Sau khi nắm bắt sai phạm trong trật tự xây dựng với công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, các ban ngành của tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa đi đến thống nhất phương án tháo dỡ một phần công trình, cải tạo phần còn lại thành điểm dừng chân ngắm cảnh.
Những ngày qua, phóng viên tìm cách liên hệ với bà Vũ Ngọc Ánh (chủ công trình) qua điện thoại nhưng không nhận được phản hồi. Trong lần trao đổi ngày 9/10, nữ chủ nhân phản đối phương án tháo dỡ một phần công trình.
"Làm đúng luật là phải đập bỏ"
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh ((Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết các cấp chính quyền của tỉnh Hà Giang có thể xử lý ngay vi phạm với công trình Panorama, yêu cầu chủ đầu tư phá bỏ công trình, trả lại nguyên trạng như trước khi xây dựng.
Theo đề xuất của sở ngành tỉnh Hà Giang, toàn bộ các tầng dưới của công trình Panorama sẽ bị phá bỏ, chỉ giữ lại tầng nhà nằm sát mặt đường. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo ông Tuấn Anh, với hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bà Ánh có thể bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng theo khoản 7, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.
"Chính quyền cũng phải kỷ luật, xử lý các cán bộ ở địa phương - ở đây trực tiếp là UBND huyện Mèo Vạc - đã buông lỏng quản lý, để cho sai phạm xảy ra, thậm chí phải xem xét cả yếu tố lợi ích nhóm", luật sư phân tích.
Lo ngại khuyến cáo của UNESCO
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Xuân Đôn, cán bộ BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết BQL công viên có chủ trương xây điểm dừng chân để ngắm cảnh trên đèo Mã Pì Lèng. Theo đó, điểm này bao gồm 1 bãi đỗ xe, 1 mặt phẳng để ngắm cảnh và các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, khu giải khát...
Ngay sát chân công trình Panorama có tấm biển ghi "Điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng" với logo của UNESCO và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tuy nhiên, ý tưởng về một điểm dừng chân ngắm cảnh biến thành công trình 7 tầng phá vỡ cảnh quan di tích.
Theo đại diện công viên địa chất, việc khó khăn nhất lúc này là hài hòa lợi ích các bên, trong bối cảnh dư luận cũng đang tranh cãi về việc giữ lại hay phá bỏ.
"Chúng tôi thường xuyên ủng hộ doanh nghiệp tham gia xây dựng và khai thác các điểm dừng chân theo đúng quy hoạch. Có thể thu phí, kinh doanh cà phê... đảm bảo có nguồn lợi quay trở lại với doanh nghiệp", đại diện BQL Công viên địa chất khẳng định.
Một điểm dừng chân "kiểu mẫu" trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Báo Hà Giang. |
Do đó, theo ông Đôn, các bên cần ngồi lại với nhau để tìm phương án giải quyết, đảm bảo pháp luật không bị xâm phạm, người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện khai thác nguồn lợi.
BQL Công viên địa chất cũng tán thành phương án tháo dỡ một phần công trình, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân. Sau khi cải tạo, chính quyền nên tạo điều kiện cho bà Ánh khai thác, kinh doanh trên phần đất của mình.
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được quy hoạch 3 tuyến tham quan với 45 điểm dừng chân, trong đó điểm ngắm hẻm Tu Sản là điểm số 40 (vị trí hiện nay là công trình Panorama).
Theo ông Đôn, đoàn chuyên gia của UNESCO trong quá trình tái thẩm định đã không ghé qua công trình Panorama nên việc tái thẩm định diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên về lâu dài, công trình có thể sẽ bị UNESCO phản đối vì làm trái khuyến nghị ban đầu.
Nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama được khởi công từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Công trình có diện tích xây dựng 226 m2 với gần 600 m2 sàn. Kết cấu bê tông cốt thép gồm 7 tầng xây bám theo địa hình.
Công trình xây dựng chưa qua thẩm định. Đất xây công trình cũng là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi sang đất xây dựng.
Ngoài những sai phạm trong xây dựng, công trình còn bị đánh giá hủy hoại cảnh quan của thắng cảnh Mã Pì Lèng và Công viên địa chất toàn cầu.
Hiện công trình đã tạm dừng hoạt động trong thời gian chờ phương án xử lý của UBND tỉnh Hà Giang.