Để rồi sau này, khi tiền hết, cuộc đời của ông cũng khép lại bằng cái chết tức tưởi. Ít người biết, trong chuỗi ngày mạt vận này, khi những kẻ ngày trước cùng “chén chú chén anh” đều lặn không tăm tích, chỉ duy nhất bà Đặng Thị Cát (vợ ông) mở lòng đón nhận “tỷ phú sa cơ”. Đến lúc trở về với đất, bà Cát cũng lại một tay lo liệu chu toàn cho chồng mà không một lời oán thán.
Tâm sự đau đớn của người vợ bất hạnh
Không may gắn đời cùng người chồng chả ra gì, bà Đặng Thị Cát (SN 1962, ngụ phường Phước Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) từng có lúc muốn buông xuôi tất cả. Trong một thoáng nhớ về quá khứ, người phụ nữ tội nghiệp ấy như muốn vỡ òa cảm xúc, đau đớn trước nỗi niềm: “Chồng trúng số 7 tỷ mà vợ con chẳng được nhờ”.
Bà Cát vốn xuất thân từ gia đình nề nếp, được ăn học đàng hoàng. Ngày phải lòng ông Lộc, bà đã bị cả cha mẹ, anh em phản đối kịch liệt vì “không môn đăng hộ đối”. Nhưng vì chạy theo tình yêu, bà cãi lời mẹ cha, thậm chí bỏ việc rồi trốn khỏi nhà cùng ông Lộc ra ngoài Phan Thiết. Suốt thời gian lưu lại đây, bà Cát chẳng biết làm gì mưu sinh. Để có cái ăn, ai thuê gì bà cũng nhận. Còn ông Lộc, ngày ngày cặm cụi sửa đồng hồ bên vỉa hè. Một năm sau, bà vác cái bụng lặc lè đi làm, nhưng dần dần không ai thuê, bà đành ở nhà sinh con. Đến năm 1985, hai “vợ chồng” mới trở về Bình Dương sinh sống.
Nhờ tiền bán đất của cha mẹ, bà Cát mới cất lại được dãy nhà ở khang trang hơn. |
Cuộc sống nghèo mạt cứ thế êm đềm trôi đi cho đến cái ngày ông Lộc đột nhiên trúng số. Mừng rơi nước mắt đợi chồng đi lĩnh thưởng, bà đã hụt hẫng biết bao trong giây phút ông Lộc mang tiền về rồi giấu biệt tăm. Cho đến tận bây giờ, bà Cát vẫn không thể quên nổi giây phút cay đắng: “Ông ấy đem về mấy cọc tiền được gói cẩn thận rồi cất trong tủ và giấu chìa khóa đi. Lúc đi ra khỏi nhà, ông còn đe vợ con: “Ai mà lấy của tao, tao chặt tay cho cùi luôn à nghen”. Lúc đó, tôi chết đứng như trời trồng. Không ngờ vừa có của ăn của để, ông ấy lại trở mặt với vợ con nhanh như vậy”.
Từ ngày có tiền, bà Cát cay đắng chứng kiến chồng lột xác thành con người khác. “Trong vỏn vẹn 60 ngày, ông ấy trúng ba lần, tổng cộng 55 tờ vé số độc đắc. Ở thời điểm năm 2000, tổng số tiền gần 7 tỷ đồng mà ông ấy nhận được quy ra khoảng 1.300 cây vàng. Sẵn tiền, ông hào phóng mua liền một lúc 5 chiếc xe máy loại xịn tặng bạn bè và một chiếc xe hơi cho mình. Cả một đám lâu nhâu khác, cứ kẻ nào nịnh hót vừa tai là ông ấy rút tiền, cho cả xấp”, bà nhớ lại. Lúc đó, nghe người đời dè bỉu, bà đã nhiều lần xa gần góp ý. Nhưng đêm hiếm hoi ông về nhà ngủ, bà Cát lại nước mắt dài mong chồng đưa đứa con gái đầu lòng bị tật nguyền đi điều trị. Nhưng đáp lại, ông phán lạnh tanh: “Bệnh lâu rồi, giờ bỏ tiền ra chữa có khỏi đâu”, kể đến đây, bà Cát khẽ lấy vạt áo lau dòng nước mắt. Cực chẳng đã, người vợ lại phải năn nỉ, xin chồng hãy bỏ ra chỉ 20 triệu đồng gửi ngân hàng, sau này rút lấy lãi nuôi con. Thế nhưng, ông ấy cũng chẳng thèm đoái hoài.
“Người ta đồn đủ thú chuyện về những trò ăn chơi đàn đúm của ba tôi. Nào thì sáng lân la các quán cà phê rồi chở mấy cô bồ nhí đi đập phá. Nào thì chuyện ông mua súng, giắt theo người qua tận Campuchia đánh bạc. Mẹ con tôi cũng chỉ biết vậy thôi”, chị Phượng (con gái bà Cát) nghẹn ngào. Nhớ lại những tháng ngày nghèo khó, gia đình vợ từng cho ông Lộc 200 m2 đất ở gần đình Phú Thuận (P. Phước Lơi, TP Thủ Dầu Một) để cất nhà. Nhưng trúng số cả tỷ bạc, ông cũng chỉ dựng căn nhà tuềnh toàng, chưa kịp hoàn thiện đã bỏ dở. Nhớ đến cái ơn của bậc sinh thành, lúc thấy mẹ vợ đau ốm, ông cũng rút tiền hai lần, mỗi lần… 500 ngàn đồng sang biếu cụ thuốc men. Nghĩ về đứa con rể “trần gian có một”, cụ Ba (mẹ vợ ông Lộc – PV) thở dài: “Thằng Lộc tiêu tiền như nước mà toàn là những việc chẳng đâu vào đâu. Hết đánh bài, nó lại đem tiền cho mấy cô nhân tình. Vậy mà một căn nhà tử tế cho vợ con, giá có xây cũng tốn vài chục triệu bạc, nó cũng không chịu”.Nghẹn lời thứ tha
Ngày ông Lộc trúng số, đứa con trai út mới lên 2 tuổi. Thấy ông bỏ đi theo bồ nhí, bà Cát cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không muốn con cái lớn lên thiếu vắng tình cảm người cha. Từ sâu trong tâm khảm, bà vẫn tin những chuyện vừa xảy ra chỉ là nhất thời nông nổi. Rồi đây, ông Lộc sẽ trở về, cùng bà nuôi dạy đàn con thơ dại nên người. Thế nhưng, thời gian trôi qua, hy vọng ấy càng ngày càng trôi xa theo cái lườm nguýt, theo tiếng chửi bới phũ phàng của người chồng bội bạc.
Bà Thừa cũng cảm thương khi nói về tình cảnh của bà Cát. |
“Nhưng rồi, ngày vàng son của ông ấy cũng không kéo dài được bao lâu. Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng ông Lộc thất thểu trở về trong bộ dạng thảm hại, người gầy rộc. Vừa bước vào nhà, ông ấy đã nằm vật xuống, hai mắt lờ đờ. Nghỉ ngơi được một ngày, ông ấy lại mở tủ, định lấy tiền đi chơi. Nhưng sau ba năm tiêu xài thả cửa, gần 7 tỷ bạc không còn lại một cắc. Không hiểu sao, lúc ấy tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi đã mong, hết tiền rồi, ông Lộc sẽ trở lại làm lụng, sống cuộc sống bình thường”, bà Cát tâm sự.
Buồn thay, cái ngày mà người vợ tội nghiệp ấy mong đợi đã chẳng bao giờ tới. Trở về bên gia đình, ông Lộc như người mất hồn, tối ngày rượu chè bê tha. Bao nhiêu tiền sửa đồng hồ kiếm được, ông cũng chỉ giữ cho riêng mình. Ngày hai bận, ông chờ đến bữa thì lết về ăn nhờ vợ. mỗi lần ai đó nhắc đến chuyện xưa kia hoang phí tiền vé số, ông Lộc lại chửi bới, gây gổ rồi về nhà bạo hành vợ con. Tủi hờn quá, bà Cát đành bỏ mặc ông, dắt díu đàn con về lại ngôi nhà tuềnh toàng trước đây xây dở sống tạm bợ. Ít lâu sau, bà biết chuyện chồng đâm người khác bị thương và đi biệt xứ. Sau đận đó, bà không còn bất kỳ mối liên hệ nào với chồng. Kể từ ngày ấy, mấy mẹ con bà nương tựa vào nhau mà sống. Xấu hổ trước những lời xầm xì, bà phải gắng gỏi vượt qua, đi mua bán ve chai để nuôi đàn con. Đứa con gái thứ hai cũng phụ mẹ chăm lo gia đình, đi giữ trẻ cho một trường mầm non gần nhà.
Năm 2008, bà nhận được tin ông Lộc bị tai nạn qua đời. Giọng đau đớn, bà kể: “Lúc nghe tin chồng chết, tôi như chết sững. Ông ấy dù bạc hạnh cũng là cha của ba đứa con tôi. Vợ chồng một ngày nên ngãi, huống chi tôi và ông ấy sống với nhau hơn hai mươi năm trời, tôi không thể làm ngơ được”. Ngay ngày hôm ấy, bà tất tả lên nhận xác chồng và lo liệu hậu sự đâu vào đấy. “Đám tang ông ấy, những kẻ trước đây xu nịnh, những cô bồ nhí từng được cho cả nắm tiền, vàng chẳng thấy bóng một ai. Bên cỗ quan tài, những giọt nước mắt tiếc thương đều là của mấy mẹ con. Ông Lộc ra đi cay đắng quá. Đó, âu cũng là cái giá phải trả sau những gì ông ấy đã làm. Còn bản thân tôi, tôi chẳng trách hờn gì thêm nữa. Tôi chỉ mong ông ấy ra đi thanh thản”.
Chồng ra đi, chuỗi ngày vất vả cay cực của mấy mẹ con bà vẫn nối dài đằng đẵng. 7 tỷ đồng trúng số, ông Lộc đã phá tan tành. Mỗi sáng sớm lục tục dậy chuẩn bị đi gom ve chai, bà lại ứa nước mắt nhìn đứa con gái bị tật nguyền. “Giá như ngày ấy, ông Lộc chi tiền cho nó đi chữa trị, có lẽ cuộc đời nó không khổ như bây giờ. Tôi nhớ có lần, một chàng trai tốt bụng từng đến tìm hiểu rồi đem lòng thương yêu nó. Nhưng đến khi gia đình bên kia tới dạm hỏi, họ nhìn thấy đôi chân con bé là lắc đầu bỏ về. Nghĩ mà thấy đau lòng, con tôi nó chẳng có tội tình gì cả”.
Cám cảnh cho cuộc sống của cô con gái và ba đứa cháu ngoại, cụ Ba buông tiếng thở dài não nuột: “Trước đây khi chưa gặp thằng Lộc, cuộc sống của nó cũng không đến nỗi nào. Vậy mà từ lúc lấy chồng, con gái tôi đúng là trăm bề khổ. Con gái mười hai bến nước, “trong nhờ đục chịu” thôi. Cũng may, đằng nội nhà thằng Lộc rất thương con dâu. Mỗi lần lên thăm thấy mấy mẹ con nó sống khổ quá, mẹ chồng lại mua cả gạo cho nữa”.
Bẵng đi chừng ấy năm, kể từ ngày ông Lộc ra đi, cuộc sống hiện tại của mấy mẹ con bà Cát mới dần được cải thiện hơn. Bà Thửa (71 tuổi), hàng xóm sống đối diện, cho biết: “Năm 2012, sau khi bán đi phân nửa số đất được thừa hưởng từ cha mẹ ruột, bà Cát đã cất lại ngôi nhà ọp ẹp. Bên cạnh đó, bà còn cho xây một dẫy kiốt cho thuê. Giá như dạo trước, ông Lộc giữ lại dù chỉ một phần cho vợ con, thì cuộc sống của họ bây giờ chắc đã hạnh phúc lắm. Cuộc đời, đúng là chẳng biết đâu mà lần”.