Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về tồn tại quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 9/11, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định điều này làm ảnh hưởng chủ yếu đến việc làm, sinh kế và việc xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân. Đồng thời, làm giảm hiệu quả chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc cho nhân dân.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn; xác định một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác; không lập đầy đủ quy hoạch liên quan theo quy định; không xác định đủ các yếu tố, điều kiện thực hiện đồng bộ các dự án trong quy hoạch; việc tổ chức quản lý và thực hiện dự án sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy hoạch…
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đối với giải pháp, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 05 ngày 1/3/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Bộ Xây dựng cũng ban hành một số quy chuẩn cốt lõi như Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng, quy hoạch về nhà ở, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật.
“Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, trong Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2014 đã có quy định nếu kế hoạch cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí cả xây mới nhà ở”, ông Hà nói.
Hiện nay, sau khi rà soát trên 250 quy hoạch phân khu, dự án chi tiết, TP.HCM đã thu hồi 176 dự án treo. Trong khi đó, Đà Nẵng xác định 201 dự án treo, Hà Nội rà soát 78 quy hoạch phân khu và 67 quy hoạch chi tiết.
Về việc một số chủ đầu tư chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết 50 ngày sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục để cấp sổ hồng cho người dân. Tuy nhiên, thực tế có 2% tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư không làm đúng theo quy định.
“Số lượng người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Nguyên nhân đến từ việc chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hoặc cố tình chậm trễ, chây ì”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Theo đó, cần xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc (theo quy định lên tới 1 tỷ đồng), thậm chí xử lý hình sự đối với chủ đầu tư cố tình chây ì. Trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, cần cố gắng hoàn thiện, đồng thời thực hiện ngay cấp sổ hồng cho người dân.
Cũng có ý kiến về quy hoạch treo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định tình trạng này vẫn xảy ra và ảnh hưởng đến người dân, Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Ông cho rằng quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong định hướng, phân bổ không gian phát triển và là công cụ để quản lý quá trình phát triển bền vững.
“Nguyên nhân do chất lượng các quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế của cùng vùng, từng khu vực; không cân đối được nguồn lực để thực hiện quy hoạch, quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán đến nguồn lực. Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác thực hiện xây dựng kế hoạch quy hoạch”, ông Dũng nói.
Vấn đề nữa là Nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thực hiện tái định cư đảm bảo cuộc sống người dân.
Về giải pháp khắc phục, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững; rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển; các vùng, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội và các dự án ưu tiên triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, gắn việc thực hiện quy hoạch với việc phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch… Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện quy hoạch và hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, trong đó coi dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các địa phương chủ động quỹ đất sạch để đấu giá đất hoặc huy động các dự án phát triển kinh tế - xã hội.