Toàn Thịnh Phát được phê duyệt là chủ đầu tư của dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai để triển khai khu đô thị ven sông The Pegasus Riverside (còn gọi là dự án "lấp sông Đồng Nai") nằm dọc sông Đồng Nai khởi công từ tháng 9/2014.
"Đổ" 161 tỷ xuống sông Đồng Nai
Quy mô của dự án là 8,4 ha. Phần diện tích lấn sông lên tới 7,7 ha. Tổng vốn đầu tư là hơn 2.200 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, dự án được triển khai làm 3 giai đoạn và kỳ vọng đem lại khoảng 460 tỷ đồng lợi nhuận cho Toàn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, từ khi bắt tay vào triển khai, Toàn Thịnh Phát đã vấp phải nhiều sự phản đối của các nhà khoa học do những ảnh hưởng tới môi trường mà dự án có thể mang lại. Thậm chí, hiện tại, dự án này đang bị kiến nghị dừng hẳn.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, tháng 3/2015, Toàn Thịnh Phát đã phải xin tạm dừng thi công dự án và được UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý.
Tại thời điểm bị dừng thi công, Toàn Thịnh Phát đã chi tới 144 tỷ đồng vào dự án lấn sông Đồng Nai của mình. Đến hết năm 2016, chi phí cho dự án này đã đạt hơn 161 tỷ đồng. Chưa rõ tương lai dự án này ra sao nhưng chi phí mà Toàn Thịnh Phát đổ xuống sông Đồng Nai đã là rất lớn.
Toàn Thịnh Phát đã "đổ" hơn 161 tỷ đồng xuống sông Đồng Nai nhưng dự án này đang bị dừng thi công. Ảnh: TL. |
Đại gia bất động sản ở Đồng Nai
Toàn Thịnh Phát là công ty bất động sản được thành lập từ năm 2002, từng là công ty con của Tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành. Hiện doanh nghiệp này có 5 công ty con và 3 công ty liên kết trong hệ thống hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nghỉ dưỡng và cho thuê...
Thương hiệu bất động sản chủ đạo của công ty là Pegasus với hàng loạt dự án mang tên này. Hầu hết dự án của Toàn Thịnh Phát đã và đang triển khai đều thuộc tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là thành phố Biên Hòa. Cùng với số vốn điều lệ lên tới 416,5 tỷ đồng, Toàn Thịnh Phát được xem là doanh nghiệp "đại gia" bất động sản tại Đồng Nai và một số tỉnh thành lân cận.
Cụ thể, ngoài dự án lấn sông Đồng Nai đang bị dừng thi công The Pegasus Riverside, công ty này còn sở hữu nhiều dự án bất động sản khác như Làng biệt thự khép kín The Pegasus Residence tại Biên Hòa với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, Khu tổ hợp The Pegasus Plaza (Biên Hòa), và một số dự án trường học cũng tại Đồng Nai.
Toàn Thịnh Phát còn sở hữu dự án The Pegasus Resort – Kê Gà tại Bình Thuận. Năm 2009, Công ty Toàn Hải Vân được thành lập để đầu tư dự án Vịnh Đầm tại Phú Quốc với tổng vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng.
Trong đó, Toàn Thịnh Phát nắm 50% vốn tại công ty này và Sacombank là đơn vị hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, công ty còn sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ khác tại thị trường phía Nam.
Liên tục báo lỗ
Đáng chú ý, sở hữu nhiều dự án bất động sản tầm cỡ tại Đồng Nai nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây của Toàn Thịnh Phát lại rất sụt sùi.
Năm 2016, công ty thu về với 942 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 55%, phần lớn đến từ hợp đồng xây dựng và bán bất động sản. Tuy nhiên, Toàn Thịnh Phát lại bất ngờ báo lỗ ròng 1,7 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 24 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm 2017, doanh thu của Toàn Thịnh Phát vẫn tăng 60%, đạt 209 tỷ đồng nhưng công ty lại tiếp tục báo lỗ ròng 16 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/3, đại gia bất động sản tại Đồng Nai này đang có khoản lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới các khoản lỗ liên tiếp những năm gần đây của Toàn Thịnh Phát chính là giá vốn hàng bán tăng cao và chi phí lãi vay hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo đó, cùng với đà tăng của doanh thu thì giá vốn trong các hoạt động của Toàn Thịnh Phát cũng tăng tương ứng khiến lợi nhuận gộp không tăng quá nhiều, trong khi khối lượng nợ vay tài chính lớn khiến mỗi kỳ công ty này phải chi hàng chục tỷ đồng trả lãi.
Cụ thể, năm 2015, Toàn Thịnh Phát phải chi tới 99 tỷ đồng tiền lãi vay, năm 2016 là 77 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm là gần 20 tỷ đồng.
Chính những chi phí lãi vay này đã bào mòn lợi nhuận của Toàn Thịnh Phát khiến công ty báo lỗ ròng trong 2 năm trở lại đây.
Nợ phải trả gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu
Tính đến hết 31/3, Toàn Thịnh Phát có tổng cộng 1.373 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và thuê tài chính ngắn hạn là hơn 503 tỷ đồng và dài hạn là 293 tỷ đồng.
Công ty có một số khoản vay ngắn hạn lớn sắp đến hạn trả như vay Công ty Thành Thành Công 124 tỷ đồng, Sacombank 79 tỷ đồng, ACB 48 tỷ đồng, TPBank 41 tỷ đồng, Công ty May Tiến phát 38 tỷ đồng…
Một chuyên gia tài chính cho biết tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao cho thấy doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn phần vốn tự có nên có thể gặp rủi ro trong vấn đề trả nợ. Hệ số này cao cũng cho thấy doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay bên ngoài.
Vị trí dự án lấn sông Đồng Nai do Toàn Thịnh Phát là chủ đầu tư. Ảnh: Google Maps. |