"Đó là chuyện bình thường. Chính tôi cũng trải nghiệm rồi. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi lầm, đó là lý do nên làm việc cùng nhau", Inquirer trích dẫn phát biểu của ông Tolentino về các sự cố trong khâu tổ chức SEA Games tại Diễn đàn Hiệp hội Thể thao Philippines (PSA) hôm 26/11.
"Tất cả những vấn đề này đều có giải pháp, và chúng tôi đang cố gắng giải quyết. Đây là lần thứ 4 Philippines đăng cai SEA Games, lần đầu tiên kể từ năm 2005. Điều đó có nghĩa chúng tôi đã không là chủ nhà hơn một thập kỷ qua. Hãy nhớ rằng, lần tiếp theo chúng tôi có thể đăng cai là sau năm 2030. Vì vậy, đừng kéo nhau xuống. Điều này là vì đất nước", ông nói tiếp.
Phòng họp báo môn bóng đá tại SEA Games chưa hoàn thiện. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trước đó, truyền thông khu vực nhiều lần phản ánh về khâu tổ chức, chuẩn bị cho SEA Games của chủ nhà Philippines quá thiếu chuyên nghiệp, khiến nhiều đội rơi vào những tình huống éo le.
Để đăng cai SEA Games, Philippines đã chi số tiền khoảng 315 triệu USD, trong đó có chi phí tu bổ, sửa chữa một số sân vận động. Tuy nhiên, khi những trận đầu tiên của môn bóng đá bắt đầu, nhiều hạng mục vẫn chưa xong và tạo nên cảnh tượng ngổn ngang.
Công tác hậu cần, tiếp đón các đội tuyển của nước chủ nhà cũng vấp phải chỉ trích. Cầu thủ U22 Campuchia phải ngủ trên tấm thảm của khách sạn, U22 Timor-Leste phải di chuyển bằng xe chở học sinh và chờ đợi 3 tiếng ở sân bay. U22 Myanmar cũng không ngoại lệ.
"Tình hình giao thông ở đây khiến mọi người mệt mỏi, chúng tôi bị lỡ kế hoạch tập luyện chỉ vì tắc đường. Thức ăn bữa nào cũng giống nhau, trong khi nước uống ở khách sạn thì chỉ được 2 chai/người", ThailandNTOfficial dẫn lời cầu thủ Worachit. Để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ, Hiệp hội Bóng đá Thái Lan đã tự thay đổi thực đơn hàng ngày, bao gồm cả việc ra ngoài mua thêm nước uống.
Tình nguyện viên tố ban tổ chức đối xử bất công. Ảnh chụp màn hình. |
Ban tổ chức SEA Games còn thể hiện sự thiếu quan tâm đến các tình nguyện viên, những người góp một phần vào sự thành công của sự kiện. Mới đây, một tình nguyện viên có tên Gaspi đã tố ban tổ chức về việc chỉ nhận được một suất ăn "dở tệ" sau ngày làm việc vất vả.
Ủy ban Tổ chức SEA Games 30 (PHISGOC) đăng thông báo xin lỗi về những sự cố xảy ra trong khâu đón tiếp và tổ chức khi các đại diện khu vực tới Philippines dự giải. Trước đó, PHISGOC khẳng định với chính phủ nước này rằng công tác chuẩn bị đã sẵn sàng đến 90%.