Gần đây, nhiều ngân hàng liên tục đưa ra thông báo về tình trạng tội phạm công nghệ cao dùng các thủ đoạn tinh vi để lừa đánh cắp thông tin mã OTP, tài khoản, mật khẩu ngân hàng của khách hàng.
Vẫn áp dụng những thủ đoạn lừa đảo cũ như giả mạo ngân hàng, người thân, nhân viên ngân hàng, bưu điện, công an… nhưng các đối tượng phạm tội đã chuyển sang tập trung vào nhóm khách hàng dễ bị lừa đảo như chủ shop bán hàng online.
Agribank cho biết, dù nhà băng đã liên tục đưa ra cảnh báo tới khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao nhưng tình trạng lừa đảo vẫn tiếp tục tái diễn.
Mới đây, một chủ shop bán hàng online ở Hà Nội đã bị kẻ gian lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản.
Theo đó, trong thời gian phòng chống dịch Covid, chị C (Hà Nội) thường xuyên bán hàng online và có các giao dịch tài khoản với khách mua hàng. Lợi dụng tâm lý của người bán, kẻ gian cho biết đã chuyển tiền hàng cho chị C qua ví điện tử và yêu cầu chị vào website trangdientu.com (là website giả mạo) để xác nhận nhận tiền.
Tuy nhiên, đây là website lừa đảo, yêu cầu người truy cập xác nhận username/mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking/Mobile Banking và từng bước xác thực nhập SMS OTP báo về điện thoại để rút tiền.
Tuy các thông báo thực hiện thao tác là “nhận tiền” vào tài khoản, nhưng thực tế các bước thực hiện của chị C trên website chính là thao tác “rút tiền” từ tài khoản của chính mình.
Các chủ shop online trở thành đối tượng bị tội phạm hướng tới khi các giao dịch online tăng mạnh trong mùa dịch. Ảnh: Reuter. |
Cũng theo nhà băng này, không chỉ thông qua trang website giả mạo ngân hàng, kẻ gian còn lập các website giả mạo nhận tiền kiều hối Western Union (WU), giả vờ đã chuyển tiền mua bán hàng hóa từ nước ngoài về và yêu cầu chủ shop quy đổi ngoại tệ qua các website giả mạo, lừa gạt lấy tiền của người bán hàng online.
Cũng với thủ đoạn không mới nhưng cuối tháng 3 trước đó, chị H (Bắc Giang) đã suýt bị lừa mất gần 1 tỷ đồng tiền trong tài khoản.
Theo đó, ngày 25/3, chị H nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự nhận là công an ở thành phố Đà Nẵng đang điều tra về một đường dây buôn bán ma túy, trong đó chị H có liên quan.
Để khẳng định mình không tham gia vào đường dây này, chị H phải chuyển ngay hơn 940 triệu đồng vào tài khoản của một ngân hàng tại Đà Nẵng, nếu không sẽ bị bắt. Suốt thời gian sau đó, đối tượng này liên tục điện thoại hối thúc chị chuyển tiền.
Chị H sau đó đã có ý định qua Agribank tỉnh Bắc Giang để rút sổ tiết kiệm chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo nói trên, nhưng đã được ngân hàng cảnh báo và mời công an thành phố Bắc Giang hỗ trợ làm việc.
Trước đó, Vietcombank cũng đã thông báo về tình trạng tội phạm ngân hàng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 và tâm lý hoang mang, lo sợ của một bộ phận khách hàng để tăng cường tiến hành các hành vi lừa đảo lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ ngân hàng.
Cả BIDV, VPBank, Vietinbank, BacABank… cũng liên tục gửi cảnh báo tới các khách hàng sử dụng dịch vụ về các thủ đoạn lừa đảo mới, thủ đoạn lừa đảo tội phạm thường xuyên sử dụng từ đầu năm.