“Giảm đến 70% chỉ còn 120.000 đồng/giờ”, chiếc biển xanh đỏ nổi bật được treo trước một cơ sở karaoke nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10). Song, lượng khách ra vào vẫn “kém nhiệt” hơn mọi khi.
Buổi chiều 3/3, TP.HCM tổ chức cuộc họp giao ban phòng chống dịch Covid-19 và đưa ra thông báo hạn chế hoạt động tại các khu vực vùng cam. Theo đó, nhiều quán bar, vũ trường, karaoke,... phải tạm đóng cửa. Ngoài ra, các dịch vụ như massage, spa, làm đẹp,... chỉ được hoạt động tối đa 25% công suất trong một thời điểm.
“Tôi không biết! Lại đóng cửa nữa à? Áp dụng từ khi nào vậy?”, anh lễ tân quán karaoke bình dân tên T.K. trong một con hẻm nhỏ quận 10 thốt lên.
Không muốn tiếp tục trì hoãn công việc
Ánh mắt anh K. đầy hoang mang. Dù để nói thì đây không phải lần đầu tiên anh phải đón nhận thông tin này. Anh K. nhấc máy gọi bà chủ, vài phút sau, chị Lan (35 tuổi, chủ quán karaoke) xuất hiện.
Chia sẻ với Zing, người phụ nữ này cho hay 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn của chị vì việc kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch. Mặt bằng dù được chủ thuê giảm một nửa, nhưng chị Lan vẫn phải chi ra khá nhiều để giữ chân nhân viên và các chi phí liên quan.
Khung cảnh "vỡ trận" ngày cuối năm vừa qua đã khiến nhiều người hy vọng về sự khởi sắc của ngành dịch vụ karaoke. Ảnh: Chí Hùng. |
“Nhu cầu giải trí của người dân sau dịch có tăng, tuy nhiên, để so sánh với trước đây vẫn không bằng. Quán tôi phải áp dụng chương trình giảm giá, chạy quảng cáo trên Facebook thì mới tạm ổn. Giờ lại đóng cửa, tôi không biết phải xoay như thế nào nữa”, chị Lan thở dài.
Bên cạnh nỗi lo về sức khỏe khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, chị Lan cũng như đội ngũ nhân viên không muốn trì hoãn công việc vì gánh nặng tài chính quá lớn.
Được biết, người chủ tiệm karaoke này hiện nợ ngân hàng khoản vay 500 triệu đồng. Số tiền được chị sử dụng trong suốt mùa dịch để duy trì hoạt động của tiệm và một quán cà phê khác gần đó.
Ngay cạnh quán T.K. của chị Lan là một cơ sở karaoke khác khá nổi tiếng trên con đường Sư Vạn Hạnh. Anh Minh Thông (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú) kể rằng mình đã có kinh nghiệm kinh doanh loại hình dịch vụ này hơn 6 năm.
Cũng như chị Lan, người đàn ông này khá bất ngờ khi biết tin karaoke xếp vào loại hình hàng quán bị hạn chế trong thời gian tới. Do tích góp được một khoản nên anh Thông không quá lo ngại về phương diện kinh tế.
Chuyện miếng cơm, manh áo của nhân viên ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng hậu giãn cách. Ảnh: Chí Hùng. |
Nói về hiện tại, điều khiến anh Thông tiếc nuối nhất là lượng khách quen. Sau giãn cách, họ có nhu cầu tìm kiếm chỗ mới lạ thay vì lui tới địa điểm quen thuộc.
Mong sớm vực dậy việc kinh doanh
Thông cảm thấy có chút “éo le” khi vừa bỏ ra vài trăm triệu để trang trí lại quán, nay lại chuẩn bị đóng cửa.
“Bạn bè tôi trêu là chủ quán karaoke mà trông tôi cứ như ‘thợ đụng’, bất kỳ cái gì cũng làm. Mùa dịch vừa qua, quán tôi từ kinh doanh dịch vụ mà chuyển qua bán rau, trái cây. Riêng tôi còn kiêm thêm giao hàng đến nhà cho khách”, anh Thông nhận thấy mùa dịch đã dạy cho mình tính thích nghi.
Sau cùng, anh Thông vẫn giữ tinh thần lạc quan rằng mọi thứ chỉ sẽ kết thúc sớm trước tháng 4 năm nay.
Dạo qua khu vực “phố nhà giàu” tại TP Thủ Đức, nhiều cơ sở kinh doanh đã sớm treo bảng “sang mặt bằng, thanh lý cửa hiệu”. Chị Linh Chi (33 tuổi, ngụ tại phường An Phú) may mắn không quá áp lực tiền thuê do kinh doanh trên đất của gia đình.
Trước dịch, B.B. Spa & Wellness của chị luôn tấp nập khách ra vào. Nhiều ngày nếu không đặt lịch trước, các chị em phải ngồi chờ 2-3 giờ để có suất làm da. Nhờ nguồn khách ổn định, chị Linh Chi hầu như không phải lo nghĩ nhiều.
Một vị khách thích thú trước liệu trình chăm sóc da và cơ thể bằng nguyên liệu thiên nhiên. Ảnh: NVCC. |
Trái ngược với hiện tại, cứ vài ngày, chị lại phải treo biển giảm giá 15-20% để kéo khách nhưng hiệu quả không cao.
Đón nhận thông tin “các cơ sở kinh doanh spa, làm đẹp, massage,... chỉ được hoạt động 25% công suất”, chị Linh Chi không mấy lo lắng. Sở dĩ, chị thấy “dở khóc dở cười” vì hiện tại khách của mình trong lúc cao điểm cũng chỉ nhiêu đó.
Những ngày vừa qua, chị luôn trong tình trạng F1 "bất đắc dĩ" khi hết người này đến người kia thông báo mắc Covid-19. Dù có bất tiện, chị Linh Chi nghĩ đến lúc mọi người nên sống chung, làm quen với “cơn cảm cúm” này khi không may trở thành F0.
Về phần nhân sự, người phụ nữ này cũng thường xuyên chịu cảnh thay ca hộ nhân viên vì một số người mắc bệnh vào phút chót.
Một lần nữa “gặp khó” vì yêu cầu ngừng hoạt động, song, chị Linh Chi cũng như anh Thông và chị Lan đều có chung một mong ước là dịch bệnh sớm qua nhanh để họ có thể “vực dậy” công việc kinh doanh.
13 xã, phường ở vùng cam gồm phường 3 (quận 5); phường 5, 7, 11, 12 (quận 10); phường 11 (quận 11); xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn); phường Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B, An Phú, An Lợi Đông (TP Thủ Đức).