tiên”. Lần đầu tiên Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng ra đời. Lần đầu xuất hiện vàng SJC nhái khiến người dùng dè chừng không dám mua. Lần đầu tiên một thời gian dài giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhau 3-4 triệu đồng/lượng và cũng là lần đầu tiên hệ thống mua bán vàng thu hẹp từ 12.000 điểm xuống 2.500. Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền thương hiệu lấy tên từ SJC. Đây là những điểm cốt lõi với thị trường vàng trong năm 2012.

Nhưng với năm 2013 thì dấu ấn có lẽ  nằm ở chỗ quyết định để Ngân hàng Nhà nước - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước - nhưng cũng trực tiếp tham gia vào kinh doanh, quản lý kinh doanh. Cùng với Nghị định 24, đây là một vấn đề rất mới cả về chính sách, quan điểm, điều chỉnh hành vi của cả 3 chủ thể tham gia thị trường là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Nghĩa là, cả 3 đối tượng này đều phải thay đổi cách nghĩ, làm, hành vi.

Tình trạng người mua đi bất cứ đâu cũng mua được vàng miếng, dễ như mua rau chấm dứt, thay vào đó, phải đến các điểm có uy tín, cấp phép. Các đơn vị kinh doanh phải đủ điều kiện, có khả năng đáp ứng được mới bán, chưa không phải chỉ cần mở một cửa hiệu với tủ kính nhỏ là bán được vàng.

Riêng về cơ quan quản lý, 2012 cũng là năm để nhận thấy thị trường vàng không đơn giản, dễ dàng quản lý như những loại hình kinh doanh khác, nên cần phải có biện pháp, cách thức phù hợp. Cả 3 chủ thể đều phải điều chỉnh cách nghĩ, cách làm. Đó là những điều từ trước đến nay thị trường vàng chưa có.

Tôi nghĩ rằng trước đây, đang thiếu ở đâu đó ở góc độ quy định về pháp luật với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vàng, quản lý nhưng không được mua bán, có nhiều thương hiệu khác nhau tồn tại, chưa có giải pháp đúng và trúng để ngăn chặn ảnh hưởng của vàng lậu.

 
Hiện tại, theo Chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú, có đủ "tay to" kiến tạo thị trường, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa giá trong nước và thế giới gần nhau.

- Vậy hoạt động kinh doanh của DOJI - nơi ông làm Chủ tịch HĐQT - có điểm gì khiến cho ông hài lòng trong năm 2012 vừa qua?

- Điều tôi hài lòng hơn cả là trong bối cảnh khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn duy trì là một trong những “ông lớn” trên thị trường vàng. Doanh thu năm 2012 của DOJI là 32.050 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 12%, tiến từ top 5 (2010), top 3 (2011) lên dẫn đầu trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trên 90% doanh thu là từ vàng miếng, song về nữ trang, tăng trưởng 3 năm liền ở mức bình quân 40-50%.

- Ông nói 90% doanh thu 2012 là từ vàng miếng, vậy mức này có phải quá cao với một doanh nghiệp chủ trương hướng đến thị trường chính là vàng trang sức như DOJI?

- Thực ra, nhìn vào doanh thu thì thấy lớn, nhưng nếu so sánh với năm 2011 thì năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của vàng miếng mới chỉ 8%, khá thấp so với mức vài chục % của các năm trước đó. Tôi cũng từng chia sẻ, năm 2012, vàng đã có phần bớt lấp lánh đi trong mắt dân cư và nhà đầu tư vì quả thực đầu tư vào vàng không hữu hiệu cho lắm. Chỉ xét riêng 2012, giá vàng quốc tế tăng 7%, trong nước tăng 9%, mức này không quá hấp dẫn. Các năm trước đó, biên độ tăng giá có thể lên tới 25-30%, nên nếu rót vào đầu tư vàng năm 2012 thì trung bình không bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng.

- Nhưng vì sao vàng miếng vẫn “át vía” vàng nữ trang, thưa ông?

- Đơn giản là do thói quen tích trữ, nhu cầu của người dân với loại vàng này lớn. Còn với vàng trang sức, trong khó khăn người ta cũng bớt tiêu dùng vào các mặt hàng cao cấp. Với trang sức của DOJI, sản phẩm của chúng tôi đưa ra vẫn liên tục tăng trưởng doanh thu. Từ năm 2008, năm nào doanh thu cũng đạt gấp đôi, có năm 70%, trung bình 3 năm tăng trưởng trên 40%.

Cốt lõi của thị trường là nữ trang chứ không phải vàng miếng. Vấn đề này, tôi đã nhìn thấy từ lâu rồi, vì thế bản thân DOJI cũng xây dựng cho mình những thương hiệu riêng về trang sức, kim cương, đá màu, bạc hay các loại nhẫn Lộc - Phát - Tài bằng trang sức vàng ta có hàm lượng vàng 99 và 999. Nói vậy để thấy, chúng tôi không trông vào lợi nhuận trước mắt của vàng miếng mà con đường đích thực vẫn là nữ trang.

- Năm 2012, với Nghị định 24 và chính sách chỉ còn một thương hiệu vàng quốc gia là SJC, thì người dân lại đổ xô mua vàng thương hiệu này. Có người bảo, DOJI may mắn vì tiên liệu được chính sách quản lý nên đầu tư vào SJC Hà Nội. Ông nghĩ như thế nào?

- Cách đây 7 năm, SJC Hà Nội - chi nhánh của SJC Sài Gòn - cổ phần hóa, DOJI tham gia mua cổ phần của đơn vị này, sau đó là SJC Đà Nẵng. Nhưng thực tế, chúng tôi không được hưởng bất cứ lợi gì của SJC Sài Gòn trong quá trình Nghị định 24 ra đời vì SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng chỉ là 2 đơn vị kinh doanh, ngoài cái tên nằm trong “họ” SJC. Cái lợi có chăng chỉ là một chút niềm tin của thị trường là đơn vị ấy (DOJI) có công ty thành viên mang họ là SJC - thương hiệu có tín nhiệm.

Nhưng cũng cần nói thêm là sau này tín nhiệm nằm trong cả tập đoàn rồi thì khách hàng đến với chúng tôi cũng do sản phẩm mà DOJI làm ra. Bản thân SJC Hà Nội hay Đà Nẵng, khi bán sản phẩm của DOJI, cũng tự hào đó là những thứ thị trường cần. Do đó, không có chuyện chúng tôi “tiên liệu” được chính sách để tham gia tái cơ cấu SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng. Thậm chí, đợt đầu tiên chào bán, cổ phiếu của SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng còn không được mua hết. Nhưng chúng tôi nhìn thấy nếu muốn phát triển thị trường thì cần tận dụng tín nhiệm với thương hiệu SJC.

- Vai trò của tín nhiệm thương hiệu SJC đã nhìn thấy được trong năm 2012, với hàng loạt chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Vậy theo ông, liệu những chính sách này có thể thẩm thấu trong năm 2013 và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới được thu hẹp?

- Tôi nghĩ, trong nửa năm đầu 2013, chính sách vẫn chưa thẩm thấu vì tâm lý tích trữ vàng của người dân có từ hàng trăm năm nay. Nhà nước muốn giảm vàng hóa, để người dân không giữ và “yêu” vàng nữa thì cần một quá trình, phụ thuộc vào chấn hưng nền kinh tế, sức khỏe của đồng nội tệ.

Còn về chênh lệch giá vàng, tôi tin là sẽ kéo được vì Ngân hàng Nhà nước có đẩy đủ phương tiện và công cụ trong tay, được độc quyền nhập khẩu nguyên liệu mà không phải chịu thuế, là đơn vị duy nhất  được sử dụng tài khoản nước ngoài để cân đối trạng thái vàng phòng ngừa rủi ro, là người độc quyền sử dụng thương hiệu của mình để đưa ra thị trường một sản phẩm duy nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng tham gia trực tiếp kiến tạo thị trường chứ không phải chỉ với vai trò quản lý nhà nước.

Như vậy là vai trò của Ngân hàng Nhà nước, vừa là thành viên Chính phủ, vừa là Ngân hàng Trung ương quốc gia, giờ với thị trường vàng lại là một “tay to” kiến tạo, người mua bán cuối cùng, mọi công cụ, “thập bát môn võ nghệ” đều trong tay Ngân hàng Nhà nước thì có thể làm được. Trước đây, tôi nghĩ rằng đang thiếu ở đâu đó ở góc độ quy định về pháp luật với cơ quan quản lý nhà nước, quản lý nhưng không được mua bán, có nhiều thương hiệu khác nhau, ảnh hưởng của vàng lậu. Tôi tin việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá lại.

- Vậy theo ông khi nào chênh lệch này sẽ được thu hẹp?

- Điều này thì Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra là càng nhanh càng tốt. Nếu tạm tính mốc 30/6 là thời điểm tất cả các ngân hàng thương mại phải tất toán trạng thái vàng thì cũng có thể cho rằng đó là lúc cuối cùng để gióng lên tiếng cồng về sự đầy đủ trong vai trò, điều kiện của Ngân hàng Nhà nước về giải quyết vấn đề chênh lệch giá nội - ngoại.

Ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch Diana và trở thành Chủ tịch ngân hàng Tiên Phong sau khi mua lại 20% cổ phần nhà băng này. Ông Phú bắt đầu làm Chủ tịch HĐQT của DOJI từ 2007 đến nay. Trước đó, từ năm 1992 đến năm 1994, ông là Tổng giám đốc công ty liên doanh đá quý VIGEMTEC.

Ngoài kinh doanh vàng bạc đá quý, sản phẩm giấy, băng vệ sinh, tham gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Phú còn được biết đến là chủ của chuỗi nhà hàng ăn uống và khá thành công. Ông cũng là một trong những doanh nhân tuổi Tỵ thành đạt, bên cạnh Mai Kiều Liên - Chủ tịch Vinamilk và Trần Mộng Hùng - cựu Chủ tịch ACB.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm