Thời điểm chưa có dịch, Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân (chủ sở hữu cụm rạp Galaxy) ghi nhận doanh thu đạt 1.215 tỷ đồng trong năm 2019; lãi gộp 539 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 44% (được đánh giá là tương đối cao). Dù chịu nhiều chi phí, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng.
Những năm trước đó, số thu của Thiên Ngân cũng luôn quanh mức 1.000 tỷ đồng. Năm 2017 thu về 1.051 tỷ thì lãi 119 tỷ; năm 2018 thu về 974 tỷ thì lãi 49 tỷ. Đại diện doanh nghiệp cho biết lợi nhuận những năm này dùng để đầu tư, mở rộng cụm rạp, tăng số phòng chiếu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Galaxy đang phải đóng cửa hoàn toàn 18 cụm rạp trên cả nước. Bà Mai Hoa, Giám đốc Marketing của Thiên Ngân, cho Zing biết từ khi đóng cửa, công ty phải gồng mình lo rất nhiều chi phí mà không có nguồn thu.
“Nếu đóng cửa hai tuần, chúng tôi thua lỗ 7-10 tỷ đồng. Nếu đóng một tháng, số tiền chúng tôi mất lên tới 20 tỷ đồng”, bà Hoa nói.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA THIÊN NGÂN TRƯỚC KHI CÓ DỊCH COVID-19 | |||||
Nhãn | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 867 | 1051 | 974 | 1215 |
Lợi nhuận sau thuế | 141 | 119 | 49 | 72 |
Tương tự Thiên Ngân, BHD Star Cineplex cũng phải đóng cửa toàn bộ 10 cụm rạp trên cả nước. Đại diện của BHD cho biết áp lực lớn nhất với đơn vị này là tiền thuê mặt bằng vì các đơn vị cho thuê ít giảm chi phí, trong khi giá thuê rất cao. Ngoài ra, áp lực lớn còn nằm ở việc trả thuế, nợ ngân hàng.
Thực tế, ngay cả khi chưa có dịch, BHD đã gặp rất nhiều khó khăn. Giai đoạn 2017-2019, dù doanh thu mỗi năm dao động 59-98 tỷ đồng, cụm rạp phim này đều báo lỗ. Một trong những vấn đề lớn nhất của BHD là chi phí và kiểm soát chi phí.
Năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của BHD giảm từ 69 tỷ đồng xuống 59 tỷ, lợi nhuận gộp của hai năm này lần lượt ở mức 23 tỷ và 21 tỷ. Doanh nghiệp báo lỗ 100 triệu đồng trong năm 2017 rồi tiếp tục âm 5,3 tỷ trong năm 2018.
Sang năm 2019, doanh thu của chủ sở hữu 10 rạp chiếu phim trên toàn quốc này tăng tới 65%, lên 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, BHD lại báo lỗ thêm 1,5 tỷ đồng, lên thành 6,8 tỷ.
Mới đây, đại diện BHD chia sẻ rằng nếu không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành phim ảnh trong dịch Covid-19, “không chỉ doanh nghiệp kinh doanh rạp của Việt Nam mà rạp thuộc các tập đoàn lớn cũng có nguy cơ phá sản".
Tại rạp Lotte Cantavil ở quận 2 trước khi đóng cửa hôm 3/5. Các chuỗi rạp chiếu phim đồng loạt kêu cứu. Ảnh: Phương Lâm. |
Một cụm rạp phim khác kêu cứu Thủ tướng là Lotte Cinema, đơn vị này đã phải đóng 46 rạp, chỉ còn 7 rạp hoạt động cầm chừng. Đại diện Lotte chia sẻ với Zing điều này có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ vài chục tỷ đồng trong một tháng.
"Những nơi đóng cửa, chúng tôi mất trắng chi phí chi trả mặt bằng, nhân viên. Một số rạp nhỏ ở các tỉnh còn mở thì hại đơn hại kép. Cụ thể, số lượng suất chiếu, phòng chiếu đều giảm. Phim mới không có, các rạp hiện chỉ chiếu phim cũ, vì vậy rạp phim rất vắng khách. Mỗi cụm rạp chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm khách", người đại diện nói.
Đại diện của Lotte cũng cho hay họ nhận được hầu hết sự hỗ trợ từ các đối tác trong việc giảm tiền thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, phía cụm rạp thừa nhận buộc phải giảm lương nhân viên trong thời gian qua.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, các cụm rạp cho biết một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp hoạt động ở ngành điện ảnh là dòng tiền trong kinh doanh. Hiện doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của họ gần như bằng 0, tuy vậy, mỗi tháng vẫn phải chi trả nhiều chi phí như thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.
Vì vậy, các cụm rạp đề xuất một số phương án hỗ trợ như việc giãn thuế, cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, gia hạn thời gian thanh toán bảo hiểm xã hội, có hướng dẫn cụ thể giảm giá chi phí thuê mặt bằng do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng liên quan đến Covid-19.