Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ spa, thợ xăm sẵn sàng đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19

Dù hụt hẫng vì phải tạm ngừng công việc, nhiều bạn trẻ làm việc trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch cho rằng đây là điều cần thiết để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Từ ngày 27/4 đến nay, nhiều ổ dịch Covid-19 bùng phát cùng lúc tại Việt Nam. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã ra chỉ thị tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh dịch vụ như gym, massage, spa, rạp chiếu phim…

Trò chuyện với Zing, một số bạn trẻ làm việc trong các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chủ trương này bày tỏ nỗi buồn, hụt hẫng song đều khẳng định đây là hành động cần thiết, đúng đắn.

Võ Trà (30 tuổi, quản lý phòng gym)

Ngay trong tối 4/5, nghe thông tin về chỉ thị đóng cửa rạp chiếu phim, dịch vụ massage, phòng gym từ 0h ngày 5/5 ở Hà Nội, tôi nhanh chóng thông báo cho khách hàng và các nhân viên thực hiện.

Có kinh nghiệm xử trí hơn vì đã trải qua các đợt dịch năm ngoái, tôi vẫn khá bất ngờ vì thời gian từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đến lúc phải ngừng kinh doanh khá ngắn.

Mở lại từ sau Tết Nguyên đán, phòng gym tôi làm việc may mắn duy trì được lượng khách cũ ổn định song khách đăng ký mới không nhiều vì phần lớn còn e ngại dịch bệnh. Sau lần tạm dừng kinh doanh này, có lẽ sẽ phải mất một thời gian nữa để chúng tôi lấy lại nhịp độ.

Ngoài công việc, thu nhập bị tác động tiêu cực vì đây là nguồn thu duy nhất, nhịp sống của tôi cũng ít nhiều bị ảnh hưởng vì tôi cũng thường xuyên tập thể dục luôn tại nơi làm việc.

Những ngày này, thay vì dành phần lớn thời gian ở chỗ làm như mọi khi, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, hạn chế đến nơi công cộng.

3 năm làm quản lý phòng gym, có lẽ đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, mọi người đều bình an quay lại nhịp sống cũ.

Hương Thảo (25 tuổi, chủ tiệm spa)

Theo nghề 6 năm, tôi gom góp vốn, chuyển từ Hà Nội về Quỳnh Lưu, Nghệ An mở tiệm spa riêng vào tháng 6/2020. Chưa kịp tận hưởng "trái ngọt" từ việc kinh doanh riêng, tôi lao đao vì các đợt dịch Covid-19.

Ngày 7/5, khi ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Nghệ An được xác nhận cũng là lúc tôi nhận được công văn tạm dừng hoạt động kinh doanh cơ sở spa để chống dịch.

Tiền thuê mặt bằng và các khoản phí duy trì khác khiến tôi lo lắng. Bên cạnh đó, vì spa tôi chuyên trị mụn, chăm sóc da, việc tạm dừng hoạt động cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình điều trị, khiến tôi cảm thấy có lỗi với khách hàng.

tam dung kinh doanh vi dich Covid-19 anh 3

Hương Thảo (giữa) tạm dừng hoạt động kinh doanh của spa từ 7/5.

Tuy nhiên, cũng chính vì là người làm dịch vụ, tôi biết spa của mình cũng như các hình thức kinh doanh không thiết yếu khác phải ngừng hoạt động là cần thiết. Bởi chỉ cần một vị khách mắc bệnh, nếu tiếp xúc với nhân viên, khách hàng khác, hậu quả sẽ rất khó lường.

Việc làm ăn quan trọng, nhưng sức khỏe, tính mạng của mọi người càng là điều nên được ưu tiên. Tôi thấy đợt dịch lần này rất phức tạp, nhất là bùng phát sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Vì vậy, dù vừa lo, vừa tiếc, tôi vẫn luôn sẵn sàng tuân thủ các chỉ thị và hy vọng mọi người xung quanh cũng nâng cao ý thức, trước là để bảo vệ bản thân, sau là cho gia đình, xã hội.

Hoàng Thảo (26 tuổi, chuyên viên trang điểm)

Từ khi bắt đầu làm nghề vào khoảng năm 2017, chưa khi nào tôi gặp “khủng hoảng” như bây giờ.

Thông thường, tôi sẽ bận rộn vào khoảng tháng 4, 5, khi học sinh cuối cấp bắt đầu chụp kỷ yếu hay “mùa cưới” vào tháng 8, 9. Song từ đầu năm ngoái, số khách đặt lịch ở chỗ tôi không theo mùa nữa mà phải “lựa” xem diễn biến dịch Covid-19 ra sao.

Từ sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch dần ổn định, lượng khách của tôi cũng đều hơn. Tôi những tưởng sau một năm sóng gió, mọi người đã có thể trở lại nhịp sống bình thường song đợt dịch mới nhất lại ập đến.

“Chị ơi, có lẽ lịch chụp hôm 11/5 này lớp em phải lùi lại ạ”, “Bạn ơi, đám cưới của mình tạm hoãn, mình thông báo lịch sau nhé”, “Cháu ơi, tiệc kỷ niệm nhà cô hủy vì dịch bùng phát, hẹn cháu lần khác”. Những tin nhắn có nội dung như vậy là điều tôi nhận được nhiều nhất trong vài ngày qua.

Ngoài công việc trang điểm tự do, tôi còn làm thêm ở một cửa hàng áo dài. Thời gian này, khung cảnh vắng vẻ lại tái diễn như năm ngoái, khách ở xa hẹn qua lấy áo đặt may, thuê cũng báo dời lại.

Tôi hiểu không chỉ chuyên viên trang điểm, nhiều người làm các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề.

Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có sự đồng lòng và ý thức chung của cộng đồng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế. Thời gian này, không còn những chuyến đi xa theo khách, có lẽ tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các sở thích của bản thân như nhảy, nấu ăn mà bình thường hiếm khi có dịp tập luyện thỏa thích.

Thảo Vi (21 tuổi, thợ xăm)

Quay lại sau đợt dịch năm ngoái, công việc của tôi dần ổn định cho tới khi nghe tin có ca mắc mới trong cộng đồng. Tại Lạng Sơn, nơi tôi sinh sống và làm việc, cũng đã ghi nhận một ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

tam dung kinh doanh vi dich Covid-19 anh 6

Thảo Vi không nhận xăm cho khách trở về từ vùng dịch để đảm bảo an toàn.

Cảm giác buồn, chán nản chắc chắn là có song tôi hiểu đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều người.

Thông thường, mỗi ngày tôi nhận 4-5 khách. Từ khi dịch tái bùng phát, tôi vừa theo dõi chỉ thị từ chính quyền địa phương vừa chủ động nhận ít khách hơn, khoảng 1-2 người hoặc giãn thời gian ra để đảm bảo không có nhiều người tập trung một lúc trong phòng.

Ngoài ra, các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay cũng đều được tôi và khách thực hiện nghiêm túc vì tính chất công việc phải tiếp xúc gần.

Đặc biệt, tôi sẽ không nhận khách từ vùng dịch về hoặc có đi qua các địa điểm nguy cơ cao trong dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua. Dù phải cáo lỗi khách, tôi biết mọi người cũng đồng tình rằng phòng dịch hơn chống dịch và sẽ hiểu, thông cảm cho tôi.

Tất nhiên, việc nhận ít khách hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tôi. Song dù có vậy, tôi vẫn sẵn lòng và rất vui nếu có thể phần nào hỗ trợ công tác chống dịch hiệu quả.

Vợ chồng phải hoãn cưới 4 lần vì dịch Covid-19 dù con đã 7 tháng

Liên tục phải hoãn cưới vì các đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cặp vợ chồng quyết định thực hiện thủ tục đơn giản, về sống chung trước rồi báo hỷ khi tình hình đã ổn định.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm