10h sáng, chị Liên, chủ quầy hàng quần áo, vải vóc rộng 8 m2 tại trung tâm thương mại (TTTM) Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bóc túi hướng dương thứ 2 mời mấy chị em đứng quầy gần đó vừa ăn vừa buôn chuyện. Chị chia sẻ, nếu không có mấy bạn hàng cùng cảnh cố trụ lại thì chị cũng đóng quầy ở nhà với con cho đỡ buồn. “Mang tiếng là chủ ki ốt quần áo trong TTTM nhưng cả tháng tiền kiếm về không đủ để trả các loại phí thuê ki ốt, thuế, an ninh, điện nước”, bà chủ này tâm sự.
Chị Minh Ngọc, một chủ quầy quần áo ở tầng 2 cho biết, các tiểu thương đang kinh doanh tại đây không khác gì "cá mắc cạn". Gần chục năm trước, khi chợ Việt Hưng cũ bị phá dỡ để xây TTTM, các chủ hàng trong chợ không những “mất trắng” ki ốt mà muốn giữ chỗ bán quen còn phải bỏ tiền ra mua vị trí mới. Mức giá lúc đó là 10 triệu đồng/m2 cho hợp đồng 30 năm. Song khoản tiền này mới chỉ là 50% tổng chi phí mua ki ốt 30 năm. Số còn lại được chia đều nộp theo từng tháng.
Chợ Việt Hưng trước kia nổi tiếng sầm uất, đông khách nhất nhì ở huyện Gia Lâm và quận Long Biên (Hà Nội). Từ ngày "lên đời" thành TTTM với hệ thống cầu thang máy, ki ốt khang trang bỗng dưng ế khách. Ảnh: Diệp Sa. |
Chị Ngọc kể, ngày đó, cộng đồng tiểu thương chợ Việt Hưng đã tổ chức bãi thị, phản đối chuyện đập chợ truyền thống, xây TTTM nhưng không thành. “Mấy hôm nay đọc báo mạng, tôi thấy trong Sài Gòn cũng có cảnh tương tự khi có chủ trương phá chợ Tân Bình để xây TTTM. Không biết các tiểu thương Sài Gòn sẽ được đền bù như thế nào và buôn bán ra sao khi chợ thành TTTM. Cứ như Hà Nội thì chán", chị nói.
Theo chị Ngọc, sau khi chợ Việt Hưng "lên đời" thành TTTM, ngoài tiền mua ki ốt, mỗi tháng, các chủ hàng phải trả thêm nhiều loại chi phí khác như thuế, phí dịch vụ điện nước, an ninh, môi trường. Tiền điện giá cao (4.500 đồng/kWh), phí an ninh cũng tính theo diện tích quầy, quầy to 350.000 đồng/tháng, quầy nhỏ khoảng 8m2 là 200.000 đồng/tháng.
"Phí dịch vụ lên tới mấy triệu đồng mỗi tháng mà hàng thì ế ẩm nên hầu như không có thu nhập. Bán quầy không ai mua, đóng cửa hàng thì tiếc cả đống tiền bỏ ra mua chỗ tới 30 năm nên tôi đành cố cầm cự, dần rồi cũng phải tìm đường kiếm sống khác", chị Ngọc than thở. Để tháo vốn, chị Ngọc mang hàng quần áo ra lề đường bán thanh lý, thu về hơn 1,5 triệu đồng trong vài tiếng buổi sáng. Số tiền này được chị chia sẻ, sẽ dành để đóng nốt mấy khoản phí còn nợ BQL TTTM.
Dù mới 9h sáng nhưng do ế khách nên các chị em buôn bán trong chợ rủ nhau nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa và tranh thủ trò chuyện cho nhanh hết ngày. Ảnh: Diệp Sa. |
Tình trạng của những chủ quầy buôn bán trong TTTM Việt Hưng cũng là tình trạng chung của các tiểu thương tại nhiều TTTM đi lên từ chợ truyền thống ở Hà Nội như TTTM Hàng Da (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), TTTM Chợ Cửa Nam (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), TTTM OCD Plaza (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).
Anh M.H, chủ một quầy hàng tại tầng 1 TTTM Chợ Hàng Da chia sẻ với Zing.vn: “Chợ ngày xưa đông bao nhiêu thì giờ ế ẩm bấy nhiêu, cũng chẳng biết cách nào khắc phục. Giờ cả ngày ngồi trông hàng tôi chỉ có mỗi việc đọc báo, chơi game, ngủ. Ngồi ngay dưới máy lạnh nhàn tênh mà túi rỗng”.
Tại sao người tiêu dùng chê TTTM?
Chợ Cửa Nam nằm ngay đầu đường Lê Duẩn (Hà Nội) là nơi từng nổi tiếng đông khách nhiều chục năm trước. Năm 2010, chợ được nâng cấp thành TTTM Chợ Cửa Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 280 tỷ đồng, gồm 13 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 10.000m2. Trong đó, chợ dân sinh truyền thống được bố trí tại tầng hầm thứ nhất. Đúng như quy hoạch, các hộ kinh doanh cũ được bố trí bán hàng tại tầng hầm 1. Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh vắng khách, các chủ sạp lần lượt bán lại chỗ cho chủ đầu tư. Diện tích cũ được công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội bố trí một siêu thị mi ni và quầy rau an toàn nhưng theo ghi nhận của Zing.vn, siêu thị này hiện không có khách lui tới.
Chợ Cửa Nam truyền thống được "lên đời" thành TTTM Chợ Cửa Nam nhưng hiện chợ gần như không hoạt động. Ảnh: Diệp Sa. |
Cô Nguyễn Thanh Xuân (65 tuổi), chủ hàng hoa đối diện TTTM Chợ Cửa Nam kể lại: "Ngày xưa khi còn chợ, không chỉ người dân sinh sống quanh khu vực mà khách ở xa cũng tới mua rất đông vì đồ tươi ngon, có nhiều đặc sản, giá cả lại hợp lý. Nhưng từ khi người ta phá chợ, xây TTTM, cô ngại vào mà mua thức ăn hàng ngày của các hàng rong qua đường. Nghe nói dưới tầng hầm có siêu thị nhưng bị bỏ hoang lâu rồi".
Một nhân viên tại đây cho biết, tình trạng ế ẩm diễn ra cả tuần chứ không phân biệt ngày thường, ngày nghỉ. Anh này giải thích, có lẽ hàng ế do khách ngại phải gửi xe lích kích để vào chợ, đường xuống tầng hầm lại không thuận tiện và nhất là ở gần đây vẫn còn chợ dân sinh sầm uất, đông đúc.
Cách không xa TTTM Cửa Nam là TTTM Hàng Da với vị trí đắc địa, cũng từng là khu chợ dân sinh đông đúc nhất nhì TP. Hà Nội nhưng hiện khách tới đây chỉ để xuống tầng hầm chuyên buôn bán hàng thùng. Từ tầng 1 trở lên, các chủ quầy chịu chung cảnh ế khách. Chị Hồng Minh (Đường Thành, Hà Nội) là một trong số ít khách hàng dạo chợ, ngắm đồ. Chị Minh cho biết, chị chỉ tới đây vào dịp cuối tuần, khi rảnh rỗi đi chợ hàng thùng rồi tiện ghé lên xem hàng trong TTTM chứ không có ý định mua.
Tầng hầm số 1 của TTTM Chợ Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được bố trí giữ nguyên mô hình chợ dân sinh truyền thống song do ế khách, các chủ sạp đồng loạt bán lại ki ốt cho chủ đầu tư. Hiện diện tích trên được sử dụng làm siêu thị mini nhưng do ế khách, siêu thị này không còn bày hàng tươi sống và cũng không có nhân viên đứng quầy thanh toán. Ảnh: Diệp Sa |
“Hàng trong TTTM giá cao, mẫu mốt không đa dạng như ở ngoài. Tôi thấy một là giữ chợ truyền thống cho dân như xưa, hai là xây hẳn siêu thị, giá hàng hóa ổn định, chất lượng dịch vụ tốt còn hơn mô hình dở dang như thế này, khó mua, khó bán”. Chị Minh bày tỏ sự tiếc nuối chợ Hàng Da trước đây tuy không sang trọng, có thể không hiện đại, sạch sẽ như hiện nay nhưng theo chị, chính những nét đặc trưng ấy lại giúp chợ cũ đắt khách chứ không vắng khách như hiện nay.
Theo lời tiểu thương này, chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng, xây chợ hiện đại không sai và chuyện chợ vắng khách khi lên đời thành TTTM cũng có nguyên nhân khách quan khác. Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự án, các cơ quan chức năng cũng cần tính toán để cân đối lợi ích của những người đã từng kinh doanh, buôn bán ở chợ cũ.