Theo AFP, Myanmar đang theo dõi trên tinh thần báo động cao khi số lượng voi bị giết hại trong các khu rừng ở nước này gia tăng theo từng năm, với nhiều ý kiến nói nguyên nhân chính là nạn mua bán da voi.
Thị trường lớn nhất cho các sản phẩm này là Trung Quốc, nơi lớp da rắn và dai được dùng để trị các bệnh về dạ dày và da, hoặc được bán như đồ trang sức dưới hình thức hạt cườm, mặt dây chuyền màu đỏ huyết dụ.
Theo tổ chức thiện nguyện Elephant Family đóng tại Anh, các sản phẩm này được quảng cáo và bán trên mạng càng ngày càng nhiều. Không giống việc săn trộm ngà voi, việc mua bán da voi không phân biệt giới tính, độ tuổi của voi, tạo nên nguy cơ cao hơn với loài vật.
Khoảng 2.000 cá thể voi hoang dã được cho là đang sinh sống tại Myanmar. Ảnh: Xinhua. |
"Điều này có nghĩa là không con voi nào an toàn. Myanmar đang mất quá nhiều voi một cách quá nhanh chóng", quyền giám đốc bảo tồn của tổ chức trên, Belinda Stewart-Cox, nói với AFP.
Elephant Family đã theo dõi nhiều diễn đàn trên mạng, tương tác với những người giao dịch (nhưng không thực sự mua), để tìm hiểu về đường dây cung ứng sản phẩm. Trong số 11 người bán hàng online nói họ biết về nguồn gốc sản phẩm, 9 người cho biết đó là Myanmar và 2 người nói Lào.
Một người bán ở Trung Quốc, với tuyên bố có hạt cườm "thiết kế" làm từ da voi, cho biết cô lấy nguyên liệu từ một thị trấn ở vùng biên Myanmar với nguồn hàng "lâu dài và liên tục".
Biên giới Myanmar - Trung Quốc là nơi diễn ra các hoạt động mua bán động vật hoang dã sôi nổi. Đồ họa: The Economist. |
Khoảng 2.000 cá thể voi hoang dã được cho là đang sinh sống tại Myanmar, quần thể voi lớn thứ hai khu vực sau Thái Lan. Tuy nhiên, do sự quản lý yếu kém cùng tình trạng vô pháp luật ở vùng biên, Myanmar trở thành tụ điểm quan trọng trong hoạt động mua bán động vật hoang dã toàn cầu.
Năm 2017, 59 xác voi được tìm thấy trong rừng Myanmar, tăng mạnh so với số lượng 4 thi thể của năm 2010, theo số liệu chính phủ được trích trong báo cáo của Elephant Family.
Tổ chức phi chính phủ của Anh nói khó để chứng minh 100% hoạt động mua bán da voi nở rộ có liên hệ trực tiếp với việc các vụ bắt trộm gia tăng. Dù vậy, họ cho rằng diễn biến song song này khó có thể có giải thích khác.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi lại cảnh mua bán bột làm từ da voi thông qua các cửa hàng dược liệu truyền thống tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều không rõ là liệu voi châu Á hay voi châu Phi được sử dụng trong các sản phẩm này.