Tầm nhìn vượt thời gian
Trái ngược với bầu không khí ảm đạm đang bao trùm thị trường bất động sản hiện nay, nhân viên kinh doanh của Bitexco những ngày này đang tất bật giới thiệu với khách hàng về khu đô thị The Manor Central Park tại Hà Nội. Đây là dự án bất động sản lớn nhất từ trước đến nay mà tập đoàn dự tính đầu tư tới 2 tỷ USD.
Chủ tịch Bitexco, ông Vũ Quang Hội cũng bận rộn không kém. Vừa lo chuẩn bị khai trương khách sạn JW Marriott, vừa chỉ đạo sát sao công tác đầu tư và kinh doanh của The Manor Central Park. Cả đại bản doanh của Bitexco như nóng lên.
Chủ tịch Bitexco - Vũ Quang Hội. |
Ông Hội bảo, từ anh sinh viên mới ra trường cũng có thể mua được căn hộ diện tích nhỏ tại The Manor Central Park đến những người có tiền có thể lựa chọn trong số 1.066 nhà phố hoặc biệt thự sang trọng tại đây. Điều quan trọng là dù mua loại nhà nào, họ cũng sẽ được hưởng môi trường sống đầy đủ tiện ích, và đặc biệt là một không gian xanh hiếm có, với công viên trung tâm rộng 7ha, kết hợp với 5 công viên nhánh, đồng thời kết nối với công viên Chu Văn An rộng 100ha ở phía Nam của Thủ đô.
Điều mà ông Hội cũng rất tâm đắc là tính thương mại rất cao của các sản phẩm nhà ở tại The Manor Central Park. Nhờ cách thiết kế thông minh, mỗi ngôi nhà tại đây không chỉ là nơi lý tưởng để ở mà còn có thể vừa để ở, vừa cho thuê làm cửa hàng, hoặc chia nhỏ thành những căn hộ để cho người nước ngoài thuê lại. Tất nhiên, trong bầu không khí ảm đạm của thị trường bất động sản hiện nay, không ít người đặt câu hỏi về khả năng bán hàng thành công của The Manor Central Park. Nhưng ông Hội rất tự tin rằng, dự án sẽ hút khách giống như thời Bitexco chào bán khu căn hộ The Manor tại Hà Nội và TP.HCM cách đây 10 năm.
Hồi đó, Bitexco là doanh nghiệp tiên phong xây dựng căn hộ cao cấp giữa lúc mọi người vẫn có thành kiến với chung cư. Giá bán cũng không hề rẻ, khởi điểm từ 800 USD/m2, bằng với số tiền để mua 1m2 đất ở vị trí rất đẹp để xây nhà. Quả thực, ban đầu rất nhiều khách hàng cũng tỏ ra ngần ngại. Nhưng về sau, Bitexco bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây nhà mẫu cho khách hàng mục sở thị căn hộ tương lai, cùng với việc làm cho khách hàng thấu hiểu giá trị căn hộ họ sở hữu, tốc độ bán hàng của The Manor càng ngày càng nhanh và khi xây xong thì cũng không còn lại căn hộ nào để bán.
Ông Hội nói rằng, làm kinh doanh nhất thiết phải có tầm nhìn. Như đối với dự án đầu tay là tháp văn phòng Bitexco Office Building tại TP.HCM, ông Hội mua mảnh đất này vào năm 2000, khi nhà đầu tư nước ngoài đã rút đi dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Lúc đó, thị trường văn phòng cho thuê đang tụt dốc thảm hại, nhưng ông Hội lại nhìn thấy ánh sáng phía trước, vì tin nhu cầu thuê văn phòng sẽ còn tăng mạnh khi kinh tế phát triển, và vì khủng hoảng kinh tế, nhiều dự án đình trệ nên nguồn cung sẽ co lại. Những tính toán này của ông đã trở thành hiện thực.
Khi khai trương vào năm 2003, Bitexco Office Building trở thành tòa nhà văn phòng cho thuê đầu tiên ở trung tâm thành phố mở cửa tính từ năm 2000. Nhờ đó, toàn bộ diện tích tòa nhà ngay lập tức đã được lấp kín bởi khách thuê. Còn đối với The Manor tại Hà Nội, khi Bitexco lập dự án, khu đất tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm vẫn là cánh đồng chăn thả trâu bò. Thậm chí, khi nhà mẫu khánh thành vào hồi cuối năm 2003, rất nhiều khách hàng còn không biết đường đến dự án. Nhưng chỉ vài năm sau, cùng với sự cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và sự xuất hiện của trụ sở một số bộ, ngành cùng hàng chục dự án bất động sản lớn, The Manor đã ngạo nghễ giữa một trung tâm đô thị phát triển năng động nhất Hà Nội.
Nhưng, bối cảnh thị trường bất động sản hiện đã khác 10 năm trước, khi mà nguồn cung nhà ở đã tăng vọt, nhiều dự án phải dừng hoặc giãn tiến độ, còn người mua mất lòng tin vào chủ đầu tư vì họ nộp tiền mà không nhận được nhà. Tính thanh khoản trên thị trường địa ốc sụt giảm mạnh suốt hơn 2 năm qua, khiến nhiều dự án không dám mạo hiểm chào bán hoặc có bán thì cũng phải chiết khấu rất sâu mà vẫn khó.
Khi được hỏi “tung sản phẩm ra thị trường trong tình cảnh này có quá mạo hiểm ?". Ông Hội nói rằng, trên thực tế, trong hơn 10 năm đầu tư và kinh doanh bất động sản, các dự án của Bitexco đều được đầu tư hoặc tung ra bán trong bối cảnh thị trường bất động sản không mấy thuận lợi, nhưng lại đều hút khách. Tất nhiên, kinh doanh gặp thời, đúng lúc thị trường nóng là điều may mắn, nhưng chiến lược của Bitexco cho thấy, họ không đánh theo sóng thị trường, mà nghiêng về đầu tư giá trị bền vững.
Vậy, đâu là bí quyết để lôi kéo khách hàng, khi mà Bitexco tiên phong đưa ra những sản phẩm còn quá mới với người tiêu dùng, hoặc tung ra vào thời điểm thị trường không thuận lợi? Ông Hội cho hay, ông không có triết lý gì quá cao siêu, mà đơn giản, xuyên suốt chiến lược kinh doanh từ trước đến nay của Bitexco là đặt lợi ích xã hội trên lợi ích doanh nghiệp. Khi đầu tư bất cứ dự án nào, ông Hội cũng triệt để tuân thủ nguyên tắc này.
Nghe thì có vẻ “phi kinh doanh”, nhưng ông Hội lại quan niệm: nếu lợi ích mà Bitexco mang lại cho xã hội, cho người tiêu dùng càng lớn, thì sản phẩm của Bitexco càng có hấp lực mạnh, và cái lợi mà Bitexco có được là ở đó. Đơn cử, với The Manor Central Park, ông Hội mong muốn xây dựng một khu đô thị chuẩn mực, thể hiện tầm nhìn tương lai của Hà Nội trong thế kỷ 21; đồng thời, không những cung cấp một môi trường sống lý tưởng mà còn tạo dựng những ngôi nhà có giá trị thương mại độc đáo, để từ đó, giá trị bất động sản sẽ không ngừng gia tăng theo thời gian, bất chấp những biến động về kinh tế. Khi lợi ích mang lại cho người mua nhà tại The Manor Central Park lớn như vậy thì Bitexco lo gì không bán được nhà.
Bản lĩnh và niềm tự tôn dân tộc
Ông Hội muốn tòa tháp Bitexco Financial Tower trở thành biểu tượng cho một Việt Nam năng động và thịnh vượng, là nềm tự hào của Việt Nam và thế giới. |
Phương án kiến trúc của tòa tháp này theo hình búp sen đã gây ra những tranh cãi trái chiều trong giới đầu tư bất động sản. Nhiều người cho rằng, cách thiết kế như vậy là “phi kinh doanh”. Vì nếu vậy, tòa tháp sẽ mất đi 30% diện tích so với cách thiết kế vuông thành sắc cạnh, chi phí đầu tư cũng tăng lên vì xây dựng khó hơn, khả năng sinh lời của dự án sẽ giảm đi. Nhưng ông Hội kiên quyết bảo vệ ý tưởng, bởi ông muốn tòa tháp này trở thành biểu tượng cho một Việt Nam năng động và thịnh vượng, là niềm tự hào của người Việt Nam với thế giới, giống như người Malaysia tự hào về tòa tháp đôi Petronas.
Để rồi, cuối năm 2010, tòa tháp 68 tầng này khánh thành và là công trình cao nhất cả nước vào thời điểm đó. Giờ đây, dù không còn là tòa tháp cao nhất Việt Nam vì ngôi vị đó nay đã thuộc về Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội, nhưng hãng truyền thông CNN (Mỹ) vào đầu tháng 8/2013 vẫn chọn Bitexco Financial Tower là một trong 25 tòa nhà chọc trời trên thế giới mang tính biểu tượng về xây dựng, ngang tầm với tháp Empire States Building ở New York và Petronas Twin Towers ở Malaysia.
Đối với ông Hội, vinh dự này không chỉ là niềm tự hào riêng của Bitexco, giúp nâng tầm Bitexco trở thành một công ty quốc tế, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Ông nói rằng, nếu chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận, ông không phải tốn quá nhiều tâm huyết, công sức cũng như đối diện với những rủi ro chưa có tiền lệ để hiện thực hóa ý tưởng táo bạo và khó như tòa tháp Bitexco Financial Tower. Ông có thể hài lòng sau khi hoàn thành hai khu căn hộ The Manor (Hà Nội) và The Manor TP.HCM. Có lẽ, sự tự tôn và tinh thần dân tộc đã thôi thúc vị kỹ sư cơ khí này tiếp tục tiên phong với những ý tưởng sáng tạo độc đáo, chấp nhận đương đầu với thử thách, để xây dựng những công trình có dấu ấn riêng, không những làm đẹp cho diện mạo đô thị, mà còn để người Việt Nam ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế vì có thể làm chủ và xây dựng những công trình không thua kém họ.
Bởi thế, ông Hội đã lựa chọn những hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của Việt Nam để thổi hồn vào những công trình kiến trúc nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nếu Bitexco Financial Tower giống hình búp sen – loài hoa truyền thống của Việt Nam thì khách sạn JW Marriott Hanoi lại mang dáng dấp của một con rồng đang bay lên. Điểm đặc biệt nữa là khách sạn có phòng tổng thống nằm ở vị trí đầu rồng, vươn trên không trung, một cách thiết kế tạo ra thách thức rất lớn đối với nhà thầu xây dựng.
Ông Hội tiết lộ, ông chọn hình tượng con rồng cho kiến trúc của khách sạn JW Marriott vì linh vật này là biểu tượng cho sức mạnh, từ đó, ông muốn truyền tải thông điệp đến những du khách quốc tế về một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ. Chính vì niềm tự hào dân tộc mà ông kiên quyết không bán tòa tháp Bitexco Financial Tower, mặc dù đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Trung Đông, đặt vấn đề mua lại.
Chiến lược của Bitexco là xây và giữ niềm tự hào và những dự án này sẽ tạo ra dòng tiền thường xuyên và ổn định sau này cho công ty, thay vì tìm kiếm lợi nhuận ngay lập tức. Nhưng vì tiên phong với những ý tưởng mới và rất khó nên việc thực hiện cũng không hề dễ dàng, nếu không nói là Bitexco phải chấp nhận vượt qua rất nhiều thách thức ở phía trước.
Quả thực, không chỉ đối mặt với thách thức trong việc chào bán căn hộ The Manor khi thị trường căn hộ chung cư còn sơ khai, khi Bitexco công bố kế hoạch đầu tư tòa tháp Bitexco Financial Tower cao 68 tầng hơn 8 năm về trước, hầu như ít người tin dự án có thể trở thành hiện thực. Lúc đó, hầu như các công trình lớn đều do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ, nhưng cũng chưa có doanh nghiệp nào, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có thể phát triển và vận hành dự án cao quá 40 tầng. Nhưng ông Hội vẫn sẵn sàng đương đầu với thách thức. Trong thâm tâm của vị doanh nhân xuất thân từ quê lúa Thái Bình này luôn trăn trở: tại sao người Việt rất thông minh, nhưng lại chưa xây dựng được công trình ghi dấu ấn như các nhà đầu tư nước ngoài? Tại sao Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi danh hàng nghìn tiến sỹ mà Việt Nam vẫn nghèo? Làm thế nào để Việt Nam có thể bằng bạn bằng bè?
Những day dứt cộng với khát vọng vươn lên cháy bỏng đã thôi thúc ông Hội thực hiện những chuyến đi con thoi ra nước ngoài để học hỏi. Hết Pháp, Tây Ban Nha, rồi đến Mỹ, Ý, Nhật, cứ nơi nào có những đô thị đẹp là ông đến tìm hiểu, học hỏi các học giả và kiến trúc sư để từ đó sáng tạo những ý tưởng táo bạo nhưng đậm chất Việt Nam.Ông cho rằng, để đi tắt đón đầu, thậm chí là vượt người nước ngoài, con đường ngắn nhất không có gì khác là kết hợp trí tuệ của người Việt với những tinh hoa về kiến trúc và công nghệ xây dựng tiên tiến nhất trên thế giới.
Vì thế, hóa giải thách thức và hiện thực hóa những ý tưởng khó như Bitexco Financial Tower và JW Mariott, Bitexco đã đưa về Việt Nam những nhà thầu danh tiếng trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, quản lý, xây dựng và phát triển dự án như: Carlos Zapata, Turner, Kume Sekkei, Lera, Hyundai E&C, EE&K Perkins Eastman…
Trong con mắt của ông Oliver Roche, người từng là đại diện cho nhà thầu Turner quản lý việc xây dựng Bitexco Financial Tower, ông Hội là một trong những doanh nhân Việt Nam hiếm có, dám sáng tạo, dám làm, kiên quyết thực hiện ý tưởng, dù biết là khó.
Còn Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, thì nhận xét, Bitexco là một nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, táo bạo và sẵn sàng thử nghiệm với những ý tưởng thiết kế mới, độc đáo. Marc nói rằng, Bitexco cũng là doanh nghiệp hiểu cách sử dụng các nhà tư vấn nước ngoài thế nào để có hiệu quả, và thực sự đã đạt tiêu chuẩn quốc tế trong việc phát triển dự án bất động sản.
Nhưng không đơn thuần chỉ đưa các nhà tư vấn danh tiếng quốc tế vào Việt Nam, ông Hội còn muốn đưa Bitexco trở thành một công ty quốc tế. Đây là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn chịu chi để thuê đội ngũ tư vấn nước ngoài, đồng thời thuê cả nguyên Phó chủ tịch công ty xây dựng danh tiếng Hyundai E&C là ông In Suk Ko làm Tổng giám đốc điều hành. Không những thế, ông Hội còn yêu cầu tất cả nhân viên phải tận dụng cơ hội làm việc với người nước ngoài để học hỏi kỹ năng làm việc của họ để không những phục vụ cho Bitexco mà sau này có thể cho các công ty khác hoặc cho đất nước.
Tất nhiên, kinh doanh trong thời kỳ kinh tế biến động, thị trường tài chính và thị trường bất động sản trồi sụt, Bitexco cũng không miễn nhiễm với khó khăn. Suốt từ lúc khai trương, Bitexco Financial Tower phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thừa trên thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM, khi giá cho thuê giảm trong 12 quý liên tiếp kể từ giữa năm 2008.
Mặc dù kỳ vọng ban đầu cho thuê với giá cao nhờ vị trí đắc địa và kiến trúc độc đáo, nhưng năm ngoái Bitexco buộc phải hạ giá thuê để hút khách. Việc xây dựng khách sạn JW Mariott cũng đối mặt với không ít khó khăn vì ngân hàng hạn chế cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nếu có vay được thì lãi suất cũng rất cao. Tuy nhiên, ông Hội cho biết, cả hai dự án đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tới nay Bitexco Financial Tower đã cho thuê được 70% diện tích văn phòng và 80% diện tích khu thương mại, còn khách sạn JW Marriott cũng đang chuẩn bị cho ngày khai trương.
Ngoài JW Marriott, năm ngoái, giữa lúc thị trường bất động sản vẫn ngập chìm trong khủng hoảng, Bitexco khởi động kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để xây dựng tòa tháp đôi cao 55 tầng The One Ho Chi Minh City, nơi tập đoàn khách sạn hạng sang thế giới Ritz-Carlton lựa chọn làm địa điểm cho khách sạn đầu tiên của mình tại Việt Nam. Bitexco lại tiếp tục tiên phong với những ý tưởng mới, nhưng lần này lại ở một lĩnh vực khác: xây dựng đường cao tốc. Tập đoàn đã được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới lựa chọn là nhà đầu tư đầu tiên cho dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 100km theo mô hình thí điểm là hợp tác công – tư. Hạ tầng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI xác định là một trong 3 nút thắt cần tháo gỡ để phát triển kinh tế và ông Hội lựa chọn là nhà đầu tư tư nhân tiên phong trong lĩnh vực này. Nhưng bởi là dự án thí điểm, quy chế pháp lý cho các dự án hợp tác công – tư lại đang trong quá trình hoàn thiện nên công tác chuẩn bị của dự án 757 triệu USD này đã kéo dài tới gần 5 năm và rất phức tạp.
Cho đến thời điểm này, ông Hội tạm thời thở phào, vì cuối cùng Bitexco cũng đã vượt qua những điều kiện rất khó khăn do ngân hàng Thế giới đặt ra để được lựa chọn là nhà đầu tư thứ nhất của dự án, đồng thời cùng với Bộ Giao thông Vận tải đem dự án ra chào mời các nhà đầu tư quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản,Singapore và Ấn Độ.
Với một loạt dự án lớn đang và sắp triển khai, Bitexco của ông Hội giờ đây như đang bắt đầu vào đường cao tốc để làm nên những cú bứt phá thần kỳ, không chỉ cho riêng mình mà cho cả nền kinh tế Việt Nam.