21h ngày 24/6 du khách Lê Thị Vân (Hà Nội) đi dạo trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng White sand Dốc Lết (Ninh Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa) bất ngờ bị chó trong khuôn viên resort cắn bị thương ở chân trái. Nhân viên resort sau đó đã sơ cứu và đưa chị Vân đến Bệnh viện Ninh Diêm để xử lý vết thương.
Du khách nói chủ resort không hỏi thăm, không báo tình trạng của chó
Chị Lê Thị Vân phản ánh sau khi bị chó cắn, khu nghỉ dưỡng hoàn lại chi phí gia đình chị đã ở là 7,4 triệu đồng và chi phí tiêm phòng 5 mũi vac xin là 850.000 đồng. Tuy nhiên sau đó lãnh đạo khu nghỉ dưỡng không có động thái chủ động thăm hỏi chị và thực hiện cam kết thứ nhất của biên bản. Đó là theo dõi diễn biến tình hình của con chó đã cắn chị Vân và thông báo chính xác tình trạng của con chó cho chị Vân được biết.
Theo lời chị Lê Thị Vân kể lại, ban đầu người của khách sạn còn từ chối không nhận đó là chó của mình. Sau khi cả gia đình phản ứng quyết liệt thì họ mới nhận là chó của một nhân viên đang làm việc ở White sand Doclet Resort & Spa.
Gia đình chị Vân yêu cầu được gặp giám đốc của khu nghỉ dưỡng để giải quyết vấn đề thì nhân viên nơi này cho biết trời tối và giám đốc đang ở xa mấy chục cây số nên không thể đến kịp. Phía khách sạn hẹn chị Vân và gia đình gặp giám đốc trao đổi vào 7h30 sáng hôm sau, tức ngày 25/6.
Ảnh trên trang giới thiệu của White sand Doclet Resort & Spa. |
Theo lời kể của chị Vân, sang ngày 25/6, phía khách sạn liên tiếp trì hoãn cuộc gặp giữa chị và giám đốc khách sạn. Sau khi về Hà Nội, chị Vân đã gửi hai tin nhắn đến vị giám đốc này và sau đó mới nhận lại một cuộc điện thoại của nhân viên xin lỗi chị.
Chị Lê Thị Vân cho rằng, ban giám đốc khách sạn chỉ mới đền bù cho chị và gia đình về vật chất còn sự quan tâm về mặt tinh thần, theo dõi sức khỏe chị (ít nhất trong vòng một tháng sau khi bị chó cắn) thì chưa có. Khách sạn thiếu trách nhiệm trong việc hỏi thăm và thông báo tình trạng của con chó gây ra vết thương cho chị.
Bà Châu Thị Thanh Trúc đại diện khu nghỉ dưỡng White Sand Dốc Lết cho biết, bà đã nhận được thông tin về trường hợp của du khách Lê Thị Vân bị chó cắn, tuy nhiên lúc đó đã khuya và đường sá xa xôi nên bà không tiện đến để giải quyết trực tiếp.
Tuy nhiên, bà Trúc cho biết mình đã chỉ đạo phó giám đốc và nhân viên khách sạn chăm sóc cho chị Lê Thị Vân theo đúng trình tự (sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ tiêm ngừa).
Bà Thanh Trúc cho rằng, con chó cắn chị Vân không phải là chó của khách sạn nuôi mà là chó của nhân viên. Trước hôm chị Vân bị cắn, con chó này chuyển dạ trong khuôn viên khách sạn. Lúc chị Vân đi dạo vào ban đêm, vô tình đã bị cắn.
“Giữa đêm chó nghe tiếng người la lớn nên nó nghĩ là có người đang uy hiếp chó con nên việc cắn là điều hiển nhiên”, bà Trúc nhấn mạnh.
Về phía trách nhiệm của khách sạn, bà Châu Thị Thanh Trúc cho rằng khách sạn của bà đã làm tròn nghĩa vụ của mình, có tình, có lý đối với du khách chứ không hề bỏ mặc hay thiếu trách nhiệm.
Biên bản sự việc được lập vào tối ngày 24/6. |
Bà cũng đã xử phạt nhân viên mang theo chó vào khuôn viên khách sạn và nhắc nhở những người khác không để xảy ra trường hợp tương tự.
Tuy nhiên khi phóng viên Tuổi trẻ đặt câu hỏi, khách sạn có cung cấp tình trạng chính xác của con chó đã cắn chị Vân cho gia đình chị biết hay không thì bà Trúc cho hay "có cho nhân viên gọi điện cho chị Vân thì không thấy nghe máy"..
Chị Lê Thị Vân xác nhận có tiếp điện thoại của một nhân viên khách sạn nhưng nhân viên này chỉ xin lỗi vì sự cố xảy ra chứ không cung cấp thông tin về con chó cho chị biết trong suốt thời gian qua.
Chủ của con chó cắn người phải chịu trách nhiệm bồi thường
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết, theo quy định tại điều 23 Bộ luật dân sự, chó dữ được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
Thỏa thuận đền bù giữa hai bên. |
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Căn cứ theo quy định này thì chó dữ cắn người, nếu xác định con chó này thuộc sở hữu của chủ khu nghỉ dưỡng thì người chủ khu resort này phải chịu hoàn toàn toàn trách nhiệm bồi thường.
Về mức bồi thường, theo điều 609 Bộ luật dân sự thì chủ của con chó cắn người phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Thứ hai là bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Ngoài ra còn phải bồi thường chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.