Hiểu chronotype của mình giúp bạn đảm bảo sức khỏe tinh thần và ít uể oải khi làm việc.
Điểm chính:
- Chronotype là loại thời gian sinh học. Một số ý kiến cho rằng có 4 kiểu chronotype khác nhau.
- Về cơ bản, thời gian của 4 chronotype có sự khác biệt dù không rõ rệt.
- Chronotype bị ảnh hưởng bởi cách sinh hoạt của mỗi người.
Có lẽ bạn từng nghe qua 2 từ "cú đêm", "chim sớm" chỉ những người làm việc năng suất vào buổi tối và người thể hiện tốt nhất vào ban ngày.
Thế nhưng, Tiến sĩ Tâm lý Michael Breus, lại có quan điểm khác. Trong cuốn sách "The Power of When" của mình, ông cho rằng có 4 loại thời gian sinh học. Nói cách khác, trên đời có 4 kiểu người với nếp ngủ không giống nhau.
Dựa trên nghiên cứu của Breus, bài viết sau sẽ giải nghĩa chronotype cùng dấu hiệu giúp bạn tìm ra nhóm thời gian phù hợp, từ đó cải thiện chất lượng sống của bản thân.
Chronotype là gì?
Sleep Foundation định nghĩa chronotype là loại thời gian sinh học, liên kết chặt chẽ với nhịp sinh học mỗi người. Nhịp sinh học là "chiếc đồng hồ" bên trong cơ thể, chịu trách nhiệm cho chu kỳ ngủ và thức hàng ngày.
Giả sử, bạn thường thức dậy vào 7h sáng và ngủ vào 23h. Trong một thời gian dài, cơ thể bạn hiểu 7h là thời điểm phải tỉnh, không được ngủ, và 23h là lúc bạn có thể ngủ ngon.
Ví dụ trên chỉ là một phần của nhịp sinh học, ngoài ra còn có những đặc điểm liên quan đến sức khỏe.
Điều bạn cần lưu ý là trong khi nhịp sinh học có thể được điều chỉnh bởi thói quen, chronotype có xu hướng gắn bó với bạn lâu hơn, thậm chí rất khó thay đổi. Cụ thể, những người "cú đêm" vẫn có thể dậy lúc 7h để làm việc, nhưng phần lớn minh mẫn và sáng tạo nhất vào tối muộn.
Chronotype của bạn là gì?
4 kiểu thời gian sinh học của Breus tương ứng với các loài động vật, gồm gấu, sói, sư tử và cá heo.
Nhóm gấu
Đây là loại thời gian phổ biến nhất trong 4 kiểu, khoảng một nửa dân số thế giới thuộc nhóm gấu. Họ hoạt động tốt nhất vào buổi sáng và giảm dần năng lượng ở xế chiều.
Vì thời gian của nhóm tương đối trùng với giờ hành chính, nên gấu không gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng.
Nếu bạn cảm thấy mình là kiểu người này, đây là tips cho bạn:
- Ngủ trong khoảng 22-23h và dậy lúc 7h sáng. Những chú gấu ngủ không đủ giấc sẽ lờ đờ suốt ngày hôm sau.
- Ăn sáng để cung cấp năng lượng cho cơ thể, sau đó bắt đầu làm việc khó và quan trọng nhất trong ngày.
- Đầu giờ chiều là lúc bạn còn năng lượng. Hãy sắp xếp họp hay tiếp tục ưu tiên việc lớn vào lúc này.
- Từ 15h trở đi, nhóm gấu có xu hướng mệt mỏi hơn. Bạn có thể chuyển sang những việc nhẹ, không đòi hỏi não vận động quá nhiều.
Nhóm sói
Trái với gấu, sói hoạt động năng suất vào buổi tối. Trong 4 nhóm đang liệt kê, sói chính là "cú đêm" truyền thống. Người thuộc nhóm này thường chậm chạp vào ban ngày, thích thức khuya và giải quyết công việc khi người khác dần nghỉ ngơi.
Sói chiếm tỷ lệ ít trong dân số, khoảng 15% và phù hợp với nghề nghiệp không yêu cầu đi làm sớm. Trong trường hợp bạn là nhân viên văn phòng, tips để sói làm việc hiệu quả như sau:
- Không cần dậy quá sớm. Người nhóm sói có thể thức dậy vào khoảng 8h-8h30, miễn đảm bảo thời gian làm việc.
- Vận động nhẹ hoặc làm 1-2 hoạt động khiến bạn tạm tỉnh táo, sau đó ăn sáng và xử lý việc ít quan trọng trước.
- Sau 14h, bạn có thể bắt đầu nghĩ đến những việc khó và cần suy nghĩ hơn. Từ 17h đến tối thường là thời điểm sói đạt hiệu suất cao.
- Tập thể dục vào buổi tối giúp sói giải tỏa năng lượng tốt. Bạn có thể thức muộn, nhưng cố gắng ngủ 7-8 tiếng để đảm bảo sức khỏe.
Nhóm sư tử
Chronotype sư tử khá giống với gấu, ngoại trừ việc sư tử dậy sớm hơn cả gấu, đa số có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc trước khi ăn trưa.
Tuy nhiên, vì làm việc sớm nên sư tử tiêu hao năng lượng nhanh hơn. Họ thường cảm thấy nặng nề lúc vừa vào ca chiều và kiệt sức hẳn sau khi mặt trời lặn.
Thuộc nhóm sư tử nghĩa là bạn giống với khoảng 15% người lao động, theo Business Insider. Sư tử có thể duy trì năng lượng bằng cách:
- Rời giường vào khoảng 5h30, tập thể dục và ăn sáng ngay sau đó.
- Làm việc sâu ở thời điểm 8-12h, có thể bạn sẽ muốn nhắm mắt vài phút sau giờ cơm.
- Xử lý việc nhẹ hơn vào buổi chiều. Sau giờ làm việc, sư tử nên có hoạt động giải trí để giảm bớt áp lực trong ngày.
- Ăn tối sớm và ngủ trước 22h là chìa khóa giúp sư tử duy trì phong độ.
Nhóm cá heo
Cá heo là loài khá đặc biệt vì não nửa tỉnh, nửa mê khi ngủ để cảnh giác kẻ thù. Cũng như vậy, nhóm cá heo có thể lên giường cùng lúc với mọi người, nhưng giấc ngủ thường không sâu và đôi khi khó ngủ.
"Cá heo nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng. Vì vậy, họ khó tuân thủ một lịch ngủ cố định", Eva Cohen, nhà tư vấn giấc ngủ tại Mỹ, nói với Healthline.
Tin tốt là người nhóm cá heo làm việc rất chăm chỉ trong khoảng 10-14h. Tips cho nhóm:
- Hãy cố gắng tắt đèn trước 0h và tạo mọi điều kiện cho giấc ngủ đến nhanh.
- Thức dậy khoảng 7h30-8h sáng, ăn nhẹ và làm một số việc lặt vặt.
- Từ 10h, cá heo nên tập trung cho những việc ưu tiên và hoàn thành dần to-do list sau bữa trưa.
- Để não nghỉ ngơi trước khi ngủ. Thực hiện vài bài tập giãn cơ nhẹ và tắm nước ấm giúp bạn ngủ ngon hơn.
Tìm hiểu chronotype để làm gì?
Bên cạnh đặc điểm kể trên, thời gian sinh học của mỗi người có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, tần suất tiếp xúc ánh sáng xanh, vận động, tính chất công việc,...
Xác định chronotype của mình giúp bạn phần nào phân bổ công việc hợp lý, khỏe khoắn hơn cả về tinh thần lẫn thể chất, theo Healthline.
Ngoài ra, hãy cảm thông với bản thân. Sói không làm việc tốt vào buổi sáng như sư tử. Bù lại, người này sáng tạo và tỉnh táo hơn ai hết khi cần giải quyết deadline ban đêm.
Mỗi người một ưu điểm. Quan trọng là bạn làm chủ cuộc sống của mình và sinh hoạt lành mạnh.