Sáng 30/12, bên hành lang lễ ký hợp đồng tài trợ cho V.League 2015 tại Hà Nội, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tung ra một “quả bom” khi cho biết vụ tiêu cực ở CLB Ninh Bình cao hơn số chín cầu thủ bị ra tòa và vừa bị LĐBĐ VN (VFF) treo giò vĩnh viễn.
Ông Lê Hùng Dũng (giữa) trong vòng vây của giới truyền thông tại lễ ký hợp đồng Toyota trở thành nhà tài trợ của V.League 2015 hôm 30/12 ở Hà Nội. Ảnh: Nam Khánh/Tuổi trẻ. |
Ông Dũng nói: “Danh sách đầu tiên tôi thuyết phục anh Trường (ông Hoàng Mạnh Trường - chủ tịch CLB Ninh Bình) đưa ra cho cơ quan an ninh Ninh Bình khởi tố không phải con số bây giờ mà cao hơn nhiều. Tuy nhiên tại sao lại là con số 9, tôi hỏi ông Trường sao không phải 14 mà chỉ là 11 (11 cầu thủ bị công an triệu tập để điều tra) thì ông Trường nói: Anh ơi, khuya chúng nó lên phòng em khóc quá không chịu nổi. Chúng nó bảo đưa ra thế này con tiêu tan sự nghiệp, con chết, bố tha cho con. Khóc quá nên tha”.
Ai “khóc quá nên tha”?
Ngay sau khi ông Dũng phát biểu về thông tin gây chấn động đó, chúng tôi đã liên lạc với ông Hoàng Mạnh Trường. Ông Trường nói: “Anh Lê Hùng Dũng nói chuyện một số cầu thủ của đội V.Ninh Bình lên phòng tôi khóc dữ quá nên tôi tha là đúng. Nhưng anh Dũng nói mà chưa hiểu rõ hết vấn đề. Vì theo luật tố tụng, phải bắt được người mua với kẻ bán thì mới cấu thành tội được. Chứ nếu chỉ có người đánh bạc mà không có người nhận bạc thì bắt ai và xử ai? Nếu chỉ dựa vào một phía đánh bạc thì người ta quay ngược lại kiện cho tội vu khống thì sao? Mà ở trận đấu làm độ có liên quan đến năm cầu thủ Ninh Bình khác nhưng không bị truy tố là do cơ quan điều tra không có đủ chứng cứ”.
Bầu Trường giải thích thêm: “Ngoài việc làm độ 800 triệu đồng ở trận đấu với Kelantan tại Malaysia mà chín cầu thủ đã nhận án phạt, còn có một vụ khác nữa, khi số đã bị án phạt cùng năm cầu thủ khác còn làm độ thêm một trận đấu nữa ở AFC Cup 2014 với số tiền hơn 100 triệu đồng. Số tiền cá độ này chia nhau được 7 triệu đồng/người, trong đó có L. và P. (*) Tôi cũng muốn nhờ cơ quan điều tra làm rõ thêm trận đấu này nữa, nhưng không có bằng chứng. Vì dù họ khai ra như thế, nhưng không bắt được người nhận cá độ trong trận đấu này thì cơ quan điều tra làm sao khởi tố vụ án được.
Với trận V.Ninh Bình gặp Kelantan, cơ quan điều tra phải làm 5-6 ngày nhưng không thể khởi tố được vụ án vì không bắt được người nhận độ là Đào Đức Lợi. Chỉ sau đó, khi Đào Đức Lợi tự ra đầu thú, cơ quan điều tra mới khởi tố được vụ án và đưa ra xét xử. Kết quả thế nào thì mọi người đã biết. Với trận còn lại, tôi cũng nhờ cơ quan điều tra rồi, tìm được người nhận độ nhưng đối tượng đã trốn đi Trung Quốc ở luôn thì đành bó tay. Đối tượng này quê ở Nam Định và nằm ở đường dây cá độ khác”.
Ngoài L. và P. thì còn ai nữa, và phải chăng chính những cầu thủ này đã “khóc quá nên tha”? Trả lời câu hỏi này, bầu Trường nói rằng một cầu thủ đã “khai” với ông chứ không phải L. và P. trực tiếp gặp ông để khóc lóc xin tha.
“Giờ đột ngột hỏi lại tôi không nhớ. Mấy việc đáng buồn như thế tôi nhớ làm gì cho đau đầu. Chuyện đã qua rồi tôi cũng không muốn nhắc đến nữa”.
Sáng nói một kiểu, chiều nói một kiểu!
Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với cầu thủ P. nhưng anh không nghe điện thoại. Trong khi đó, cầu thủ L. khẳng định mình không dính líu gì đến vụ làm độ tại Ninh Bình khi còn khoác áo tại đây. Anh nói: “Sau khi phanh phui vụ làm độ 800 triệu đồng, tôi có nghe vụ các cầu thủ làm độ 100 triệu đồng nữa cũng như chuyện các cầu thủ này lên khóc với bầu Trường xin tha. Tuy nhiên tôi không hề dính dáng gì đến cả. Nếu bầu Trường nói có tôi thì càng sai. Bầu Trường gọi cầu thủ nào lên ông ấy biết hết mà. Còn tôi chẳng bao giờ có. Nếu có dính líu đến, bầu Trường chẳng bao giờ tha cho tôi. Nói toàn đội chia nhau được 7 triệu đồng ở trận đấu đó thì sao tôi không nhận được 7 triệu đồng? Tôi chưa bao giờ chơi cờ bạc hay cá độ. Nếu tôi có tham gia thì giờ tố cáo ra đi, xem ai là người đứng ra dàn xếp, ai nhận tiền?”.
Trước sự phản ứng của L., tối 30/12 chúng tôi liên lạc lại với bầu Trường đề nghị ông nên nhớ lại cho rõ vì đây là những thông tin liên quan đến số phận một con người, phải hết sức cẩn trọng. Khi ấy, bầu Trường lại nói rằng L. không hề dính đến tiêu cực. Ông nói: “L. không có dính đến. Còn P. thì tôi không nhớ có trong số các cầu thủ nhận 7 triệu đồng hay không. Thứ nhất là chuyện xảy ra lâu rồi. Thứ hai là chuyện gì qua rồi thì tôi bỏ qua luôn, cho vào đầu nhức đầu lắm. Lo kiếm tiền nuôi công nhân thôi. Mấy đứa lên khóc với tôi xin tha là mấy đứa dự bị thôi, nó ngồi ngoài đánh mà. Tôi cũng không nhớ tên những đứa đó nữa”.
Tiêu cực trong bóng đá Việt Nam là một nỗi nhức nhối đã tồn tại hàng mấy chục năm nay. Chính nó đã khiến người hâm mộ mất niềm tin vào bóng đá Việt Nam. Vì vậy, tuyên chiến với tiêu cực là điều cấp thiết. Tuy nhiên, không thể chống tiêu cực theo kiểu vu vơ, toàn nghe nói qua nói lại, rồi lúc thế này lúc thế khác như những gì đang diễn ra.
Vụ dàn xếp tỷ số ở CLB Ninh Bình
Ngày 29/4/2014 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án đánh bạc xảy ra tại CLB The Vissai Ninh Bình trong trận đấu giữa Ninh Bình - Kelantan ngày 18/3/2014 tại AFC Cup để lấy 800 triệu đồng. Trong vụ việc đã có 11 cầu thủ Ninh Bình bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai, sau đó có chín cầu thủ phải ra tòa là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, tiền vệ Trần Mạnh Dũng, hậu vệ Lê Quang Hùng, Phạm Xuân Phú, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Văn Hưng và tiền đạo Phan Anh Tuấn.
Phiên tòa xét xử vụ án diễn ra ngày 25/8/2014, trong đó cầu thủ Trần Mạnh Dũng phải chịu mức án nặng nhất 30 tháng tù giam, tám cầu thủ còn lại được hưởng án treo. Sau đó, VFF đã đưa ra mức án cấm thi đấu bóng đá vĩnh viễn đối với cả chín cầu thủ này.