Ngày 23/6, TAND TP Hà Nội tuyên Vì Thị Hiếu (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) 5 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cùng tội này, Hoàng Văn Sứng (36 tuổi, quê Hưng Yên) lĩnh 4 năm tù; Ngô Việt Dũng (26 tuổi, ở Phú Thọ) bị phạt 2 năm tù.
Bị cáo còn lại là Tăng Văn Tuấn (42 tuổi, ở Hà Nội) lĩnh 30 tháng tù về tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nguyễn Thị Mai Anh (42 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) được xác định chủ mưu vụ án. Tuy nhiên, người phụ nữ này mắc bệnh tâm thần nên cơ quan tố tụng tạm đình chỉ vụ án, bắt buộc Mai Anh đi chữa bệnh.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: N.H. |
Theo bản án, năm 2016, Mai Anh bị Công an Hà Nội khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do mắc bệnh tâm thần nên bị can được đưa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Lợi dụng việc này, giữa năm 2016, bị can trốn ra ngoài rồi chỉ đạo Hiếu làm giả các loại giấy tờ giám định tâm thần cho một số phạm nhân thụ án tại Trại giam Thanh Lâm và Trại giam số 5 (cùng ở tỉnh Thanh Hóa).
Theo yêu cầu của Mai Anh, Hiếu đã thuê bị cáo Sứng dùng máy móc, thiết bị để làm giả giấy tờ, con dấu của các đơn vị Trại tạm giam số 1 (Hà Nội), TAND Cấp cao, TAND TP Hà Nội và TAND tỉnh Thanh Hóa. Những giấy tờ giả này ghi các phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Mục đích để lãnh đạo các cơ quan trên cho đi trưng cầu giám định.
Để hoàn thiện hồ sơ của phạm nhân được đưa đi giám định, Mai Anh tiếp tục chỉ đạo Vì Thị Hiếu thuê Hoàng Văn Sứng làm giả giấy bảo lãnh của người nhà phạm nhân, tạo con dấu giả của chính quyền địa phương. Sau đó, Mai Anh cùng Ngô Việt Dũng viết xác nhận lên các giấy tờ này.
Đối với Tăng Văn Tuấn, tòa sơ thẩm xác định sau khi nhóm của Mai Anh làm giả giấy giới thiệu của TAND tỉnh Thanh Hóa, Tuấn sử dụng các giấy này, mạo danh là cán bộ của tòa án đến viện tâm thần để theo dõi quá trình giám định cho các phạm nhân.
Sau khi hoàn thành giám định, Mai Anh tiếp tục làm giả giấy giới thiệu để bà ta mạo danh cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa, đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương lấy kết quả. Tiếp đó, Mai Anh cùng Hiếu và Sứng làm giả các kết quả, sửa nội dung trên giấy tờ thể hiện các phạm nhân đều mắc bệnh về tâm thần.
HĐXX kết luận trong các năm 2017-2019, Mai Anh cùng các bị cáo đã làm giả 42 con dấu, tài liệu của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan việc giám định tâm thần cho nhiều phạm nhân ở 2 trại giam thuộc Bộ Công an.
Quá trình điều trị bắt buộc, 6 người lợi dụng sơ hở của cơ sở y tế để bỏ trốn. Trong số này, Phạm Văn Kiên (thụ án chung thân do vận chuyển ma túy) và Phùng Anh Thái (bị kết án 29 năm tù về tội Giết người) tiếp tục gây án sau khi trốn khỏi nơi điều trị.
Hiện, 5 phạm nhân đã quay lại trại giam để tiếp tục thi hành án. Còn Lê Hoàng Châu (thụ án 15 năm tù do tàng trữ ma túy) chưa quay về trại giam.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cho rằng một số cán bộ thuộc các cơ quan gồm TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam số 5, Trại giam Thanh Lâm, Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có một phần trách nhiệm. Do hết thời hạn điều tra nên ngày 27/7/2020, Công an Hà Nội đã tách vụ án để tiếp tục làm rõ.