Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống kỳ thị - đừng phủi tay bằng cách đổ cho bản chất con người

Khi một vài cá thể thất bại, đó có thể là lý do cá nhân. Khi cả một cộng đồng có chỉ số trung bình thất bại, đó là vấn đề văn hóa và hệ thống.

Những ngày qua, nước Mỹ rung động bởi các cuộc biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc. George Floyd, người đàn ông da màu được cho là bị cảnh sát trấn áp, đè gối lên cổ trong suốt gần 9 phút, dẫn đến tử vong. Sự việc xảy ra ở Mỹ gây chia rẽ lớn trong dư luận.

Một bộ phận nhỏ cho rằng vấn đề kỳ thị đang bị thổi phồng, thậm chí cho rằng một số cộng đồng đáng bị khinh ghét vì họ mang trong mình nhiều tính xấu.

Trong loạt bài viết 3 kỳ, PGS.TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) phân tích những vấn đề nêu trên từ biên độ rộng hơn để bạn đọc rút ra kết luận cho riêng mình.

Một số thông tin trong bài viết được trích dẫn từ cuốn sách mới xuất bản của tác giả "Cross-Cultural Management with Insight from Brain Science" (Quản trị đa văn hoá và các đóng góp của ngành thần kinh não bộ).

Giải pháp đầu tiên là không chối bỏ sự thật rằng chúng ta sinh ra không bình đẳng về mặt cơ hội.

Môi trường giáo dục tốt, gia đình hạnh phúc, có điều kiện tập thể thao và phát triển kỹ năng, bố mẹ có sự nghiệp thành công... sẽ giúp con cái họ tiếp cận nhiều mối quan hệ có lợi hơn.

Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, biết gì không quan trọng bằng biết ai. Đó là lý do tại sao những tỷ phú tự thân luôn được ngưỡng mộ hơn những người giàu kiểu cha truyền con nối.

Chúng ta, về mặt DNA, cơ bản giống nhau (99,9%). Vì vậy, bất kỳ sự khác biệt trung bình nào về trí thông minh, sự thành đạt, độ lười biếng, xu thế bạo lực… của cộng đồng chủ yếu là sản phẩm của hệ thống văn hoá xã hội.

Thậm chí, hai em bé song sinh cùng trứng (100% DNA giống nhau) được nuôi dưỡng ở hai đất nước khác nhau, sẽ trở thành hai cá thể khác hẳn nhau.

Điều đó cũng có nghĩa khi ta phê phán, công tâm nhất là phê phán hành động, chứ không phải con người.

Đổ lỗi cho bản chất con người là cách phủi tay để ta không phải nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề: Những lỗ hổng trong hệ thống. Đó có thể là các chương trình phúc lợi xã hội kém hiệu quả, chính sách hỗ trợ kinh tế yếu kém, hệ thống pháp luật sơ hở, bệ đỡ văn hoá lỏng lẻo, hay sự thất bại của lực lượng chấp pháp.

van nan ky thi anh 1

Sự đổi thay bền vững nhất là phương cách quản lý tổ chức xã hội và văn hoá chứ không phải đổ tội cho con người không có ý chí đổi thay. Ảnh minh họa: The Guardian.

Vì “hệ thống” là vấn đề trừu tượng và khó hiểu, lên án, phê phán và biểu tình chống lại một hệ thống đòi hỏi sự hiểu biết nhất định. Cách dễ hơn cả là chĩa mùi dùi vào nhóm người cụ thể trong vai trò con dê tế thần, với niềm tin ngây thơ rằng khi con dê chết thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Ví dụ, lỗi không phải chính sách di cư kém mà là dân di cư xấu. Các nhà lãnh đại dân tuý rất ưa dùng chiêu này vì họ có thể giấu giếm sự yếu kém trong quản lý bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân hoặc nhóm người bị coi là "dê tế thần".

Chấp nhận thực tế bất bình đẳng cơ hội cũng tức là chấp nhận rằng, sự đổi thay bền vững nhất là đổi thay phương cách quản lý tổ chức xã hội và văn hoá, chứ không phải đổ tội cho con người không có ý chí đổi thay. Ví dụ, những người nông dân thời hợp tác xã khi đất nước mạnh dạn đổi mới với khoán 10 đã đổi thay ngoạn mục, làm việc hết sức mình.

Khi một vài cá thể thất bại, sự thất bại ấy có thể là lý do cá nhân. Nhưng khi cả một cộng đồng chỉ số trung bình thất bại, đó là vấn đề văn hoá và hệ thống. Thay đổi văn hoá và hệ thống rất khó, nhưng là điều có thể.

Trở lại câu chuyện của George Floyd, sự kiện này dẫn tới một khoảnh khắc lịch sử tại nơi tôi đang sống. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chỉ mới năm trước còn cho rằng hồ sơ xin việc không đề tên (blind hiring) để tránh kỳ thị là điều ngớ ngẩn, thì hôm rồi đã chính thức công nhận kỳ thị xảy ra một cách - có - hệ - thống tại Hà Lan.

Khá ngạc nhiên vì Hà Lan thường bị phê phán là "dồn rác giấu dưới thảm", khuất mắt trông coi mỗi khi động đến các vấn đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc. Ông Mark Rutte lên điểm sau tuyên bố đó.

Bởi chấp nhận đối mặt sự thật là bước quan trọng nhất để thay đổi tích cực thay vì đổ tội cho nạn nhân. Vậy thay đổi hệ thống như thế nào và mỗi chúng ta có thể làm gì để đóng góp cho sự thay đổi đó?

Kiến tạo sự an toàn

Phần một của loạt bài này giải thích rằng một trong hai nguồn gốc của kỳ thị bắt rễ sâu xa từ lòng yêu thương bầy đàn của chính mình mà đâm ra thù ghét và sợ hãi bầy đàn khác.

Trong câu chuyện của George Floyd, do yếu tố lịch sử, nước Mỹ có một thứ văn hoá khá đặc biệt là văn hoá súng đạn, gần như ai cũng có quyền mua súng.

Tỷ lệ nghi phạm bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ (46/10 triệu người) cao ngang hoặc hơn các nước độc tài và nội bộ xung đột, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu thường duới 5.

Sự kỳ thị cộng đồng da đen cộng với văn hóa súng đạn khiến cảnh sát dễ dàng nổ súng và mạnh tay với người da đen hơn cũng vì họ sợ. Chỉ cần chậm một phần mấy của giây thôi, kẻ ngã xuống chính là cảnh sát. Sự thay đổi về mặt hệ thống cho nước Mỹ có lẽ bắt đầu theo gương Australia và New Zealand, là kiến tạo sự an toàn và dần dần thay đổi văn hoá súng đạn chăng?

Nỗi sợ cũng bắt nguồn từ sự phân chia lại cơ hội - nền tảng của sự bất công quyền lực (power structure) tích tụ theo chiều dài lịch sử. Hình minh hoạ sau nói về sự khác biệt giữa "cào bằng" và "công bằng".

Trong một xã hội bất công về cơ hội, nếu ta đối xử cào bằng, ai cũng được hỗ trợ y như nhau (all lives matter), người yếu đuối sẽ muôn đời yếu đuối, người giàu có và quyền lực sẽ muôn đời giàu có và quyền lực.

Vậy nên, nước nào cũng có các chính sách ưu tiên (affirmative action) cho một số bộ phận dân chúng cần hỗ trợ để nhanh chóng đuổi kịp các tiêu chí chung của xã hội.

van nan ky thi anh 2

Trong một xã hội bất công về cơ hội, nếu ta đối xử cào bằng, ai cũng được hỗ trợ y như nhau (all lives matter), người yếu đuối sẽ muôn đời yếu đuối, người giàu có và quyền lực sẽ muôn đời giàu có và quyền lực. Ảnh: Story-Based Strategy.

Tuy nhiên, chính sách ưu tiên đôi khi cũng khiến những kẻ mạnh cảm thấy nguồn lực của chính mình bị san sẻ không công bằng. Đó là khi chiếc hộp mà gã cao to trong ảnh đang đứng bị kéo tuột sang cho gã thấp bé bên cạnh. Chính sách ưu tiên, nếu không có sự hiểu biết và đồng thuận từ xã hội, sẽ tạo ra cảm giác bất công, như đứa con cưng bỗng dưng bị cho ra rìa.

Ví dụ, khi tranh cử, ông Trump thu hút được khá nhiều phiếu từ một bộ phận nam giới da trắng Mỹ cảm thấy những cơ hội của họ đang dần dần bị "đánh cắp" bởi những kẻ mà trước đây vốn chỉ là cái bóng của chính mình: Người da màu, người nhập cư, phụ nữ, người trẻ tuổi, các sắc dân thiểu số có học.

Họ chưa bị thuyết phục bởi những lợi ích mà đa văn hoá đem lại. Họ cho rằng những cơ hội mà họ (có nguy cơ) bị mất không phải là sự dịch chuyển tất yếu của một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà là do bị nẫng tay trên.

Đó chính là lý do ông Trump chủ yếu được giới trung lưu ủng hộ, chứ không phải đại đa số lao động nghèo. Nghèo thì chả có gì để mất. Nhưng trung lưu mà sợ biến thành nghèo thì sẽ dễ bỏ phiếu cho ông ta hơn.

Đây cũng là bối cảnh của nhiều công ty đa quốc gia khi những chiếc hộp được phân chia lại. Nhưng ít ai kịp để ý đến sự hậm hực của những gã đàn ông da trắng vốn quen thấy mình luôn ở vị trí cao chót vót bỗng dưng thấy sợ hãi vì dân da màu và phụ nữ có thể thay mình lên nắm quyền, dù giỏi, nhưng vẫn bị cho là ngoi lên đỉnh nhờ sự bất công (cái hộp- cái hộp). Họ cũng không thể đàng hoàng gọi tên cái hộp vì sợ gắn mác phân biệt.

Để giải quyết tận gốc mọi vấn đề, chúng ta cần hỏi tại sao lại cần những cái hộp? Tại sao lại cần sự cơ cấu có bao nhiêu phụ nữ hay người thiểu số trong ban lãnh đạo? Tại sao một nhóm người lại được hưởng trợ cấp xã hội và ưu tiên? Thật ra, việc tồn tại những cái hộp là do có cái HÀNG RÀO. Nếu cái hàng rào còn, những cái hộp sẽ còn, và bao nhiêu cũng không đủ.

Vì vậy, giải pháp bền vững nhất là giữ các chính sách ưu tiên nhưng đồng thời phải hướng tới giải quyết bất công quyền lực và cơ hội (power structure), tiến tới bỏ chính sách ưu tiên khi bình quyền được thiết lập. Những hàng rào cần phá bỏ bao gồm kỳ thị văn hoá vùng miền, kỳ thị giới, kỳ thị tuổi tác, kỳ thị sức khoẻ, kỳ thị xuất thân...

Đoàn kết thay vì chia rẽ, dùng lợi ích thay vì dùng sự sợ hãi

Phần một của loạt bài giải thích rằng xu hướng bảo vệ và hy sinh cho cộng đồng của chính mình mạnh đến mức ta có thể vì yêu thương bầy đàn mình quá mà thành thù ghét kẻ khác.

Tuy nhiên, thú vị là con người cũng rất dễ dàng nhập bầy đàn mới hoặc thay đổi bầy đàn. Chia một nhóm người thành hai, đưa cho mỗi bên một cái vòng tay có màu sắc khác nhau là chỉ một lúc sau, đội đỏ đội xanh sẽ cạnh tranh với nhau.

Chính vì thế, phương pháp bền vững nhất để xoá bỏ kỳ thị là tạo ra môi trường để những người ghét nhau được ở bên nhau, làm việc, giao tiếp trong một team, hoặc tốt nhất là đấu tranh cho mục đích chung như cùng hoạt động vì môi trường, hoặc để hoàn thành dự án công việc... Điều này đúng kể cả với những kẻ mang trong mình thù hận từ ngàn đời.

van nan ky thi anh 3

Phương pháp bền vững nhất để xoá bỏ kỳ thị là tạo ra môi trường để những người ghét nhau được ở bên nhau, làm việc, giao tiếp trong một team... Ảnh: Mai Minh Hồng.

Những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm nhất cũng là người chuyển đi thông điệp đoàn kết. Họ chỉ ra lợi ích của sự đa dạng thay vì dùng sự sợ hãi để kích động lòng trung thành.

Với tư cách cá nhân, đó cũng là điều mỗi chúng ta có thể làm. Đối mặt với hỗn loạn và căm ghét, mỗi lời nói hay hành động của bạn đều có thể truyền đi thông điệp chia rẽ hoặc hàn gắn.

Liên quan sự kiện George Floyd, hãy đọc lại những post gần đây nhất của mình và tự vấn bản thân, những lời bạn nói có năng lượng gì, tạo thêm hằn thù hay kiến tạo sự chung tay?

Đương nhiên, ta hoàn toàn có thể lên tiếng chỉ để thoả mãn cái tôi và chính kiến cá nhân. Nhưng một mục đích nhân văn hơn, vị tha hơn, đó hẳn là lên tiếng với tư cách người hàn gắn vết thương.

Điều này thật khó khăn, nhất là khi ta phải chứng kiến mặt trái của phong trào với bạo lực và cướp bóc. Càng khó khăn hơn nếu như chính cửa hàng của gia đình ta từng bị phá hoại.

Liệu ai có thể gạt qua một bên và coi đó là bom rơi đạn lạc? Liệu ai vẫn một lòng ủng hộ quyền bình đẳng của người thiểu số vì họ hiểu rằng thắng lợi của người da đen cũng có nghĩa là thắng lợi của cộng đồng da màu? Liệu ai có thể nhìn xa tới mức hiểu rằng những thay đổi có tính hệ thống mà phong trào da đen gặt hái được sẽ đem lại quyền lợi cho mọi cộng đồng thiểu số?

Chúng ta không nên quên rằng chính người da đen đã đấu tranh cho nhiều sắc dân tị nạn được nhập cư vào Mỹ. Họ đã trả giá bằng máu và sinh mạng cho những quyền bình đẳng cơ bản mà người da màu ngày nay đang tận hưởng. Cuộc chiến ấy chưa kết thúc, quá khứ chưa khép lại. Và đoàn kết sắc tộc chính là giải pháp bền vững nhất để có một tương lai mà kỳ thị màu da không còn chỗ đứng trong xã hội đa văn hoá như Mỹ.

Và bởi trên đời còn có những tấm lòng nhân hậu và khả năng tập trung đại cục đến mức như vậy, nên chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng cuộc chiến chống kỳ thị dù dai dẳng, thậm chí có bạo lực không mong muốn, nhưng rõ ràng đang tiến những bước dài.

Mỗi cá nhân chúng ta đều góp phần trong đó, là kẻ thờ ơ đi qua, là hòn đá cản đường hay người chạy tiếp sức.

Nếu ta còn băn khoăn, thì hãy nhớ rằng giá trị của một con người đôi khi không phải là khả năng của họ, mà là điều họ phải khó khăn lựa chọn.

Ai cũng có thể bị kỳ thị, là nạn nhân của định kiến

Sống trong một xã hội nhiều định kiến, mỗi cá nhân ở trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng của não bộ để đấu tranh chiến thắng cảm xúc lo âu.

Nguyễn Phương Mai

Bạn có thể quan tâm