Sự bất đồng của Lionel Messi và có thể cả các cầu thủ khác nữa đối với chính sách điều hành CLB của Josep Bartomeu là có thật. Chỉ có sự bất đồng ấy mới khiến Messi muốn rời bỏ CLB mà anh từng nhiều lần tuyên bố "là gia đình tôi".
Và Bartomeu, ở cương vị chủ tịch, phải là người chịu trách nhiệm chính. Chức vô địch Champions League năm 2015 dưới thời Bartomeu trị vì không đủ để che lấp sự thật: ông đang hủy hoại Barca.
Bắt đầu từ bản hợp đồng
Bản hợp đồng giữa Barca và Messi, được ký năm 2017, là thứ khiến người ta gây tranh cãi rất nhiều lúc này. Với công văn chính thức của La Liga, thứ khẳng định tính hợp pháp, sự hợp lệ của các điều khoản trong hợp đồng ấy, nhiều người nghĩ tới kịch bản khó cho Messi.
Khoản phí giải phóng 700 triệu euro là quá lớn. Không một ai dám bỏ chừng ấy tiền cho siêu sao đã 33 tuổi, nhất là khi cả thế giới điêu đứng vì đại dịch Covid-19 như lúc này.
Thực tế, La Liga có phải là "quan tòa" hay không? Hoàn toàn không. Chỉ có UEFA, FIFA và Tòa án châu Âu mới có thể đưa ra quyết định mà trong đó, quan trọng nhất là Tòa án châu Âu.
Bóng đá có luật lệ riêng của nó, nhưng phải nằm dưới hiến pháp. Và cái cách La Liga đưa ra công văn kia chẳng qua chỉ là động thái để bảo vệ chính họ.
Việc Cristiano Ronaldo đi khỏi Real Madrid cho thấy La Liga mất giá đến mức độ nào. Và giờ đây, nếu Messi cũng ra đi, giá trị của La Liga cũng sẽ tụt thê thảm.
Cho dù cả Barca lẫn Real vẫn là 2 thương hiệu bóng đá vĩ đại nhất hành tinh, thì bóng đá vẫn cần có siêu sao, El Clasico vẫn cần có siêu sao, và La Liga cần các cuộc chạm trán giữa những "Titan". Một mình Messi không thể vãn hồi được giá trị của El Clasico thì khi không Messi, El Clasico còn thảm hại hơn nữa.
Và khi La Liga tự vệ, Premier League cũng có người bảo vệ. Báo chí Anh loan tin điều khoản về giá trị giải phóng hợp đồng của Messi là không còn giá trị.
Tài năng, tầm vóc của Messi sẽ khiến giải đấu có sự góp mặt của anh trở nên giá trị hơn. Ảnh: Getty. |
Họ phân tích hợp đồng ký 3 năm, với thêm một năm "tùy chọn" sau đó và năm "tùy chọn" này thuộc vào ý nguyện của cả hai bên. Chính vì thế, cái điều khoản về giá trị giải phóng chỉ có hiệu lực ở 3 năm chính thức, tức từ 2017 đến 2020. Theo người Anh, Messi cứ đi thoải mái.
Tất nhiên, người Anh nôn nóng với việc Messi đến Man City. Đó sẽ không chỉ là việc mang lại sức mạnh cho Man City, với khả năng đăng quang Champions League, mà còn là việc tạo thêm giá trị thu hút cho Premier League.
Còn gì tuyệt vời hơn khi ở Premier League đã có Pep Guardiola, Juergen Klopp, Jose Mourinho, Marcelo Bielsa và giờ có thêm cả Messi bổ sung vào danh sách những ngôi sao De Bruyne, Pogba, Fernandes, Aguero, Van Dijk, Salah, Firmino, Timo Werner. Thiên hà thực sự ở Premier League chứ không còn ở La Liga.
Tuy nhiên, tất cả thông tin của cả hai quốc gia đưa ra đều chỉ đáng tin một nửa, bởi ai cũng nói vì lợi ích của mình. Chúng ta chưa được đọc bản hợp đồng ấy (điều này gần như bất khả), chúng ta chưa thể xác quyết về khả năng cuối cùng.
Khi mối quan hệ kéo dài gần 20 năm, dựa trên cơ sở tình yêu và niềm tin, được mang ra phán xử bằng hợp đồng và tòa án, mối quan hệ ấy coi như đã chết.
Nói về hợp đồng, cả thế hệ vàng Barca đều nhận được hợp đồng tương tự Messi, với điều khoản được lựa chọn ra đi tự do ở năm cuối cùng, năm "tùy chọn". Chính Bartomeu gọi cái điều khoản này là thứ để tri ân những ngôi sao của Nou Camp. Vậy khi ông sẵn sàng bội phản lại cái niềm tin dựa trên sự tri ân kia, ông đã xé toạc mảnh uy tín còn lại của mình trước chính những ngôi sao của mình.
Hành động của Bartomeu có thể khiến những cái ôm chặt giữa ông và Messi không bao giờ xuất hiện nữa. Ảnh: FC Barcelona. |
Bartomeu hủy hoại Barca như thế nào?
Hãy bắt đầu trả lời câu hỏi này bằng việc quay trở về với bản ngã của Barca, ngay từ ngày khởi đầu, khi người sáng lập CLB, Joan Gamper mới 23 tuổi. Đó không phải là CLB bóng đá đơn thuần, mà là CLB thể thao tổng hợp, với nguồn cảm hứng Hy Lạp cổ đại và ý niệm xương sống là thông qua thể thao, giáo dục cho con người ta giá trị của tình bằng hữu, sự tôn trọng và tính cạnh tranh lành mạnh.
Cái ý niệm xương sống này tưởng như khó có thể tồn tại trong thời hiện đại, khi mà thể thao đã trở thành ngành công nghiệp giải trí hàng tỷ USD. Ấy vậy mà ở Barca, nó vẫn sống đúng nghĩa là triết lý nền tảng, bền vững không khác gì "giáo lý" của một tôn giáo. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa Barca với phần còn lại của thế giới bóng đá hôm nay.
"Những người vẫn coi bóng đá là tín ngưỡng đều hiểu Barca mang giá trị vượt ra ngoài đường biên của việc chơi bóng đá đơn thuần. Ở đây, bạn được dạy để trở thành cầu thủ nhưng hơn tất thảy, bạn được dạy làm người. Bạn phải nghĩ đến đồng đội của mình trước, nghĩ đến đội bóng trước khi nghĩ đến bản thân mình". Đó chính là những gì mà Xavi từng chia sẻ về Barca, về đời sống của con người trưởng thành từ La Masia cho tới đỉnh cao vinh quang của thế giới.
"Barca thúc đẩy sự tôn trọng, quan tâm, tính khiêm nhường, chăm chỉ, nỗ lực và hy sinh trong mỗi con người", Xavi bổ sung thêm về CLB.
Còn Messi thì sao? Chính anh, cách đây vài năm, từng nói: "Khi tôi lớn lên ở đây, với hệ giá trị của La Masia và Barca, thứ tôi có được vượt trên cả bóng đá. Tôi tin chắc nhân cách của tôi đã được hình thành từ La Masia". Và chia sẻ ấy càng cho thấy, không chỉ Messi, mà cả Xavi, Iniesta, Pique, Busquets đều coi Barca như mái nhà.
Chúng ta vẫn nói gia đình nào cũng có sóng gió và có lẽ thời đoạn của Bartomeu chính là thời đoạn sóng gió của gia đình Barca. Tuy nhiên, cái sóng gió ấy lại đến từ sự bội phản và chiêu trò.
Và cái cách Bartomeu phản ứng lại với chuyện Messi đòi ra đi đã bộc lộ tất cả chiêu trò bội phản nọ. Nó cũng bóc trần luôn con người thật sự của Bartomeu và cách mà ông ta hủy hoại Barca.
Khi Messi muốn ra đi, nghĩa là anh đã tới ngưỡng của sự chịu đựng. Dù anh nói Barca là gia đình, việc anh đòi ra đi cũng không có gì đáng trách, sau suốt cả thời thanh xuân gắn bó.
Hành động của Messi chẳng khác gì đứa con muốn thoát ly khỏi gia đình, để có đời sống riêng của mình. Chúng ta vẫn có thể cổ xúy cho câu chuyện thoát ly để tự lập, thì chúng ta cũng không nên trách cứ gì Messi vì quyết định này.
Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố chắc nịch về khoản bồi thường giải phóng hợp đồng, Bartomeu đã làm gì? Cảm nhận được khả năng "kiếm tiền không dễ" và nếu vụ việc được đưa ra tòa, Barca có thể thất bại, Bartomeu đã quay ngoắt thái độ bằng cách "nếu Messi cần ông từ chức để ở lại, ông sẽ từ chức".
Bartomeu đang đi ngược với khẩu hiệu "Mes que un club" (Hơn cả một câu lạc bộ) của Barca. Ảnh: FC Barcelona. |
Chiêu thức này chẳng qua là cách dồn toàn bộ áp lực sang phía Messi, đẩy anh vào cảnh đi - ở đều dở như nhau. Nó giống như cái lối các chính trị gia chơi xỏ nhau nhiều hơn là cách con người cư xử với bằng hữu ân tình.
Cơ sở của "tôn trọng, nghĩ đến đội bóng trước khi nghĩ đến mình" có tồn tại trong chiêu bài của Bartomeu dành cho Messi hay không? Và chúng ta càng không thể loại trừ khả năng chính Bartomeu muốn loại trừ các ngôi sao lương cao của đội bóng để cân bằng tài chính vớt vát cho con tàu thua lỗ kể từ khi ông nhậm chức.
Và nếu đúng thật là Bartomeu muốn chơi cờ như vậy, liệu huấn luyện viên Koeman có quá ngây thơ khi ngồi vào ghế nóng với niềm tin về giá trị Barca, trong khi vị chủ tịch lại đang xử với ông bằng hệ giá trị khác.
Cái cách Bartomeu cư xử với Messi và rộng hơn nữa là với những ngôi sao như Suarez, có thể khiến chúng ta liên tưởng về mùa giải 1987/88 dưới thời Chủ tịch Lluis Nunez và vụ bê bối Hesperia. Các cầu thủ ngày ấy cũng bị lừa trong khâu ký hợp đồng, và họ đã tổ chức họp báo công khai để bày tỏ thái độ khi mình bị đối xử tệ bạc.
Khi ấy, Nunez hùng hồn tuyên bố: "Nếu cầu thủ nào không muốn ở đây, cứ việc đi, cửa luôn rộng mở vì CLB mới là quan trọng hơn cả". Vin vào cái "Mes que un club" là thứ dễ dàng hơn cả và có thể hôm nay, Bartomeu cũng sẽ vin vào đó để làm điểm tựa. Tuy nhiên, Bartomeu có thể "sống sót" như Nunez hay không, khi Koeman không phải là Cruyff, người mà Nunez mang về sau đó?
"Lý do người ta yêu mến Barca không phải vì Cruyff, vì Guardiola, vì Messi, vì Neymar hay bất kỳ nhân vật nào trong lịch sử CLB, mà là vì chính CLB, cái cảm giác được là một phần của CLB. Ở đó, không chỉ đơn thuần là chơi bóng đá để chiến thắng, mà là cái cách họ chơi thứ bóng đá mãn nhãn. Và trái tim của Barca chính là những cules, những người sống cho Barca". Lời nhận xét này của Gary Lineker đã đủ nói lên hết tất cả. Bartomeu có thực sự sống cho Barca hay không? Ông có thực sự là cule trước khi là chủ tịch hay không?
Bartomeu chỉ yêu Barca khi ông ngồi ở chiếc ghế chủ tịch câu lạc bộ? Ảnh: FC Barcelona. |
Khi rời xa cũng chính là yêu thương
Chúng ta vẫn nghĩ yêu thương một ai đó, điều gì đó, là ta sẽ luôn gắn bó. Tuy nhiên, nhiều khi rời xa thứ mình yêu thương cũng là cách thể hiện yêu thương. Và trường hợp của Messi, chúng ta hoàn toàn có thể tin dù rời xa Barca, anh vẫn giữ CLB trong tim, mãi mãi.
Giả sử, sau mùa bóng vừa rồi, Messi vẫn không có phản ứng nào, và anh chấp nhận tiếp tục, mọi thứ sẽ ra sao? Abidal vẫn còn ở đó. Bartomeu làm những việc như ông vẫn làm. Koeman đến như Valverde và Setien từng đến.
Rồi sau đó sẽ ra sao? Nếu chẳng có gì biến chuyển đột phá, Barca sẽ lại sống tiếp mùa hè 2021 như những mùa hè vừa rồi? Messi cảm thấy anh phải làm gì đó để thay đổi.
Và anh chấp nhận ra đi, chấp nhận cả hờn giận nếu có của cules chỉ để mong một điều: CLB trong tim mình phải thay đổi. Đấy gọi là hy sinh, một thứ trong hệ giá trị nền tảng của Barca.
Còn Bartomeu, ông ta có yêu thương Barca không? Đừng ai hoài nghi tình yêu của Bartomeu dành cho Barca. Tuy nhiên, cách yêu thương của Bartomeu lại chưa chắc đúng đắn. Dường như ông ta yêu "một Barca với tôi làm chủ tịch" hơn là dành cho CLB thứ tình cảm như Lineker đã nói, tức là "sống vì CLB".
Nếu Bartomeu là người từ chức ngay sau những thất bại của Barca, và ông cũng giải tán luôn cái bộ sậu đã làm việc không hiệu quả suốt mấy năm qua để Barca bước vào giai đoạn mới, với ban quản trị và đường hướng mới, có thể Messi sẽ ở lại Nou Camp để gánh vác nốt trọng trách cuối đời cầu thủ của mình. Mà cules cần Messi hơn hay Bartomeu hơn? Chính Bartomeu phải tự hiểu điều đó.
Khi quyết định ra đi, Messi phải chấp nhận những luồng phản ứng trái chiều của các cổ động viên Barca. Ảnh: Getty. |
Rõ ràng, Bartomeu không mang trong mình bất kỳ một thuộc tính nào của hệ giá trị cao cả mà Barca đã gầy dựng suốt 120 năm qua. Và lạ kỳ thay, là một chủ tịch, ông ta dường như quên mất đã có những sự hy sinh thực sự vì CLB trong suốt lịch sử kéo dài.
Cái chết của người sáng lập CLB, Joan Gamper, năm 1930 nhẽ ra nên là điều thức tỉnh Bartomeu nhất. Không ai yêu Barca bằng Joan Gamper. Tuy nhiên, ông buộc phải lìa xa CLB của mình, cũng chỉ vì sự tồn vong của nó.
Và khi lìa xa nó, ông rơi vào trầm cảm để rồi quyết định quyên sinh. Đó chính là sự rời xa khủng khiếp, đáng nhớ nhất mà mỗi thành viên Barca cần nhớ.
Cái cách Pep Guardiola rời Barca cũng là vì tình cảm của ông cho Barca. Sự ám ảnh về đội bóng hoàn hảo trong chiến thuật, với những đòi hỏi liên tục dành cho cầu thủ của mình đã khiến Pep Guardiola cảm thấy phải dừng lại, bởi nếu ông tiếp tục, ông sẽ chỉ hủy hoại nó khi cầu thủ đến ngưỡng chịu đựng cuối cùng.
Và khi ra đi, ông để lại di sản cho người bạn thân nhất, người ở chung phòng với ông từ thuở La Masia là Tito Vilanova. Ông hiểu sự mềm mại của Vilanova sẽ giúp Barca tốt hơn mình. Chỉ tiếc là số phận đã bắt Vilanova phải rời xa CLB khi ông vẫn còn rất nhiều để cống hiến.
Tất cả ai yêu mến một điều gì đó, nhưng cố tình lìa xa nó vì biết điều đó sẽ khiến nó tốt hơn, đều là những người có đức hy sinh cao cả, và sức chịu đựng nhẫn nại, bền bỉ.
Barca tạo ra những con người như thế, nhưng trong lòng họ vẫn có vài người không bao giờ thẩm thấu hết được những giá trị cao đẹp ấy. Điều đó cũng là lẽ thường thôi, bởi ai cũng có cái phần người ích kỷ vô cùng trong mình. Bartomeu không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong trận đấu dài hơi này, Bartomeu đã thất bại. Không phải vì số đông đang chống lại ông, mà bởi vì chính ông đã chấp nhận đầu quân cho phần đối diện với tinh thần Barca, dù cho sự đầu quân ấy chỉ là vô thức chứ không hẳn là cố ý.
Tuy nhiên, Barca sẽ hồi sinh, vì hệ giá trị của nó là vĩnh cửu.