Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chủ đầu tư các dự án BOT đang 'tay không bắt giặc'

Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư BOT ở Việt Nam khi thực hiện dự án không cần kinh nghiệm, vốn, bởi hầu hết kinh phí đều đi vay ngân hàng.

Sáng 8/9, phát biểu tại Tọa đàm khoa học Các dự án BOT - Chính sách và Giải pháp, ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào, khẳng định lâu nay BOT đang trở thành một mảnh đất màu mỡ của nhóm quan hệ thân hữu.

Không vốn, kinh nghiệm vẫn làm được BOT

Ông Nguyễn Nam Cường cho rằng nhiều nhà đầu tư đang thực hiện dự án BOT theo hình thức “tay không bắt giặc”. Bởi họ không cần kinh nghiệm, không cần quá nhiều vốn. Sau khi vào được dự án, hầu hết vốn sẽ đi vay, thực hiện thì thuê đơn vị thi công.

Vị này cho biết hiện nay có tình trạng khi thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền phớt lờ quyền lợi và ý kiến của nhân dân.

“Tại quốc lộ 5, có người nói rằng đưa con đi học xong đi ăn phở cũng 4 lần qua trạm cũng phải trả tiền BOT. Đây là điều vô lý mà chỉ có ở Việt Nam”.

Chu dau tu BOT anh 1
Ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào . Ảnh: Văn Chương.

Nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào nói rằng người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, quốc lộ 5 là đúng. Bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ.

Vị này dẫn chứng, ở nước Lào không có trạm BOT giao thông bởi lưu lượng giao thông không đáng thu. Nhà nước bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây các công trình giao thông và không lập trạm thu phí.

Tại Lào, các dự án BOT chủ yếu là lưới điện. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư làm lưới điện. “Họ quy hoạch điện trong các thành phố đâu ra đấy, rất văn minh không giống ở Việt Nam”, ông Cường nói.

Còn tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù đường giao thông nước này tốt hơn nhiều lần so với Việt Nam. Thỉnh thoảng họ bảo dưỡng, sửa chữa nhưng không thu phí.

Làm mọi cách “đặt gạch” vào được dự án BOT

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong. Còn vốn chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo.

Chu dau tu BOT anh 2
Các lái xe phản đối thu phí trên quốc lộ 5. Ảnh: Văn Chương.

Như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Điều này làm méo mó nền kinh tế.

'Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Cuối cùng người dân nghèo bao giờ cũng phải thua thiệt nhiều nhất. Bởi BOT sẽ tác động đến hàng hóa, dịch vụ'.

Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ông Đức khẳng định hiện nay luật thoáng đến mức Bộ GTVT, tỉnh có thể ủy quyền cho UBND các quận, huyện ký hợp đồng BOT với chủ đầu có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Sở dĩ có chuyện đó vì dự án BOT không có rủi ro về vốn gốc, vốn lái nên chỉ cần “đặt gạch” vào dự án là xong.

Theo luật sư Đức, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Nhà nước chủ yếu chỉ định thầu. Nhiều người cho rằng phải đấu thầu mới khách quan.

Luật sư Đức khẳng định: “Tôi cho rằng ở các dự án BOT, nếu đấu thầu nguy hiểm hơn. Bởi hiện nay ở nước ta khi đấu thầu xuất hiện toàn ‘quân xanh quân đỏ’. Lúc đó đấu thầu lại là biện pháp để người ta hợp thức hóa chỉ định thầu một cách êm xuôi”.

Sau khi đã vào được dự án, nhà đầu tư lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định. Họ đưa ra chi phí càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí. Thế nên mới có chuyện sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đã giảm được hơn 100 năm thu phí ở các dự án PPP trên cả nước.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết đã quan sát BOT từ năm 1998. Thời điểm đó, Việt Nam có nghị định đầu tiên về BOT.

“Khi đó, tôi và nhiều chuyên gia đã đoán được hệ lụy xảy ra từ các dự án BOT xảy ra như ngày hôm nay”, luật sư Lập nói.

Theo ông Lập, hiện nay báo chí, các cơ quan chức năng đang quan tâm đến một số dự án BOT. Tuy nhiên, dự án BT cũng tồn tại nhiều khuất tất chưa được công bố.

Ông Lập khẳng định: “Hiện nay PPP của chúng ta khá đơn giản, phiến diện, thiếu bài bản và không đúng bản chất. Điều này dẫn đến việc người dân phản đối”.

Chu dau tu BOT anh 3
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Văn Chương.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết khi thực hiện các dự án BOT ở Việt Nam, “cổ đông” lớn nhất không được tham vấn ý kiến.

Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, người dân và các doanh nghiệp vận tải, hai “cổ đông” lớn nhất bị chủ đầu tư và cơ quan nhà nước phớt lờ. Vì thế mới có chuyện phản đối gay gắt tại các trạm BOT như thời gian qua.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng hiện nay có việc các chủ đầu tư dự án BOT giao thông chỉ cải tạo mặt đường quốc lộ nhưng thu phí bằng xây mới. Đây là điều phí lý vì những con đường đó là của người dân.

Toàn cảnh quốc lộ 5 'tai tiếng' - nơi dân trả tiền lẻ qua trạm BOT Đi quốc lộ 5 nhưng lại trả phí cho cả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều tài xế, người dân đã bày tỏ sự bức xúc.


Văn Chương

Bạn có thể quan tâm