Chia sẻ về thông tin phản ánh người dùng ATM "gánh" 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng cho một thẻ, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết khách hàng không phải trả tất cả phí này.
Cụ thể, việc xuất hiện nhiều loại phí khác nhau, theo ông Thắng, là do ngân hàng phải tính toán, xác định loại và mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí, phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng.
"Để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao thì ngân hàng đã tăng cường đầu tư công nghệ, ứng dụng mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng với dịch vụ thẻ như mobile banking, Internet banking, SMS banking... Ngân hàng thu phí khi cung ứng dịch vụ là phù hợp với pháp luật và bù đắp phần nào chi phí đầu tư", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, người dùng thẻ không phải trả tiền cho tất cả phí mà chỉ phải trả cho các dịch vụ mà họ sử dụng.
Người dùng thẻ, trong đó có thẻ ATM, không cần trả tất cả các loại phí mà chỉ phải trả với dịch vụ sử dụng. Ảnh minh họa: Banknet. |
Ví dụ, với thẻ ATM, theo quy định của Thông tư 35 Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2012, chủ thẻ phải chịu một số loại phí như rút tiền tại máy rút tiền, chuyển khoản nội, ngoại mạng, in sao kê...
Liên quan đến tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ thẻ như sự cố ATM bị hết tiền, nghẽn mạng, nhả tiền rách…, lãnh đạo Hiệp hội cho biết gần đây, vấn đề này được đưa ra bàn trong Hội nghị thường niên Hội thẻ ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, các ngân hàng đã tập trung bàn về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong dịch vụ thẻ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để phòng, chống tội phạm thẻ.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã thường xuyên quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng an ninh, bảo mật trong thanh toán thẻ, tăng cường thông tin đến khách hàng về các thủ đoạn mới của tội phạm thẻ...
Trước đó, một số ngân hàng thương mại kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng phí để bù đắp một phần chi phía đầu tư hệ thống ATM.
Một số thông tin cho biết Agribank đang thu khoảng 25 loại phí giao dịch trên một thẻ ATM tùy theo giao dịch trong hay ngoài hệ thống ngân hàng, BIDV đang thu 20 loại phí trên chiếc thẻ tín dụng quốc tế, 16 loại phí trên thẻ ghi nợ quốc tế, Techcombank thu khoảng 13 loại phí...
Với thẻ tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ vọt lên 2-2,5% (trước đây là 1,5-1,8%), phí vượt hạn mức tín dụng khá cao, có nơi 8-15% số tiền vượt hạn mức, phí rút tiền mặt đến 4%, phạt chậm thanh toán ở thẻ tín dụng có ngân hàng áp 6%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng các ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán thẻ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội. Bên cạnh đó, ngân hàng cần đảm bảo cho khách hàng thực hiện thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.
Năm 1996, ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam là Vietcombank cung ứng dịch vụ thẻ, cả nước chỉ có vài ATM với vài trăm chủ thẻ.
Còn hiện tại, cả nước có 53 tổ chức phát hành, thanh toán thẻ. Tổng số lượng phát hành là trên 100 triệu thẻ, trên 17.000 ATM.