Mua bán từ đồng nát đến vàng bạc
9 giờ sáng, dọc con hẻm 001 chung cư Lý Thường Kiệt vòng sang đường Lý Nam Đế bắt đầu đông người. Trên vỉa hè, trong quán cà phê đầy ắp người ra vào, việc mua bán diễn ra tấp nập. Hàng ở đây chủ yếu đã qua sử dụng; có đủ loại từ đồng nát đến vàng bạc, tuy nhiên nhiều nhất là hàng điện tử như điện thoại, đồng hồ, máy tính… Ông Long, người có hơn chục năm làm nghề mua bán đồng nát ở đây cho biết, chợ trời này có cách đây gần hai mươi năm. “Ban đầu, chợ chỉ có khoảng chục người mua bán đồng nát, thấy làm ăn được nên ngày càng nhiều người về đây kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng mấy năm gần đây, hàng đồng nát mất dần vị thế, thay vào đó là hàng điện tử như điện thoại, máy tính, sạc pin…”, ông Long nói.
Quang, quê Quảng Nam, vào TP.HCM lập nghiệp gần 10 năm. Việc kinh doanh của Quang rất đơn giản. Buổi sáng, anh đến quán cà phê trong khu chợ trời này vừa tranh thủ làm ly cà phê vừa mua bán. Trên chiếc bàn của quán, ly cà phê anh bỏ một góc, còn mặt bàn trưng bày toàn là điện thoại, sạc pin…“Làm nghề này thấy vậy mà không đơn giản, tuy chỉ cần vài triệu đồng có sẵn trong túi để mua đổi hàng, nhưng nếu non tay, yếu mắt nhìn, mua phải hàng dỏm coi như ôm đủ”, anh Quang nói.
Ở chợ trời này, có thể tìm thấy đủ loại hàng. |
Kiểu mua bán lạ đời
Ở quán cà phê, người ra vào mua bán đủ loại, có già, trẻ, sang trọng, dân dã… Họ đến đây buôn bán nhưng có người mang cặp táp, có người mang túi xách, người đeo ba lô, có người thì hai ba túi nilong nhưng bên trong đầy điện thoại, sạc pin… Điểm chung giữa những người này, họ khá am hiểu về điện tử bởi cầm thứ nào lên, họ nói đúng tên, đúng hãng, dòng đời ra năm nào luôn và kể cả hàng nhái, hàng giả…
Anh Mừng, quê ở Thái Nguyên, vào TPHCM làm ăn hơn chục năm nay cho biết, làm nghề này thì khó mà kiếm cơm được bởi thật giả khó biết. Buổi sáng, anh xách một chiếc cặp đen đến quán cà phê này ngồi. Chiếc bàn gần như thuộc về anh bởi ngày nào cũng góc đó anh ngồi từ 9 giờ đến khoảng 3 giờ chiều.
“Ở đây mọi thứ gần như mặc định, không ai giành chỗ của ai, thấy bàn nào có ly cà phê, trên bàn có vài chiếc điện thoại là bàn đó đã có chủ”, anh Mừng nói. Ngồi chốc lát, Mừng đứng dậy, ngó nghiêng rồi cùng xúm lại một nhóm khác, bàn tán xôn xao. Lâu lâu Mừng lại chạy bàn này sang bàn kia, cầm điện thoại này đến điện thoại khác rồi hô giá, gật đầu thì đưa tiền, lắc đầu bỏ xuống chạy đến nhóm khác.
Theo anh Mạnh, quê ở Hà Nội, trong tay anh hiện có khoảng 600 chiếc điện thoại khác nhau. Có những cái từ thập niên 90, cái mới nhất như Ipone 5… nhiều cái biết không dùng được nhưng anh vẫn mua, bởi đó là đam mê. “Ngồi ở đây cả ngày nhiều lúc chỉ mong đủ tiền trả cà phê, kiếm dĩa cơm cho vui chứ làm ăn gì được, toàn là tay chơi chuyên nghiệp về điện tử hết, chẳng qua là mê chơi hàng độc, hàng lạ nên ngồi đây cho xôm tụ đó thôi”, anh Mạnh nói.
Cùng lúc, một cô gái chừng 25 - 27 tuổi, trên tay xách một túi nilong đen đến cầm điện thoại của anh Mạnh lên. Sau một hồi xoay ngang liếc dọc, cô này ra giá 120.000 đồng, anh Mạnh lắc đầu. Ngần ngừ một lúc, cô này lên giá thêm 30.000 đồng, anh Mạnh gật đầu rồi người cầm tiền, người cầm điện thoại là xong. “Con bé này chuyên đi mua xác mấy thứ này rồi về bán lại cho mấy tên sửa điện thoại, ngon ăn có ngày nó kiếm đến vài trăm đó chú”, anh Mạnh nói.