Chủ tịch Cuba Raul Castro xác nhận sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), được tổ chức tại Panama vào đầu tháng 4/2015. |
Sự có mặt của Cuba tại Hội nghị OAS từng là đề tài gây tranh cãi giữa thành viên của tổ chức này khi mà hầu hết các nước trong khu vực đã bày tỏ sự ủng hộ đối với La Habana, trong khi Mỹ và Canada kiên quyết không chấp nhận việc quốc đảo này tham gia với lý do Cuba cần phải nỗ lực hơn nữa trong “vấn đề dân chủ và nhân quyền”.
Trước đó, hôm 17/12, Mỹ và Cuba đã đi đến quyết định mang tính lịch sử khi hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia Châu Mỹ đồng thời tuyên bố nối lại quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn.
Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi sự kiện này bắt đầu một chương mới trong quan hệ Mỹ với Cuba và cho rằng, cách tiếp cận hiện nay của Mỹ với Cuba đã lỗi thời, và việc bình thường hóa là “ý nghĩa nhất” trong chính sách của Mỹ với Cuba trong nửa thế kỷ qua.
Ông cho biết, Mỹ đang xem xét mở đại sứ quán ở Havana trong những tháng tới. Ngoài ra, Mỹ sẽ xem xét tước bỏ việc gọi Cuba là “quốc gia bảo trợ khủng bố” mà Mỹ gán cho Cuba lâu nay. Mỹ cũng sẽ nới lỏng lệnh cấm đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, nới lỏng các hạn chế tài chính, tăng cường kết nối viễn thông và sẽ có các nỗ lực bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại 53 năm qua với Cuba.
Về phần mình, quyết định của Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và nhiều người dân Cuba hiện đã đánh giá cao hơn vai trò của ông Raul ở cương vị một nhà lãnh đạo đất nước.
Bên cạnh đó, sự kiện này cũng được đánh giá là một thắng lợi ngoại giao của ông Raul để bước ra khỏi “cái bóng huyền thoại” của người anh trai Fidel Castro.