Vụ tranh chấp giữa hàng trăm khách hàng với Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh (gọi tắt là Công ty Phú Gia Thịnh) đang phức tạp hơn khi doanh nghiệp này đã có đơn khởi kiện ra TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
Như vậy, từ chỗ là những khách hàng đặt cọc mua đất thì giờ đây, nhiều khách hàng trở thành bị đơn trong vụ kiện tranh chấp dân sự với nhiều bất lợi. Nhiều người đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương.
Khách hàng trở thành bị đơn
Theo hồ sơ mà Zing thu thập được, trong đơn khởi kiện khách hàng, Công ty Phú Gia Thịnh yêu cầu tòa án tuyên chấm dứt dợp đồng liên quan đến Dự án khu dân cư Thanh Hoàng (tên thương mại Phoenix Complex, ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) mà hai bên đã ký kết từ đầu năm 2021. Tháng 4, TAND quận Liên Chiểu đã có thông báo về việc thụ lý vụ kiện này.
Nếu doanh nghiệp nói khu này sẽ là những căn nhà liền kề thì không bao giờ chúng tôi mua, để rồi bây giờ phải kêu cứu khắp nơi.
Bà Đặng Thị Hạnh
Lật lại hồ sơ vụ việc thì thấy rằng, năm 2021 hàng trăm khách hàng ký Hợp đồng góp vốn/Thỏa thuận góp vốn với chủ ý là mua các lô đất tại dự án trên. Khách hàng đã nộp hơn 90% tiền cho các lô đất.
Điều đáng nói, Công ty Phú Gia Thịnh ký với khách hàng là Hợp đồng góp vốn/Thỏa thuận góp vốn chứ không phải hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng mua bán đất. Tuy nhiên, trong nội dung của hợp đồng ghi rõ tên người mua đất, số lô, vị trí...
Ngoài ra, hợp đồng cũng quy định các mốc thời gian khách hàng nộp tiền; Phú Gia Thịnh cam kết 5 tháng sau ngày ký hợp đồng sẽ công chứng hợp đồng chuyển nhượng và trong 30 ngày làm việc, kể từ ngày hai bên công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì công ty sẽ giao sổ đỏ cho khách hàng.
Đơn cử, ông Đặng Đình Dũng ký hợp đồng mua 120 m2 đất, tại Khu A2 của dự án Thanh Hoàng và đã trả cho Công ty Phú Gia Thịnh hơn 650 triệu đồng. Nếu căn cứ theo cam kết mà hai bên đã ký thì chậm nhất đầu năm 2018 doanh nghiệp đã phải bàn giao sổ đỏ cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay, ông Dũng và hàng trăm khách hàng khác vẫn chưa có sổ đỏ.
Lực lượng chức năng quận Liên Chiểu kiểm tra, yêu cầu Phú Gia Thịnh dừng thi công 100 căn nhà liền kề. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Hiện nay, Phú Gia Thịnh đang lấy lý do có sự thay đổi một số quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP nên dự án Thanh Hoàng không được phân lô, bán nền. Điều đó có nghĩa là những Hợp đồng góp vốn/Thỏa thuận góp vốn mà công ty đã ký với khách hàng không thể thực hiện với lý do "bất khả kháng".
Công ty này chuyển Dự án khu dân cư Thanh Hoàng thành 100 căn nhà liền kề và ra thông báo muốn mua nhà thì khách phải trả với giá gấp đôi số vốn đã góp, cộng với chi phí xây dựng. Trao đổi với Zing, nhiều khách hàng không đồng tình với phương án mà chủ đầu tư đưa ra.
Bởi người dân cho rằng trước đây Công ty Phú Gia Thịnh thông tin rõ Dự án Thanh Hoàng sẽ là khu dân cư nên họ mới mua đất để làm nhà. "Nếu doanh nghiệp nói khu này sẽ là những căn nhà liền kề thì không bao giờ chúng tôi mua để rồi bây giờ phải kêu cứu khắp nơi", khách hàng tên Đặng Thị Hạnh nhấn mạnh.
Khách hàng cầu cứu
Trong đơn cầu cứu Thủ tướng, ông Hoàng Minh Vũ (quê Quảng Nam), cho hay tuy hợp đồng ký kết có tên là “góp vốn” nhưng nội dung thể hiện rất rõ các điều khoản mua bán đất. Tại các văn bản trả lời cũng như những lần tiếp xúc với khách hàng, ông Lê Anh Triệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Gia Thịnh đều nhận trách nhiệm về sự chậm trễ tiến độ dự án và cam kết sẽ trả sổ đỏ cho người mua trong năm nay.
Tuy nhiên, mới đây công ty lại bất ngờ chuyển dự án thành khu nhà liền kề với khoảng 100 căn. Người mua phát hiện nên có đơn gửi cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đề nghị ngăn chặn.
Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Công ty Phú Gia Thịnh trước mắt không tiến hành khởi công xây dựng 100 căn nhà ở liền kề thuộc dự án Khu dân cư Thanh Hoàng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.
Ông Vũ và nhiều khách hàng cho rằng Phú Gia Thịnh cố tình tạo ra kịch bản chiếm dụng vốn trái phép của khách hàng, viện lý do vướng mắc pháp lý để chiếm đoạt tài sản, chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng tại dự án Thanh Hoàng.
Công ty Phú Gia Thịnh đang thi công phần móng của 100 căn nhà liền kề thì bị Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhận định của khách hàng là có cơ sở bởi công ty này cũng có hình thức huy động vốn tương tự tại Dự án New Da Nang City (ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) và đã bị UBND Đà Nẵng phạt hơn 300 triệu đồng. Theo quyết định xử phạt, hành vi của Phú Gia Thịnh được xác định vi phạm Nghị định 139 và còn có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần.
Phú Gia Thịnh viện cớ để ép khách hàng?
Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư Đà Nẵng, cho rằng ngay từ đầu, doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ "Hợp đồng góp vốn/Thỏa thuận góp vốn" để cài khách hàng, nếu xảy ra tranh chấp.
Lúc ký hợp đồng, người dân tin tưởng vào sự giới thiệu hoành tráng của chủ dự án mà không nghiên cứu chặt chẽ hợp đồng trước khi ký. Hợp đồng này không xảy ra những vướng mắc nếu công ty sử dụng tiền của người dân đã nộp (khoảng 100 tỷ đồng) để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng trước khi Nghị định 148 có hiệu lực thì sẽ không có những tranh chấp như hiện nay.
Có thể Công ty Phú Gia Thịnh dùng cớ "pháp luật thay đổi" để ép khách hàng phải chấp nhận các yêu cầu như trả giá đất gấp đôi, đóng thêm tiền hoặc nếu không thực hiện theo thì khởi kiện ra tòa án, yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
Luật sư Lê Cao
Tuy nhiên, công ty đã không làm vậy mà chây ì, chậm bàn giao sổ đỏ khiến khách hàng bức xúc. Phú Gia Thịnh viện dẫn Nghị định 148 cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng nên xác định không có lỗi và yêu cầu người dân phải gánh chịu mọi rủi ro hoặc đóng thêm rất nhiều tiền là không phù hợp.
Trách nhiệm của Công ty Phú Gia Thịnh phải ra sổ đỏ trước khi Nghị định 148 có hiệu lực. Quy định chuyển tiếp của Nghị định này cũng có nội dung đối với các dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê tại các phường của đô thị loại I trực thuộc Trung ương (đã được UBND cấp tỉnh cho phép được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước ngày 8/2/2021) thì vẫn được tiếp tục thực hiện.
Mặt khác, theo luật sư, công ty chậm trễ ra sổ đỏ cho người mua đất nên mới dẫn đến việc bị áp dụng sự thay đổi pháp luật. Do đó, đây không được xem là sự kiện bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm của Công ty Phú Gia Thịnh và các cá nhân liên quan.
Từ những phân tích trên, luật sư Lê Cao cho rằng có thể Công ty Phú Gia Thịnh dùng cớ "pháp luật thay đổi" để ép khách hàng phải chấp nhận các yêu cầu như trả giá đất gấp đôi, đóng thêm tiền hoặc nếu không thực hiện theo thì khởi kiện ra tòa án, yêu cầu chấm dứt hợp đồng.