Chiều 23/8, khi quyết định cách chức đại tá Nguyễn Văn Quý được công bố, ông chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn vẫn đang tất bật ở Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh.
Ông đi khám sức khoẻ để chuẩn bị mọi giấy tờ trình đoàn kiểm tra để xin cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm cho quán cà phê nhiều sóng gió của mình.
Zing.vn tìm gặp lại ông Nguyễn Văn Tấn.
- Ngày 23/8, Công an TP HCM đã công bố quyết định kỷ luật cách chức đối với đại tá Nguyễn Văn Quý. Đến thời điểm này, có thể coi như vụ án quán cà phê Xin Chào gây chấn động đã đi đến hồi kết. Tâm trạng của ông hiện giờ ra sao?
- Tôi mong muốn mọi chuyện tốt đẹp để yên ổn làm ăn. Ai làm sai thì cơ quan có thẩm quyền quyết định. Chủ yếu được yên ổn chứ ngoài ra tôi không mong gì hơn. Tôi không muốn bồi thường hay đề xuất kỷ luật nặng hay nhẹ gì cả. Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Đó là chuyện của cơ quan thực thi luật pháp.
Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào. Ảnh: Nam Chi. |
Coi là chuyện xui xẻo
- Từ khi vụ án oan của mình được biết đến và bản thân được giải oan cuộc sống của ông đã thực sự yên ổn chưa?
- Cũng tạm êm. Nói chung nhiều người quan tâm, người dân đến chia sẻ nhiều.
- Cho đến giờ, còn cơ quan nhà nước nào làm khó dễ ông không?
- Tất cả các cơ quan cũng chiếu cố, không nói gì nhiều, người ta biết tôi làm ăn đàng hoàng. Họ cũng khuyến khích tôi hoàn thành đầy đủ các thủ tục để kinh doanh. Riêng gần đây, tôi có đặt một container nhỏ sau quán, chỗ sàn rửa chén đĩa. Diện tích chỉ có 14 m2 thôi, để che nắng che mưa.
Nếu chủ trương của nhà nước không cho phép, tôi sẽ chấp nhận tháo dỡ. Tuy nhiên, tôi cầu mong mọi chuyện được giải quyết thấu tình đạt lý. Vì đây không phải là công trình nơi nhà nước đang thi công, nó như dự án treo vậy thôi.
Nếu ngày nào nhà nước làm công trình phúc lợi xã hội tôi sẽ dỡ đi, không làm ảnh hưởng đến môi trường, trả lại hiện trạng ban đầu.
Nếu gặp lại ông Lê Thanh Tòng hay đại tá Nguyễn Văn Quý, tôi cũng chào hỏi đàng hoàng, mời uống ly cà phê bình thường. Cũng không có oán trách gì hết. Họ cũng là người lớn, họ hiểu biết. Họ làm sai thì đã bị xử lý rồi.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ quán cafe Xin Chào
- Tân trưởng công an huyện Bình Chánh đã sang uống cà phê bao giờ chưa?
- Chưa. Chắc anh ấy còn ngại, mới về nữa nên tôi chưa thấy. Lâu lâu có mấy anh bên công an qua uống ly cà phê vào buổi sáng trước giờ làm hoặc giờ nghỉ trưa rồi chạy vô. Trước đây, cũng có một số anh em ra uống cà phê, nói chuyện thoải mái.
- Đến giờ, ông có sợ bị trả thù không?
- Không. Tôi nghĩ, ai làm việc gì cũng phải suy nghĩ và tự vấn lương tâm. Tại họ làm sai cơ quan nhà nước xử lý. Còn trả thù tôi nghĩ chắc không đến nỗi, chuyện rành rành cả nước đều biết mà. Hơn nữa, tôi đâu có đòi hỏi gì, bồi thường hay tăng hình phạt nặng nhẹ. Chuyện gì qua thì cho qua. Cứ coi đó là một chuyện xui xẻo thôi.
- Hàng loạt lãnh đạo ngành công an, viện kiểm sát bị kỷ luật từ cách chức đến cảnh cáo do liên quan đến vụ quán cà phê Xin Chào. Bản thân ông thấy mức kỷ luật này thế nào?
- Tôi không am hiểu lắm về luật. Nếu ai làm sai những cơ quan nắm luật sẽ xử lý. Còn đối với tôi thì tôi không muốn điều gì xấu cho người ta. Thôi kệ, chuyện gì qua cho qua. Thêm bạn bớt thù vậy thôi.
"Cầu nối" cho những người dân oan ức
- Những người dân tìm ông chủ quán cà phê Xin Chào chia sẻ điều gì?
- Hầu hết người dân gặp chuyện oan ức liên quan đến đất đai, buôn bán. Họ bị kiểm tra nhiều, hết lần này tới lần khác. Sau khi vụ của tôi bùng nổ ra các cơ quan đều chấp hành nghiêm túc hơn, không gây khó dễ cho dân nhiều. Người dân chia sẻ và cảm ơn.
Họ nói: “nhờ anh mà giờ các cơ quan thực thi nghiêm túc hơn chút, không tràn lan như lúc trước. Người dân thấp cổ bé họng được nhờ rất nhiều”.
Nhiều người dân bị oan ức đã tìm đến quán cà phê Xin Chào để chia sẻ và xin lời khuyên. Ảnh: Thanh Tùng. |
- Từ vụ án của ông, đến khi nghe những câu chuyện án oan của người dân trên khắp cả nước, cảm xúc của ông thế nào?
- Sau khi được giải oan thì mình mừng. Người dân bị oan ức mà họ không hiểu thì họ đến hỏi, mình thật lòng hướng dẫn cho người ta. Ví dụ, họ nên tới tìm báo đài nào, tìm luật sư nào tư vấn.
Người dân thất học, không rành, nhờ luật sư tư vấn giùm, làm đơn giùm. Tiếp xúc với nhiều người, nhiều chuyện, mới thấy, người dân vẫn bị oan ức nhiều.
- Nhiều người tìm đến xin lời khuyên, ông có mệt mỏi không?
- Nhiều khi cũng mệt, hết người này tới người kia, tại người dân chịu oan ức người ta mới tìm đến mình. Nhưng họ tìm vì thấy tôi từng bị oan, bị truy tố. Lương tâm mình mách bảo phải làm việc gì để giúp đỡ người ta. Tôi coi đó như làm việc thiện, giống đi chùa vậy thôi.
- Nhìn lại toàn bộ hành trình của mình, điều gì làm ông ám ảnh nhất?
- Đó là thời gian sắp ra toà, tôi bị khủng hoảng. Suy nghĩ, bế tắc, giờ bị truy tố, ra toà, mang một bản án, rồi về dòng họ, người thân, gia đình sẽ nhìn mình với cặp mắt khác.
Nhiều khi gặp oan ức người ta không giải toả được thì tìm đến tự tử. Khi đó, tôi đặt ra rất nhiều giả thiết và rất sợ tới lúc mình không kiểm soát được.
- Doanh thu hiện nay của quán có đủ để sinh sống không?
- Từ ngày được minh oan, quán kinh doanh tạm ổn. Tôi cố gắng tập trung buôn bán, thu lợi nhuận đóng thuế. Vừa rồi, quán tôi đóng thuế 6,7 triệu đồng.