Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn là 1.559,8 tỷ đồng, giảm lỗ 4.720 tỷ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tình trạng chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI là phổ biến và thiệt hại đối với nguồn thu ngân sách về nghiêm trọng.
Bên cạnh thiệt hại đối với ngân sách, theo ông Doanh, tình trạng này cũng tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước. Vì các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ hơn, nguồn vốn ít hơn, nhưng lại không được ưu đãi như các doanh nghiệp FDI về mặt bằng, tiền thuê đất…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Doanh cho rằng, một phần do các lỗ hổng pháp luật đã tạo điều kiện cho cho các doanh nghiệp thực hiện "thủ đoạn" trốn thuế, trong đó chủ yếu là hành vi chuyển giá.
"Họ nâng giá đầu vào mà các công ty mẹ bán cho các công ty con ở Việt Nam lên mức rất cao, mua lại các sản phẩm của công ty con sản xuất ở Việt Nam với một mức giá rất thấp, để cho công ty con ở Việt Nam không có lãi và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, khi công ty mẹ có trụ sở ở một nền kinh tế có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hẳn, chẳng hạn, ở Hồng Kông, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 15%. Và công ty được lợi bằng cách chuyển toàn bộ lợi nhuận vào công ty mẹ và hưởng mức thuế thấp.
Một thủ đoạn khác được phát hiện, đó là công ty con phải chịu chi phí quảng cáo không chỉ ở công ty con Việt Nam, mà còn chịu cả phần chi phí quảng cáo của công ty mẹ.
"Có công ty như Adidas phải chịu chi phí quản lý của quá nhiều cấp. Adidas Việt Nam chịu phí quản lý của Adidas châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, và chi phí của Adidas ở Đức", ông Doanh lấy ví dụ.
Để xảy ra tình trạng này, ông Doanh cho rằng, cơ quan thuế của Việt Nam đã chậm phát hiện các thủ đoạn chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, ông Doanh khuyến nghị các luật về thuế và phí của Việt Nam cần được bổ sung và hoàn chỉnh, để có thể xử lý được những thủ đoạn đã được phát hiện.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, việc chuyển giá diễn ra khá phổ biến và ở nhiều nước, ngay cả những nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển, bộ máy giám sát có tính chuyên nghiệp cao cũng vẫn phát hiện ra được những vụ trốn thuế, lậu thuế lên tới hàng tỷ USD, và mức phạt là rất cao.
Không chỉ xuất hiện ở các hãng bán lẻ hay sản xuất bia, nước ngọt, mà xuất hiện cả ở các ngân hàng và các công ty tài chính, và việc phát hiện, xử lý là hoàn toàn không dễ dàng, vì các công ty đó có các chuyên gia về tài chính - kế toán rất thành thạo.
Ông Doanh cho biết, những doanh nghiệp này họ đã có sự nghiên cứu, so sánh thuế từng nước, luật kế toán từng nước để tìm và tận dụng mọi lỗ hổng. Vì vậy, cần có một chuyên đề về đối phó với chuyển giá và trốn thuế để nâng cao trình độ, kỹ năng đối phó với tình trạng này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có nghiên cứu tổng kết các biểu hiện, các phương pháp, các hình thức chuyển giá và trốn thuê thu nhập doanh nghiệp, tổ chức hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của các nước có trụ sở của công ty mẹ, để có biện pháp phòng ngừa, bổ sung sửa đổi những quy định pháp luật bảo đảm thu đúng, thu đủ đối với doanh nghiệp FDI.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận được với những số liệu mà công ty mẹ báo cáo với nước chủ nhà, có phân tích, đối chiếu với những số liệu của chi nhánh hoạt động ở Việt Nam, để phát hiện ra những lỗ hổng như nâng giá đầu vào, dìm giá sản phẩm đầu ra của chi nhánh ở Việt Nam, phân bổ những chi phí không hợp lý về quảng cáo và quản trị để tạo ra tình trạng thua lỗ nhiều năm.
"Việc tìm ra việc trốn thuế, chuyển giá của các công ty nước ngoài là một cuộc đấu trí của hai bên thu thuế và nộp thuế. Bên nào trí tuệ, “võ nghệ” cao cường hơn thì bên đó sẽ thắng", ông Doanh kết luận.