Cuối năm 2018, Đinh Công Đạt (sinh năm 1994) thành lập Công ty TNHH S.Tix Coffee với xuất phát điểm là một số xe đẩy bán cà phê mang đi ở TP.HCM. Một năm sau, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu được xây dựng khang trang với 2 tầng lầu trên đường Thành Thái (quận 10).
9X thành công trong ngành F&B, bất động sản
Tháng 2/2020, S.Tix Coffee tăng vốn điều lệ từ mức 50 triệu đồng ban đầu lên 2 tỷ đồng, trong đó Đinh Công Đạt nắm 100% vốn chủ sở hữu.
Cũng trong khoảng thời gian này, Đạt tiếp tục thành lập Công ty TNHH Ding Food có số vốn điều lệ lên đến 5 tỷ đồng. Đây là đơn vị điều hành 2 thương hiệu Gánh ướt 1960, Bánh Mì Mợ Bốn và Quỹ Ding Home - được giới thiệu là quỹ đầu tư và phát triển tài năng Việt.
Đinh Công Đạt - CEO S.Tix Coffee và Ding Food. Ảnh: S.Tix. |
Trước khi những nghi ngờ được đặt ra, CEO 9X này sở hữu 6 quán S.Tix Coffee ở TP.HCM, Hà Nội cùng hệ thống nhiều xe đẩy bán mang đi, 3 nhà hàng Gánh Ướt 1960 và 6 xe đẩy mang thương hiệu Bánh Mì Mợ Bốn.
Không chỉ vậy, hồi đầu năm, Đinh Công Đạt còn chia sẻ về ý tưởng xây dựng "Làng Yên Bình - Heian Na Mura" ở Lâm Đồng, gồm 18 căn nhà được thiết kế chú trọng cảnh quan thiên nhiên.
Đây cũng là nơi được Đạt thông báo sẽ mở cửa hàng S.Tix Coffee và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, chị Lê Tâm (TP.HCM), người đã rót 600 triệu đồng cho 5% cổ phần quán, cho biết đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thi công ở khu đất này.
Chia sẻ với Zing, các nhà đầu tư của S.Tix Coffee cho biết việc Đạt thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với nhiều dự án bài bản, chuyên nghiệp khiến họ xem Đạt là một người trẻ tài năng, dám khởi nghiệp và có phần thành công, từ đó tin tưởng "rót tiền" vào chuỗi cà phê này. Đồng thời, mối quan hệ của Đạt với một nghệ sĩ lớn cũng góp phần nâng cao lòng tin.
Chỉ tính riêng S.Tix Coffee, các nhà đầu tư đánh giá lượng khách hàng ổn định, nhiều thời điểm đông khách. "Tôi đến nhiều quán cà phê của S.Tix Coffee để trải nghiệm với tư cách khách hàng thì thấy quán rất đông, nhiều khi không có chỗ ngồi. Thậm chí tôi còn trực tiếp đến các xe bán mang đi, đếm chừng nửa tiếng bán được 3-4 ly. Thời điểm dịch bệnh mà được vậy nên tôi mới quyết định đầu tư", anh Phát (TP.HCM) nói.
Lẩn tránh nhà đầu tư
Từ năm 2019, S.Tix Coffee đã mời chào hợp tác mở xe bán mang đi với cam kết trả vốn lẫn lãi hàng tháng. Số tiền đầu tư thường ở mức 190 triệu đồng/5 xe, hoặc 40 triệu đồng/xe. Số lãi khi đó được quảng cáo là 60%/năm, sau này khoảng 26%-30%/năm, tối thiểu 20 triệu đồng/tháng với hợp đồng 5 xe.
Sau khi các cửa hàng cà phê S.Tix ra đời, doanh nghiệp này lại tiếp tục quảng bá các suất đầu tư trên dưới 60 triệu đồng cho 1% cổ phần. Lợi nhuận được chuyển cho nhà đầu tư hàng tháng theo phần trăm vốn góp, sau một năm kết thúc hợp đồng sẽ hoàn trả toàn bộ vốn đầu tư.
S.Tix Coffee từng cam kết lợi nhuận lên đến 60%/năm thời điểm năm 2019. Ảnh: H.N.H. |
Theo ghi nhận thực tế, trước tháng 7 năm nay, các khoản vốn và lãi được chi trả đều đặn cho các nhà đầu tư. Nếu tháng nào chậm, S.Tix chuyển thêm lãi chậm trả. Điều này khiến các nhà đầu tư càng thêm tin tưởng, liên tục ký kết nhiều hợp đồng.
Tuy nhiên, trong email gần nhất gửi các nhà đầu tư ngày 8/11, S.Tix thông báo ngừng kinh doanh và sẽ trả dần vốn cho nhà đầu tư trong vòng 3 năm, từ ngày 15/1/2022, sau khi trừ đi số tiền đã chi trả trước đây. Điều này có nghĩa nhà đầu tư không những không được hưởng đồng lãi nào, mà còn bị S.Tix giam vốn suốt 3 năm.
Khoản chi trả chỉ được thực hiện nếu nhà đầu tư ký thỏa thuận hoàn vốn mà S.Tix gửi đến trước ngày 15/1/2022.
Biên bản thỏa thuận mà S.Tix gửi đến một nhà đầu tư qua đường bưu điện. Ảnh: T.A. |
“Suốt thời gian qua S.Tix Coffee phải thực hiện một chiến lược kinh doanh đầy áp lực, vừa kinh doanh vừa xây dựng thương hiệu, vừa mở rộng hệ thống nên chi phí đầu tư vào hạ tầng cơ sở và tiếp thị rất lớn, do đó cần phải vận hành nguồn tài chính linh hoạt và hiệu quả, luân chuyển giữa kinh doanh và đầu tư.
Thực tế cho đến trước đại dịch, toàn hệ thống còn trong giai đoạn hạch toán lỗ, chưa có lợi nhuận, và kỳ vọng thị trường ổn định để có thể hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm nữa mới có thể đạt được hòa vốn. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, nếu toàn hệ thống hoạt động trở lại thì tiếp tục gồng gánh các khoản lỗ lũy kế mà không thể dự đoán được chính xác thời điểm thị trường bình thường lại như trước”, Đinh Công Đạt lý giải trong thư.
Đây là email cuối cùng sau hàng loạt email từ tháng 7 mà phía S.Tix thông tin về vấn đề tạm dừng chi trả. Tuy nhiên, không một email phản hồi nào của nhà đầu tư nhận được hồi âm của S.Tix. Trên thực tế, họ chưa từng gặp Đinh Công Đạt cũng như ban giám đốc S.Tix Coffee. Hiện tại, những nhân vật chủ chốt của công ty này "bặt vô âm tín".
Đó là lúc các nhà đầu tư nghi ngờ và tập hợp lại, phát hiện ra mỗi điểm bán được S.Tix ký hợp đồng với nhiều nhà đầu tư, và số liệu kinh doanh gửi về cho từng người là khác nhau.
Theo ghi nhận của Zing, hiện toàn bộ chi nhánh và trụ sở của S.Tix lẫn Ding Food đều đã trả mặt bằng và thanh lý tài sản. Thậm chí, các mặt bằng của Gánh Ướt 1960, Bánh Mì Mợ Bốn đã đổi chủ từ hồi đầu năm. Zing cũng đã liên hệ ban giám đốc công ty nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thống kê sơ bộ đến nay đã có hàng trăm nhà đầu tư bị "giam vốn", với tổng số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng. Ngày 6/12, nhóm nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo tập thể lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP.HCM).