15h ngày 27/5, sau khi nhận tin về ổ dịch mới tại quận Gò Vấp, Thanh Tùng (33 tuổi) quyết định tạm ngừng kinh doanh quán cà phê của mình.
Ngay hôm đó, anh và các nhân viên phải gửi lời xin lỗi, mời khách rời khỏi tiệm để dọn dẹp quán, chuẩn bị đóng cửa dài ngày.
Chia sẻ với Zing, chủ quán cho biết đa số khách hàng đều bất ngờ vì tiệm cà phê đột ngột "đuổi khách". Nhưng sau khi biết lý do, ai cũng cảm thông và ủng hộ lựa chọn này.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu tại TP.HCM đều đóng cửa; còn nhà hàng, quán ăn và quán cà phê chỉ được phép bán mang về. Ảnh: Duy Hiệu, Quỳnh Danh. |
"Là dân kinh doanh, không ai muốn doanh nghiệp mình tâm huyết phải tạm ngưng hoạt động, dù chỉ một ngày. Tôi cũng buồn lắm, nhưng đây là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân, nhân viên và khách hàng giữa Covid-19", anh Tùng nói.
Thanh Tùng không phải cá nhân duy nhất chịu ảnh hưởng nặng nề khi UBND thành phố yêu cầu tạm dừng, hạn chế hoạt động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhà hàng, quán cà phê…
Dù vậy, hầu hết người dân đều chấp nhận thiệt thòi, thua lỗ nhằm thực hiện quy định phòng dịch, nêu cao tinh thần vì cộng đồng.
Chấp nhận đóng cửa dù chưa bị cấm
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, quán cà phê do anh Tùng làm chủ từng phải đóng cửa 3 lần. Anh cho biết thời gian quán tạm dừng hoạt động lâu nhất là 14 ngày, trùng với đợt giãn cách xã hội vào tháng 3/2020.
“Quán tôi khá nổi tiếng với giới trẻ nên lượng khách không hề ít. Nếu nhận các đơn đặt hàng online, sẽ có nhiều shipper tụ tập trước quán. Tôi nghĩ điều này không đảm bảo an toàn nên tốt nhất là dừng mọi hoạt động cho tới khi mọi chuyện ổn hơn”, anh nói.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp nhận đóng cửa, dù vẫn được phép bán mang về. |
Anh Bá Hằng (30 tuổi) cũng đóng cửa hàng cà phê thú cưng tại quận Gò Vấp từ chiều 27/5, dù quán vẫn nằm trong diện được phép mở cửa và bán mang về.
Chủ quán giải thích thời điểm này khá nhạy cảm, số lượng khách ít hơn, nếu bán mang đi thì trung bình mỗi ngày được 10-15 ly nước. Khoản lợi nhuận này không tương xứng với chi phí vận hành quán, trả tiền lương cho nhân viên.
Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tiệm cà phê của anh cũng thực hiện việc giới hạn số lượng khách ngồi lại.
“Quán tôi có hai nhân viên pha chế. Các bạn đã nghỉ nhưng vẫn ở lại đây, được tôi lo toàn bộ chi phí ăn ở, hỗ trợ 50% lương. Tôi không muốn để các bạn đi chỗ khác vì sợ bị lây nhiễm. Hy vọng mọi thứ sớm được kiểm soát và cuộc sống trở lại bình thường”.
Trước đó, anh đã chi khoảng 3 tỷ đồng cho việc mở quán cà phê vào tháng 2/2020. Song, các đợt dịch nối tiếp nhau khiến tình hình buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, anh vẫn có nguồn thu nhập khác là kinh doanh là spa thú cưng, chuyên chăm sóc, tắm và tỉa lông cho chó tại nhà.
Anh Quang, chủ tiệm ăn ở quận Bình Thạnh, bắt đầu ngừng nhận khách ăn tại chỗ từ vài ngày trước khi UBND thành phố ra thông báo vì lo ngại dịch Covid-19. |
Khác với khung cảnh tấp nập, bận rộn thường ngày, quán gà nướng do anh Quang (27 tuổi) làm chủ ở quận Bình Thạnh lại khá vắng vẻ. Cả tiệm nay chỉ còn mình ông chủ cùng 2 nhân viên quán xuyến, tất cả bàn ghế đều cất gọn trong nhà.
"Vài hôm trước, tôi dừng cho khách dùng bữa tại quán. Tôi xem báo đài thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng quá, vì lo cho an toàn của gia đình, các nhân viên và thực khách nên chọn cách chỉ bán mang về", anh Quang vừa nói, vừa lật thịt trên bếp lửa.
Chủ quán nói thêm việc tạm dừng nhận khách ăn tại chỗ ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận. So với thường ngày, lượng khách tới mua đồ ăn giảm 80%.
"Khó khăn lắm chứ, nhưng dịch bệnh phức tạp nên mình phải chấp nhận thôi. Nhân viên của tôi cũng về quê khá nhiều, những người còn lại thì chia ca làm việc. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm qua".
Lo trang trải cuộc sống
Từ 8h sáng nay, anh Tuấn (26 tuổi), shipper ngụ tại quận 9, đã đậu xe chờ sẵn trước cửa một quán cà phê trên đường Nguyễn Du, quận 1.
Nghe tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, anh nghĩ lượng đơn đặt hàng qua ứng dụng giao đồ ăn nhanh sẽ tăng cao.
“Từ 8h tới 14h hôm nay, tôi chạy được 10-15 đơn rồi. Giờ, quán xá không được nhận khách tại chỗ nữa nên nhu cầu giao đồ ăn cũng tăng lên đáng kể”, nam shipper nói.
Do công việc thường xuyên phải di chuyển, anh và các đồng nghiệp phải tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, chú ý giữ khoảng cách khi nhận và giao hàng.
Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, các shipper tự chủ động phòng dịch Covid-19 khi đi giao hàng. |
Nam shipper chia sẻ thêm một số tiệm ăn, quán cà phê còn chủ động nhận đơn, đem đồ ra ngoài đưa cho người giao hàng nhằm hạn chế số lượng người ra, vào quán.
Dù vậy, không phải ai cũng may mắn được tiếp tục kinh doanh giữa Covid-19.
Trưa 28/5, lúc UBND thành phố thông báo tạm ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, chị Thúy (27 tuổi), quản lý tiệm làm tóc nam và xăm mình trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), đành thu dọn đồ đạc, dọn dẹp cửa hàng trước khi nghỉ về quê.
“Mùa dịch làm ăn khó khăn lắm, đợt này khả năng phải đóng cửa cả tháng hoặc dài hơn. Mối lo lớn là nghỉ lâu không có tiền trang trải cuộc sống. Ở đây cũng không thể làm gì, gia đình tôi sẽ về Đồng Nai một thời gian, đợi đến khi nào có thông báo mở cửa trở lại thì lên. Nhà có con nhỏ nên tôi rất lo cho sự an toàn sức khỏe của bé”.
Chị Thanh Hoa (trú quận Gò Vấp) là nhân viên bán hàng, thường xuyên phải giao đồ tới các bệnh viện, tiệm tạp hóa khắp thành phố. Vì đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chị không tránh khỏi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm virus.
Sáng 27/8, nhiều ca nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có địa chỉ sinh hoạt trên đường Nguyễn Văn Công được công bố.
Biết địa điểm này gần nhà, chị Hoa quyết định tạm ngừng công việc, dừng nhận thêm đơn hàng vì lo đi lại nhiều nơi có thể tiếp xúc nguồn bệnh hoặc vô tình truyền bệnh cho những người khác.
Chị cố gắng giao hết số hàng còn lại cho khách trước buổi trưa, sau đó đi siêu thị mua thêm thực phẩm để tự nấu ăn ở nhà.
“Trước đây tôi toàn ăn ở ngoài, tiện ở đâu thì dừng lại ăn ở đó. Nhưng dịch bệnh, các quán ăn không được phép ngồi lại nữa, tôi quyết định tự nấu ăn để bớt phải đi lại, tiếp xúc lẫn nhau và tiết kiệm tiền”.