Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ trầu cau hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn

Chợ tồn tại đã hơn nửa thế kỷ trên đường Lê Quang Sung, đối diện bến xe Chợ Lớn quận 6, là chợ bán trầu cau duy nhất còn sót lại của Sài Gòn.

Nói là chợ, nhưng thực tế chỉ còn hơn chục gian hàng tập trung trên một đoạn chưa đầy 100m của đường Lê Quang Sung (giao cắt giữa Chu Văn An và Nguyễn Hữu Thuận), với những người bán hầu hết đều trên 60 tuổi. Điều thú vị là những người bán trầu cau ở đây đều  có tên gọi gắn với mặt hàng mình bán, và thứ tự lớn nhỏ được gọi theo số tuổi của mình, như bà Tám Cau, bà Năm Trầu, bà Sáu Lễ...

Sạp bán trầu cau này đã có tuổi hơn 30 năm.

Bà Sáu Lễ (78 tuổi, ở xã Bà Điểm, Hóc Môn), đã có thâm niên buôn bán tại chợ hơn 40 năm cho biết, vào thời điểm hưng thịnh nhất, chợ Lê Quang Sung có hàng trăm sạp, gánh trầu được bày bán, với quy mô gấp 5 - 6 lần so với hiện nay. Đặc biệt, vào dịp cuối năm là thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội, giỗ chạp, đám cưới thì lượng khách đông đến hàng ngàn lượt người, nhộn nhịp từ 3h sáng đến tối mịt mỗi ngày. 

Còn bà Tám Cau, 69 tuổi, đang tỉ mỉ kết những quả cau cưới, cho biết đã hơn 30 năm gắn bó với khu chợ này.  “Do ngày nay tập tục ăn trầu không còn thịnh như xưa nên người mua rất ít, đa số người ta tìm đến chợ này là để mua trầu, cau phục vụ cưới hỏi, lễ lạt, do vậy mà cả trăm gian hàng trầu cau cứ dần nghỉ hết, chỉ còn lại những người gắn với nghiệp, như tôi".

Những buồng cau cưới được người bán lựa chọn từng trái đẹp kết thành buồng 65 trái hoặc 105 trái, trên mỗi trái cau đều dán chữ hỷ. Một buồng cau cưới chỉ có giá từ 120.000 - 200.000 đồng, giá này đã bao gồm cả trầu. Mua trầu ở đây người mua cũng sẽ được têm cánh phượng miễn phí. 

Cũng theo lời bà Tám Cau, hiện chợ vẫn họp vào các ngày trong tuần, nhưng đông nhất là vào thứ 6 mỗi tuần và dịp Tết. Hàng ngày từ 4h sáng, trầu cau được chở bằng xe máy, xe tải nhỏ, xe thồ đổ về để giao hàng, chợ vắng dần khi bắt đầu nắng lên.

Nguồn cung cấp cau trầu cho khu chợ này cũng khá đa dạng, trước đây các tiểu thương thường lấy cau trầu trực tiếp từ địa danh 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn, vì cau ở đây có quanh năm. Nhưng những năm gần đây, trầu cau Hóc Môn bị đốn dần, không còn đủ cung, nên những tháng cuối năm, tiểu thương phải lấy thêm trầu cau từ Bến Tre, Tây Ninh, Quãng Ngãi... mới phục vụ đủ cho nhu cầu cưới hỏi, lễ tết.

Ngoài trầu cau, chợ còn có cung cấp rượu cưới. Giá mỗi cặp rượu được trang trí đẹp mắt từ 100.000 - 300.000 đồng.   

Từ 4h sáng mỗi ngày là thời gian chợ nhộn nhịp nhất. Trầu cau được chở bằng xe máy, xe tải nhỏ, xe thồ đổ về để giao hàng, chợ vắng dần khi bắt đầu nắng lên. 

Gắn bó với chợ hàng chục năm, nhưng trước tốc độ đô thị hóa, các tiểu thương ở chợ này đang lo lắng đến ngày chợ sẽ bị xóa bỏ, hoặc quy hoạch lại, khi đó, nét đẹp văn hóa này cũng sẽ mất đi.

 

Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm