"Chúng tôi tính toán kỹ lúc nào cần nhiều vốn, khi nào thêm nhân lực, thời điểm mở rộng đội tàu bay hay duy trì ổn định... có kịch bản cho mọi tình huống", ông Trịnh Văn Quyết nói.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways, tiếp Zing.vn ngày cuối năm trên tầng cao nhất của tòa nhà Bamboo Airways tại Cầu Giấy. Sẵn lòng trả lời các thắc mắc về chuyện làm hàng không của một đại gia bất động sản - FLC, ông Quyết từ chối nói về tham vọng bay của người khác.
Ông chỉ nhiều lần nhấn mạnh: "Có thêm hãng bay là thêm vui, người tiêu dùng có thêm lựa chọn".
Ông nói chỉ trong một năm, tân binh Bamboo Airways đã đủ sức làm thị trường hàng không xáo trộn, sôi động, và quan trọng nhất là "thay đổi cung cách phục vụ" của hàng không Việt.
"Sự thay đổi không chỉ trong ứng xử với khách bay mà còn với các đại lý bán vé. Bạn có thể đi khảo sát để thấy sự khác biệt so với một năm trước", ông nói.
- Chúc mừng ông và Bamboo Airways với năm đầu tiên tăng trưởng mạnh, từ chuyến bay thương mại đầu tiên tới đội hình 28 máy bay. Nhìn lại, đâu là khó khăn lớn nhất của ông trong gần một năm vận hành hãng bay?
- Khó khăn lớn nhất trong vận hành một hãng hàng không là chiều được lòng của hàng triệu du khách. Đó là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm, dù là trước khi vận hành hay đang và sau khi vận hành.
Giờ phút này, tôi có thể tự hào nói chúng tôi đã làm được điều khó nhất ấy trong một năm vừa qua. Bamboo Airways được 99% khách hàng đã đi là có ấn tượng tích cực và quay trở lại để đi nhiều lần nữa. Đó vẫn còn là khó khăn kéo dài suốt cả quá trình vận hành hãng hàng không.
- Đội hình đủ lớn để đảm bảo độ phủ, thị phần giúp kinh doanh báo lãi ngay từ năm đầu tiên cho Bamboo. Có người đặt câu hỏi liệu Bamboo có đang được ưu ái?
- Chúng tôi không nhận được ưu ái nào, thậm chí, nếu không muốn nói là ngược lại.
Về mặt quy định pháp luật, luật hàng không và nghị định hướng dẫn kinh doanh trong lĩnh vực này đều quy định rõ về hoạt động kinh doanh vận tải hàng không. Không có bất cứ một quy định nào hạn chế số lượng tàu bay về khi mà vốn điều lệ của doanh nghiệp được 1.300 tỷ đồng.
Khi đảm bảo vốn pháp định, việc không bị giới hạn tàu bay là điều bình thường. Bamboo còn đang bị giới hạn này, thì sao có thể nói là được “ưu ái”? Đó còn là khó khăn.
- Vậy bí quyết để có tốc độ tăng trưởng đội hình tàu bay vào tốp đầu thế giới là gì?
- Đội tàu bay của chúng tôi lớn nhanh nhờ có sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo trong nhiều năm trước khi bay, 2 năm chuẩn bị bay và 3 năm từ khi có ý tưởng làm hàng không. Từ tiếp viên, tới phi công, thợ kỹ thuật, điều hành bay đều có cả năm trời dưới mặt đất để đào tạo tiếp tục, đào tạo nhiều lần, bên cạnh kinh nghiệm có sẵn.
Nhờ đó, khi bắt đầu cất cánh từ ngày 16/1/2019, chúng tôi không vấp phải bất kỳ lỗi nào. Ngược lại, chúng tôi đáp ứng tốt các yêu cầu mà cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra cũng như quy định của pháp luật.
Nói cách khác, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như nhu cầu khách hàng.
- Sau một năm tham gia cuộc chơi hàng không, điều lớn nhất là Bamboo đã làm được là gì, theo ông?
- Chúng tôi tự hào đã góp phần thay đổi cung cách phục vụ hàng không ở Việt Nam. Một số bạn bè nói với tôi văn hóa cúi chào của chúng tôi đã và đang lan tỏa. Việc cúi chào khách là thể hiện sự thân thiện và khiêm tốn với khách, nếu đơn vị nào khác học theo thì tôi thấy càng vui.
Đặt tay lên tim, cúi chào một cách có tâm nhất, chứ không chỉ đơn giản là lễ nghi. Cúi chào với cả tấm lòng. Tôi luôn đào tạo nhân viên rằng khách hàng là người đang nuôi mình, là ân nhân của mình, khi đó cúi chào mới là thật tâm, gây thiện cảm thực với khách hàng.
Chúng tôi không làm gì vội vàng
- Hàng không được gọi là ngành đốt vốn, đây có phải là lý do mà ông “vội vã” mang FLC Homes và Bamboo Airways lên sàn hay không?
- Chúng tôi có dư nguồn vốn để vận hành một hãng hàng không. Nếu không có vốn, không chuẩn bị kỹ, thì làm sao chúng tôi có đội tàu bay lớn và an toàn như vậy. Chúng tôi không bao giờ làm gì vội vàng cả, nhanh hay chậm đều có sự tính toán kỹ lưỡng.
- Sau một năm làm hàng không, ông có còn giữ quan điểm rằng vận hành một hãng hàng không dễ hơn làm bất động sản?
- Đã kinh doanh thì không có gì dễ cả, ngành nào cũng có cái khó riêng. Đến ăn cơm mình còn thấy khó, nói gì là làm. Tuy nhiên, chỉ cần mình có sự chuẩn bị kỹ, chu đáo, và lường trước các tình huống, các kịch bản... thì mọi việc sẽ ổn.
Lúc nào thì cần nhiều vốn, khi nào cần nhiều nhân lực, lúc nào đi vào chuyên nghiệp, khi nào mở rộng đội tàu bay, khi nào cần ổn định..., chúng tôi có kịch bản cho các tình huống như vậy.
Khi có chiến lược, kế hoạch, kịch bản cụ thể, tính toán đầy đủ, thì chúng tôi sẽ an toàn về mọi phương diện.
- Năm 2020 thị trường có thể có thêm nhiều tay chơi mới. Liệu những hãng bay mới có làm mục tiêu nắm 30% thị phần trong năm 2020 của ông và Bamboo Airways lung lay?
- Thêm hãng hàng không là thêm vui. Mình sẽ càng phải cố gắng, càng phải hoàn thiện hơn nữa. Cán bộ và nhân viên của mình càng phải ý thức việc cần làm tốt hơn nữa để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Dù cho thêm bao nhiêu hãng, thì chúng tôi vẫn “vững niềm tin, bền ý chí”, như slogan của FLC.
Chúng tôi đã thực hiện điều này 19 năm qua. Tham gia bất động sản muộn, là đàn em của nhiều tên tuổi lớn ở lĩnh vực này, bây giờ, chúng tôi tự tin mình trong top 3 trong lĩnh vực bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Đi sau các tên tuổi lớn, nhưng chúng tôi cũng đã để lại nhiều công trình, dấu ấn quan trọng cho xã hội, và cho khách hàng.
Với hàng không cũng vậy, chúng tôi mong trong những năm tới, không phải chỉ người Việt biết đến thương hiệu này, mà công dân nhiều quốc gia trên thế giới biết và dùng Bamboo Airways.
Tôi kỳ vọng trong vài năm tới, đây sẽ là một thương hiệu toàn cầu, và sẽ là thương hiệu được người dân nhiều nước trên thế giới nhớ tới khi lựa chọn hãng bay.
- Ông có lo lắng khi thêm hãng mới?
- Tôi lo làm sao chuẩn bị tốt, đã đào tạo rồi, huấn luyện, hướng dẫn cán bộ nhân viên làm tốt hơn nữa.
Tôi khẳng định lại thêm hãng hàng không là thêm vui.
- Năm 2019, trong khi ông Quyết từ bất động sản mở rộng sang làm hàng không thì một số đại gia khác ở trong nước lại dừng cuộc chơi hàng không, thu hẹp hoạt động, tập trung vào một vài ngành nghề lõi?
- Việc mở rộng, thêm ngành nghề kinh doanh của chúng tôi có sự tính toán rất kỹ và chuẩn bị kỹ.
Còn lựa chọn của các doanh nghiệp, doanh nhân khác, tôi xin phép từ chối bình luận.
- 2 năm trước, chia sẻ với Zing.vn, ông nói mối quan tâm lớn nhất là bán được bao nhiêu nhà, FLC đứng vị trí bao nhiêu trong việc bán nhà. Sau 2 năm, mối quan tâm ấy có gì khác?
- Với tôi vẫn là câu chuyện bán thêm hàng, trước bán nhà, giờ thêm bán được bao nhiêu vé. Cuộc đời kinh doanh cũng chỉ quay quanh chuyện bán hàng thôi mà (cười).
- Những biến động của thị trường bất động sản năm 2019 có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động bán hàng của FLC không, đặc biệt với loạt sự cố như Cocobay Đà Nẵng khiến thị trường sụt giảm lòng tin?
- Chúng tôi không ảnh hưởng gì, vì FLC hiện không bán condotel.
- Là hãng bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam vận hành Boeing 787 và là trường hợp hiếm trên thế giới khai thác dòng máy bay thân rộng này ngay trong năm đầu hoạt động, ông cùng Bamboo Airways có những áp lực nào?
- Chúng tôi không gặp áp lực gì. Chúng tôi tự hào vận hành một hãng hàng không có máy bay thân rộng. Có máy bay thân rộng thì mới đủ điều kiện để chúng tôi phấn đấu trở thành hãng hàng không 5 sao.
Dòng máy bay này cũng đáp ứng nhu cầu vận hành các chặng đường dài trong nước và quốc tế, như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội và TP.HCM đi các nước như CH Czech, Australia, Nhật Bản... Cuối năm nay, chúng tôi sẽ phấn đấu mở đường bay đi Mỹ.
- Ông có quá tự tin khi tuyên bố như vậy?
- Tôi tự tin vì mình đã chuẩn bị rất cẩn thận, chuẩn chỉnh. Mọi thứ vận hành trong hàng không đều phải trả lời được câu hỏi từ nhà chức trách cũng như yêu cầu của khách hàng.
Với dòng máy bay thân rộng, chúng tôi đưa vào vận hành từ tháng 10/2019 và đến nay đều rất tốt, mọi người rất yêu thích.
- Bay thẳng Mỹ không phải việc muốn là có thể bay, bởi các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe khác nhau của phía Mỹ.
- Tôi chưa bao giờ nói chơi, nói suông cả, đặc biệt trong chuyện kinh doanh, từ chuyện bất động sản đến hàng không.
Tôi nói là tôi làm. Trong hàng không, tôi nói bay là sẽ bay, nói đạt tiêu chuẩn gì, nhập dòng máy bay nào, bay Mỹ hay không… đều sẽ thực hiện. Tất cả nằm trong lộ trình đã được tính toán của chúng tôi.
- Các ông đã có những bước đi cụ thể nào để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn bay thẳng Mỹ?
- Các bước chuẩn bị cho bay thẳng Mỹ chúng tôi đều đã có kế hoạch. Ví dụ, chuẩn bị máy bay thân rộng, đón thêm dòng máy bay này về để chuẩn bị cho bay Mỹ. Sở hữu dòng máy bay thân rộng là tối quan trọng cho mục tiêu khai thác dòng đường bay Mỹ này.
Việc bay thẳng tới Mỹ được cơ quan Nhà nước Việt Nam khuyến khích, ủng hộ. Ai cũng mong có đường bay thẳng tới Mỹ. Muốn làm được, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp của Mỹ. Phía bạn cũng rất khuyến khích việc các hãng hàng không Việt Nam bay thẳng tới Mỹ. Vấn đề là còn chờ các thủ tục, và tuân thủ các điều kiện theo quy định của Mỹ mà thôi.
Chúng tôi đang làm các thủ tục, hoàn thành tới đâu, tôi sẽ công bố cụ thể.
- Đó là về mặt kỹ thuật, còn bài toán hiệu quả tài chính thì sao? Ông từng tự tin nói về khả năng có lãi, nhưng thực tế, một hãng hàng không Mỹ từng thử vận hành đường bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam và đóng cửa rất nhanh?
- Về mặt số liệu, tôi đã nhiều lần chia sẻ tại các hội thảo khác nhau, chi tiết về giá vé để đảm bảo lãi hay lỗ, đường bay, loại máy bay, nên xin phép không nhắc lại. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định khai thác đường bay này hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế.
Chúng tôi phục vụ mọi nhóm khách hàng: thăm thân, du lịch, kinh doanh, cả người Việt và người nước ngoài. Đặc biệt, với hơn 2 triệu kiều bào Việt Nam ở Mỹ, các du học sinh, thương gia giữa 2 quốc gia.
- Bamboo Airways có bắt tay hợp tác với hãng khác để chuẩn bị cho đường bay này, như cách một số hãng khác làm?
- Thời điểm này, chúng tôi sẽ hoàn toàn chủ động.
- Từng khẳng định khi làm hàng không không muốn làm chung, vậy tại sao ông lại sớm chào bán cổ phiếu của Bamboo Airways để tìm đối tác chiến lược?
- Tôi chưa bao giờ nói phải đi tìm đối tác chiến lược. Ngược lại, nhiều đối tác quốc tế đang ngỏ ý muốn hợp tác với FLC. Thời điểm này, chúng tôi chưa chọn ai làm đối tác chiến lược cả.
- Ông có thể bật mí một số cái tên quan tâm việc bắt tay với Bamboo Airways?
- Hiện nay, một hãng hàng không Nhật Bản và một hãng hàng không Hàn Quốc đang quan tâm việc bắt tay với chúng tôi.
- Cụ thể việc hợp tác được các bên đề nghị ra sao?
- Đối tác chiến lược có nhiều dạng hợp tác lắm. Chúng tôi chưa thể chia sẻ gì cụ thể lúc này.
- Để thu hút phi công lái dòng Boeing 787 có vẻ khá cạnh tranh. Có những tin đồn rằng Bamboo Airways đã phải chi ra khá nhiều tiền để kéo người từ hãng khác. Ông nói gì trước những thông tin này?
- Tôi phải khẳng định phi công vận hành 787 rất nhiều. Bạn cần 100 hay 1.000 phi công dòng này, đến đây, tôi sẽ tuyển cho bạn.
Phi công nước ngoài rất nhiều và trên thế giới nhiều hãng hàng không giải thể, hoặc không vận hành dòng máy bay thân rộng. Vì thế, chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ, lên tới cả gần 1.000 hồ sơ nhân sự phi công dòng này từ các nước. Họ được đào tạo bài bản tại các trường có uy tín trên thế giới như Mỹ, Pháp, Australia... Đến nay, chúng tôi đã tuyển đúng, tuyển đủ.
Dư luận ở Việt Nam hay hãng hàng không nói gì tôi không biết và không quan tâm, nhưng hiện nay phi công 787 là thừa. Hãng chúng tôi chỉ có hơn 10% là phi công trong nước, ở tất cả dòng máy bay. Trên 80% là phi công người nước ngoài, và hơn 90% trong số này được đào tạo bài bản tại các trường có đẳng cấp quốc tế.
- Cũng liên quan nhân lực hàng không, Bamboo Airways bắt đầu với việc thuê ướt. Lộ trình để chủ động nhân lực, tự mình khai thác?
- Như tôi từng chia sẻ, cuối năm 2020, chúng tôi sẽ không còn thuê ướt nữa. Hiện nay tỷ lệ thuê ướt cũng chỉ còn chiếm dưới 10% trong vận hành của hãng.
- Việc đào tạo, chuẩn hóa để tự chủ hoàn toàn về nhân lực hiện nay ra sao, thưa ông?
- Để tự chủ, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ vài năm qua. Trước khi bay, chúng tôi đã đủ nhân lực ở các mảng, lĩnh vực cần sử dụng người lao động.
- Cả thế giới chỉ có 10 hãng hàng không đạt chứng chỉ 5 sao của Skytrax. Mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao của Bamboo Airways đang quá xa vời thực tế không?
- Chuyện chúng tôi phấn đấu tiêu chuẩn 5 sao thậm chí dễ hơn để đạt chứng chỉ IOSA, được Hiệp hội Hàng không Thế giới công nhận về an toàn hàng không. Trong khi đó, đáp ứng yêu cầu của IOSA là điều tối quan trọng để vận hành và khai thác hàng không.
- Dễ như thế nào, thưa ông?
- 5 sao hay 4 sao nằm ở tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, và điều này nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Trong khi đó IOSA là an toàn, là yếu tố kỹ thuật, và đó là yếu tố tối quan trọng của ngành hàng không. Chưa tròn 1 năm, chúng tôi đạt chứng chỉ IOSA, nên tôi tin việc đạt chất lượng 5 sao là rất gần và đơn giản hơn rất nhiều.