Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Chồng bạo hành vợ và sự tàn nhẫn của lời khuyên ‘hãy nhịn vì con’

Muốn bạo lực gia đình không tiếp diễn thì hãy chấm dứt coi đó là “chuyện trong nhà”. Đừng đặt sự ổn định hình thức ở gia đình lên trên an toàn của người phụ nữ.

vo su Nguyen Xuan Vinh danh vo anh 1

Chồng bạo hành vợ và sự tàn nhẫn của lời khuyên ‘nhịn vì con’

Muốn bạo lực gia đình không tiếp diễn thì hãy chấm dứt coi đó là “chuyện trong nhà”. Đừng đặt sự ổn định hình thức ở gia đình lên trên an toàn của người phụ nữ.

vo su Nguyen Xuan Vinh danh vo anh 2

vo su Nguyen Xuan Vinh danh vo anh 3

Khuất Thu Hồng

Nhà nghiên cứu

TS Khuất Thu Hồng tốt nghiệp khoa Tâm lý trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow năm 1984 và lấy bằng tiến sĩ Xã hội học tại Viện Xã hội học năm 1997. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hoà nhập xã hội cho các nhóm thiệt thòi. Bà từng công tác tại Viện Xã hội học và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Từ năm 2003 đến nay, bà là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).

Người chồng thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục… vào nạn nhân trước mặt con nhỏ. Camera ghi lại; cộng đồng mạng phẫn nộ, lên án. Người vợ rút đơn tố cáo, xin hoà giải.

Đó là diễn biến chính của vụ việc nữ nhà báo trẻ vừa sinh con bị người chồng “võ sư” bạo hành. Và chắc chắn, rất nhiều vụ bạo hành khác diễn ra trên khắp Việt Nam cũng sẽ theo mô thức quen thuộc này.

Trong vụ việc mới nhất, dư luận lên án hành động của người chồng vũ phu và ra sức bảo vệ, thương cảm với người phụ nữ trẻ. Thế nhưng khi người phụ nữ này quyết định rút đơn tố cáo và hòa giải, không ít ý kiến trái chiều lại xuất hiện.

Điều gì khiến cho các nạn nhân chấp nhận trở lại với con người mà họ thừa biết là có thể sẽ tiếp tục hành hạ mình?

Có người nói “sao dại thế, chồng đánh đập tàn bạo như vậy còn chấp nhận hòa giải?”, hoặc “cứ nhẫn nhịn thế thì còn bị bạo hành nhiều”.

Mặt khác, cũng có quan điểm bày tỏ sự cảm thông “người vợ làm thế là vì nghĩ đến con, nghĩ đến gia đình”, hay “dù sao cũng là chồng mình, bố của con mình, nên tha thứ được thì tha thứ”.

Thực ra, đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Phần lớn các vụ bạo hành nghiêm trọng như vậy hoặc hơn thế lại kết thúc bằng “hoà giải”, bằng “rút đơn và quay về”. Điều gì khiến cho các nạn nhân chấp nhận trở lại với con người mà họ thừa biết là có thể sẽ tiếp tục hành hạ mình?

“Nhịn vì con”

Cho dù địa vị của phụ nữ Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhưng đó là so với thế hệ các bà các mẹ của họ. Bây giờ vẫn vậy, người phụ nữ luôn đứng sau đàn ông.

Khi còn nhỏ, họ thường phải nhường anh trai, em trai. Khi lấy chồng, có con thì chồng con luôn đứng trước. Nhưng thử hỏi, nếu người mẹ bất hạnh thì những đứa con có hạnh phúc được chăng?

Vậy mà, trong hầu hết trường hợp bạo hành, con cái thường được đưa ra làm mục đích hòa giải, để dập tắt mọi phản kháng của người phụ nữ. Nhưng có ai nghĩ cuộc sống với một người cha bạo lực, liệu những đứa trẻ có thể lớn lên bình yên?

Về lâu dài, những đứa trẻ chứng kiến bạo hành gia đình có nguy cơ rơi vào "vòng xoáy bạo lực" khi trưởng thành.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ phải thường xuyên chứng kiến bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân của sự lạm dụng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài.

Những đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ hay ngược lại cũng có nguy cơ bạo lực cao hơn trong các mối quan hệ tương lai. Chúng có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Chúng luôn cảnh giác, tự hỏi khi nào vụ bạo lực tiếp theo sẽ xảy ra.

Những đứa trẻ đó có thể tham gia vào các hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng rượu hoặc ma túy. Chúng cũng hay mặc cảm và thường gặp khó khăn trong việc kết bạn.

Không ít đứa trẻ như vậy hay đánh nhau, bắt nạt người khác. Về lâu dài, những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình thường xuyên có bạo hành dễ rơi vào "vòng xoáy bạo lực" khi trưởng thành.

Một cậu bé thường xuyên nhìn thấy mẹ bị bố bạo hành có khả năng lạm dụng bạn gái/vợ khi trưởng thành cao gấp 10 lần. Một cô gái lớn lên với những trải nghiệm về cha đánh đập mẹ có khả năng bị lạm dụng tình dục cao hơn 6 lần so với cô gái không phải chứng kiến cảnh đó.

Vì "sĩ diện"

Cội nguồn của bạo lực gia đình là bất bình đẳng giới. Cho đến nay tư tưởng “trọng nam khinh nữ”vẫn còn phổ biến nên đàn ông được cho là có quyền “dạy vợ”.

Nhiều người vợ cũng chấp nhận việc bị chồng “dạy” bằng cách thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, coi đó là điều không thể tránh được.

Tâm lý này gây ra một chuỗi nhận thức sai lầm khác, đó là các quan điểm phải “đóng cửa bảo nhau”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, vì “xấu chàng thì hổ ai”.

Có người nghĩ chịu đựng để giữ êm ấm nhà cửa, vì tương lai các con. Để được cho là có “gia đình nề nếp”, họ cắn răng chịu đựng đòn roi, bạo hành.

Cũng với quan niệm như vậy, những người xung quanh như bạn bè, hàng xóm, đoàn thể, thậm chí chính người thân trong gia đình thường khuyên nhủ người phụ nữ “một sự nhịn chín sự lành”, “chín bỏ làm mười”, “chồng giận thì vợ làm lành”, “nhịn cho con cái được nhờ”.

Không ít bậc phụ huynh, dù biết con bị chồng bạo hành vẫn không dang tay ra đón con về với mình mà một mực khuyên con chịu đựng người chồng vũ phu để "gìn giữ gia đình".

Nhiều người thực lòng thương con, lo cho tương lai của con cháu nhưng không phải là không có những bậc phụ huynh chỉ vì sĩ diện, sợ mang tiếng con gái bỏ chồng mà ép con phải kéo dài cuộc hôn nhân bất hạnh.

Tâm lý này tưởng chỉ phổ biến trong xã hội cũ nhưng tiếc thay vẫn không khó gặp thời nay. Trong bối cảnh như thế, cho dù người phụ nữ bị bạo hành muốn tự giải phóng cho mình song không tìm được nơi bấu víu, nương tựa nên đa số phải từ bỏ ý định thoát khỏi cuộc hôn nhân bế tắc.

Nếu tìm người để trách, thì có lẽ chúng ta phải trách cả một lực lượng đông đảo những người xung quanh nạn nhân hơn là trách người phụ nữ đang đau đớn cả về thể xác và tinh thần đến mức cùng quẫn.

Tất cả chỉ mong giữ gìn một gia đình toàn vẹn, dù có phải đánh đổi bằng sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của người phụ nữ. Điều mà ai cũng nghĩ là nhân văn hoá ra phải đánh đổi bằng một giá quá đắt.

Không phải "chuyện trong nhà"

Chúng ta chẳng nên bao giờ làm ngơ trước những cái tát hay xô đẩy lần đầu, vì đó là mầm mống của những việc có thể còn tồi tệ hơn.

Muốn bạo lực gia đình không tiếp diễn thì hãy chấm dứt coi đó là “chuyện trong nhà”.

Cũng đừng bỏ rơi người phụ nữ hoặc “giúp” họ bằng cách khuyên họ chấp nhận. Đừng đặt sự ổn định hình thức ở gia đình lên trên an toàn của người phụ nữ.

Trong hơn 35 năm nghiên cứu về các nạn nhân bạo lực gia đình, chuyên gia người Anh Sandra Horley đã khẳng định: Các vụ bạo hành hiếm khi chỉ xảy ra một lần rồi thôi.

“Chúng ta chẳng nên bao giờ làm ngơ trước những cái tát hay xô đẩy lần đầu, vì đó là mầm mống của những việc có thể còn tồi tệ hơn”, bà Horley cảnh báo. “Hành vi bạo hành luôn là một lựa chọn. Không một nạn nhân nào phải chịu trách nhiệm vì hành động của kẻ bạo hành”, bà kết luận.

Vậy mà ở Việt Nam, người ta vẫn phải chứng kiến cảnh chồng liên tiếp đánh đập vợ dù người phụ nữ bế con nhỏ vừa sinh trên tay. Rồi giữa đường phố, giữa ban ngày, người ta vẫn thấy có người chồng giật tóc, tát vợ túi bụi.

Đáng nói hơn, rất ít khi những người xung quanh tham gia can ngăn bởi trong đầu họ lúc nào cũng có suy nghĩ “chuyện gia đình người ta, xen vào làm gì.” Quan niệm này đã khiến bạo lực gia đình tiếp diễn dai dẳng và người phụ nữ ngày càng chìm sâu trong vòng xoáy ác nghiệt của nó.

Đừng đánh đổi sự bình yên giả tạo

Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề luật pháp. Tiếc thay, việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa hiệu quả. Thử hỏi kể từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, bao nhiêu trường hợp đã bị xử lý?

Đã đến lúc, chúng ta phải rạch ròi giữa tình cảm và luật pháp. Trong những vụ bạo hành, dù người vợ có rút đơn tố cáo hay chấp nhận hòa giải, việc xử lý người chồng vẫn phải được tiến hành, không thể xuê xoa, bỏ qua như hiện nay.

Ở Mỹ, nếu người phụ nữ bị chồng đánh, chỉ cần nhấc điện thoại gọi cảnh sát, vài phút sau người đàn ông có hành vi bạo lực sẽ lập tức bị cách ly với vợ và đưa về đồn. Tại Canada, nếu phụ nữ báo chính quyền là bị chồng tát một cái thôi, người đàn ông đó có thể phải ngồi tù vài năm.

Thế nhưng ở Việt Nam, việc chồng đánh vợ hay bị bỏ qua. Có những địa phương còn làm ngơ trước những lời kêu cứu của nạn nhân; bạo hành gia đình thậm chí còn bị ỉm đi để giữ “hình ảnh” của địa phương.

Bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng tư. Bạo lực gia đình là bạo lực xã hội. Đó là một tội ác, nó cần phải được nhìn nhận như bất kỳ tội ác nào.

Do vậy, ngăn chặn bạo lực gia đình phải là trách nhiệm của toàn xã hội. Đừng thoả hiệp, đừng đánh đổi sự bình yên giả tạo bằng sức khoẻ, nhân phẩm và hạnh phúc thực sự của phụ nữ và trẻ em.

Khuất Thu Hồng

Illustration: Hà My

Bạn có thể quan tâm