Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ - 'Kẻ nổi loạn'
Ông Ben Bernanke - Chủ tịch FED có tính cách của một "kẻ nổi loạn" từ khi còn là sinh viên trường Havard cho đến khi điều hành Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Muốn hiểu được Ben Bernanke, xin hãy dẹp sang một bên những bức ảnh gần đây của người đàn ông 59 tuổi với râu quai nón cắt tỉa gọn gàng, áo sơ mi sạch tinh tươm và ánh mắt đượm vẻ mệt mỏi. Hãy tìm trong kỷ yếu năm 1975 của Đại học Havard hình ảnh một sinh viên mới tốt nghiệp với ánh mắt cương nghị. Không giống các bạn đồng khóa cùng chụp chung trong ảnh, Bernanke không thắt cà vạt, cũng không mặc áo choàng. Ông mặc sơ mi kẻ ca rô, để tóc dài với hàng ria mép dày đậm chất nổi loạn.
Hàng ria mép có thể không còn, nhưng chất nổi loạn vẫn còn trong con người ông Chủ tịch Cục dữ trữ liên bang Hoa Kỳ ngày nay, và đó là may mắn cho toàn thế giới.
|
Tuy đã 59 tuổi nhưng chất "nổi loạn" trong ông vẫn như thuở thiếu thời |
Năm nay Financial Times đã bình chọn Chủ tịch NHTW Châu Âu Mario Draghi làm Nhân vật của năm. Nhưng theo ý kiến của tôi, “huy chương bạc” ắt phải trao cho Ben Bernanke. Có đôi khi ông bị bêu riếu, nhưng điều đó chỉ càng tô đậm thêm nét ngoan cường của con người này mà thôi.
Canh bạc đầu tiên của Bernanke trên ghế Chủ tịch FED là bơm 1,5 nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính hồi cuối năm 2008. Giờ nhìn lại thì chuyện ấy có vẻ như chẳng cần phải nghĩ (vì rút cục FED đã chặn đứng được một cuộc đại suy thoái như những năm 1930 và thậm chí còn có lời). Nhưng ở thời điểm ấy, bước đi của Bernanke khiến người ta sửng sốt. Ông được Thượng viện phê chuẩn tiếp tục giữ ghế Chủ tịch FED với tỷ lệ 70 phiếu thuận và 30 phiếu chống, thấp nhất trong lịch sử FED.
Canh bạc thứ hai của Bernanke là giữ lãi suất cơ bản ở gần mức 0 thông qua mua chứng khoán dài hạn. Hành động này lại khiến công chúng nổi sóng: Chẳng phải “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) của FED sẽ gây ra lạm phát sao?
Hạ nghị sỹ Newt Gingrich thuộc Đảng Cộng hòa gọi ông là Chủ tịch FED “nguy hiểm nhất” trong lịch sử. Thống đốc Texas Rick Perry còn đi xa hơn: “Nếu gã này còn tiếp tục in tiền từ nay tới khi bầu cử, tôi không biết ở Iowa các trị gã thế nào, chứ nếu ở Texas thì chúng tôi sẽ cho hắn lãnh đủ.” Tuy vậy, Bernanke đã được minh oan khi lạm phát lõi (core inflation) vẫn giữ ở mức dưới 2%.
Giờ tới canh bạc thứ ba của Bernanke. Khi công bố giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch mua lại trái phiếu của FED, ông đã từ bỏ cam kết mua một lượng trái phiếu nhất định trong một khoản thời gian nhất định quen thuộc. Nay ông nhấn mạnh FED sẽ mua trái phiếu cho tới khi tổ chức này đạt được mục tiêu của mình, tức là không hạn chế về số lượng và không hạn chế về thời gian. Vẫn “nới lỏng” nhưng đã không còn “định lượng”.
Cuộc cách mạng này gợi nhớ đến những năm 1990 khi chính sách cố định cung tiền được thay thế bằng chính sách lạm phát mục tiêu. Cả bây giờ và khi ấy, sự tập trung vào các thước đo áp lực lạm phát (như lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế hay lượng trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của NHTW) thực ra là để hướng tới mục tiêu cuối cùng của các nhà hoạch định chính sách: tăng trưởng không lạm phát.
Đây là bước đi sáng suốt của Bernanke. Vì sao phải nhắm tới một thước đo trừu tượng trong khi ta có thể nhắm trực tiếp vào thứ đứng sau nó?
Sáng suốt hơn ở chỗ, bước đi này đã tạo ra một công cụ bình ổn tự động trong nền kinh tế. Nếu FED nói rõ hàng tháng sẽ mua bao nhiêu trái phiếu, khi kinh tế đột ngột khó khăn, kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ sẽ không đổi. Nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu khi tăng trưởng chậm lại và tạo ra “hiệu ứng tuyết lở” (snowball effect).
Nhưng nếu FED cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi kinh tế có chậm lại thật thì mọi người sẽ kỳ vọng vào hành động của FED. Lãi suất sẽ giảm do người ta nghĩ sẽ có nới lỏng tiền tệ. Thêm một chút may mắn nữa, thế là ta giải quyết được hiệu ứng tuyết lở.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa những gì Bernanke toan tính. Khi chuyển trọng tâm từ quy mô bảng cân đối kế toán của FED sang các mục tiêu cho nền kinh tế, ông giải thích rằng các mục tiêu này bao gồm cả hạ tỷ lệ thất nghiệp dù cho đi đôi với nó có là lạm phát tạm thời cao lên. Đây là một cuộc cách mạng!
Trong hơn ba thập niên, lãnh đạo của FED tránh đưa ra tuyên bố kiểu này. Trong dài hạn, chỉ mình NHTW quyết định mức lạm phát trong khi thất nghiệp dài hạn do tính linh hoạt của thị trường lao động và các yếu tố mang tính cơ cấu khác chi phối. NHTW chẳng được lợi gì khi nhận trách nhiệm với thứ mà mình chỉ có thể tác động phần nào, nhất là khi họ cần phải giữ uy tín chống lạm phát.
Thời còn làm nghiên cứu, Bernanke đã góp phần tạo nên sự đồng thuận đối với chính sách lạm phát mục tiêu. Ông luôn cho rằng nên theo đuổi mục tiêu này một cách linh hoạt, và nếu có thời chệch khỏi mục tiêu thì vẫn chấp nhận được.
Khi tuyên bố sẵn sàng để giá tạm thời tăng, ông đánh cược vào khả năng kỳ vọng lạm phát dài hạn ổn định, vì thế đòi hỏi về lương là vừa phải và không có vòng xoáy lạm phát. Phó Chủ tịch FED Janet Yellen đã nghiên cứu chính sách của FED còn nới lỏng được đến đâu nữa với các giả định trên. Câu trả lời: Thoải mái.
Chính sách này rõ ràng là có rủi ro. FED đang đánh bạc với kỳ vọng lạm phát, một thứ vốn dễ thay đổi. FED hy vọng chính sách kích thích mạnh tay trong ngắn hạn sẽ không bị hiểu sai thành sự thất bại của cuộc chiến chống lạm phát dài hạn.
Nhưng FED đang phải đối mặt với một nền kinh tế có 5 triệu người thất nghiệp từ 6 tháng trở lên. Nếu không làm gì thì nguy cơ còn lớn hơn. Bernanke đã đứng lên chống lại sự đồng thuận chung về chính sách tiền tệ mà chính ông cũng góp phần.
Người viết là ông Sebastian Mallaby, Nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (the Council on Foreign Relations).
Theo TTVN/FT