Việc trả giá, khen chê giữa kẻ bán người mua làm không khí “nóng” lên dù mới 9h sáng thứ bảy - giờ “mở hàng” của chợ phiên Hello Weekend (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1).
Nhộn nhịp từ sáng đến đêm
Những phiên chợ này đã chia sẻ buồn vui bán mua lập nghiệp của con người ở thành phố này. Và mỗi chợ phiên nho nhỏ đâu đó trên đường phố, trong một chung cư, trên sân vận động... mà ta nhìn thấy đã đưa ra một thông điệp rằng, cuộc sống của người Sài Gòn luôn luôn sôi động như những phiên chợ
Sau khi mua chiếc đầm công sở và hai cái quần jean, Thanh Thủy (30 tuổi, nhân viên marketing) định ra về, nhưng đi ngang gian hàng giày dép, cô dừng lại vì có mấy kiểu giày cao gót nhìn ưng quá. Loay hoay một hồi, Thủy chọn một đôi. Quay qua thấy mấy cô bạn vẫn còn say sưa ở hàng quần áo, Thủy băng qua khu vực ẩm thực mua ly nước rồi đứng đợi.
Cô cho biết: “Trước đây, mỗi lần muốn mua sắm chúng tôi thường mất nhiều thời gian, như mua quần áo thì ra các shop trên đường Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, giày dép phải qua Lý Chính Thắng... Nhưng bây giờ có các chợ phiên, chúng tôi chỉ cần rủ nhau ra đây là chọn được đủ thứ”.
Cẩm Liên, bạn của Thủy, chia sẻ rằng cô vốn không thích đi mua sắm thường xuyên, nên việc đến chợ phiên là rất “có lý”, bởi một lần đi cô gom được nhiều món để dùng dần, và hàng hóa đa số được giảm giá.
“Tôi từng đi chợ phiên ở một số nước, thường gọi là chợ trời, hàng hóa phong phú khiến tôi thích mê. Việc dạo chợ phiên ở Sài Gòn đã làm tôi quên đi những chợ trời phương Tây vì sức cuốn hút cũng không kém”, Liên nói.
Giữa trưa, phiên chợ 1Spot ở sảnh của khách sạn Victory nằm ngay ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Văn Tần (quận 3) cũng nhộn nhịp người đến mua sắm. Chưa tính bên trong sảnh, chỉ một đoạn sân chừng 50m bên ngoài khách sạn cũng có cả chục gian hàng quần áo đủ loại.
Chị Nguyễn Nhật Khánh (28 tuổi) cho biết, chị lập phiên chợ này cách đây ba tháng và mở vào thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần. “Nhận thấy nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là dân công sở, hộ gia đình... khá lớn nên từ tháng này tôi mở luôn ngày thứ sáu. Đây không chỉ là nơi mua sắm mà còn là chỗ để dân văn phòng tận dụng thời gian nghỉ trưa, hội bạn bè có nơi ghé vào”, chị nói.
1Spot có khoảng 40 gian hàng và chị Khánh chọn địa điểm khách sạn này để tổ chức chợ phiên, vì nó nằm ngay ngã tư nên dễ thu hút sự chú ý của người đi đường, để rồi “phiên chợ thành công ngoài sự mong đợi”.
Trong khi đó, chợ phiên Sale Hunter (quận Phú Nhuận) nằm trong hai tầng lầu ngôi nhà trên đường Hồ Văn Huê, nên người đến mua sắm có cảm giác như đang trong một trung tâm thương mại thu nhỏ. Các chủ gian hàng tận dụng diện tích cả ở cầu thang, vách tường... để treo đồ.
Chợ phiên Sale Hunter đông khách đến mua sắm. |
Tại khu chiếu phim Galaxy Nguyễn Du (quận 1), người ta cũng mở chợ phiên. Đó là chợ Sale4Share, 20g vẫn còn đông người đến mua sắm. Hàng hóa ở đây có giá khá mềm, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá chỉ còn 30.000 đồng/áo thun, 100.000 đồng/quần jean, nên rất thu hút đối tượng học sinh, sinh viên. Phiên chợ mở ngoài trời nên người đi xem phim tạt ngang tranh thủ ghé vào, khách nước ngoài cũng tò mò ghé vô.
Còn ở nhà hát Bến Thành (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1), khách nhiều lứa tuổi cũng vào chợ sale cuối tuần bày bán bên trong, mặc cho ngoài trời mưa tầm tã.
Từ nội thành đến ngoại thành
Càng ngày càng nhiều chợ phiên xuất hiện, từ nội thành đến ngoại thành chứ không chỉ là “món độc” của khu vực trung tâm. Điều thú vị là chợ phiên lâu đời nhất ở Sài Gòn lại xuất phát từ ngoại thành: chợ phiên Saigon flea market (đường Tôn Dật Tiên, quận 7) do Doãn Thu Hằng (26 tuổi) lập ra từ năm 2011.
Chợ phiên của Hằng chuyên bán các mặt hàng do các chủ gian hàng tự làm (handmade) - đây cũng là nét đặc trưng của phiên chợ. Thêm nữa hàng hóa vừa hiện đại vừa cổ điển kiểu Tây nên dễ được các khách hàng mê mẩn.
Hằng chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã thích chợ phiên mỗi đầu tháng ở quê nhà Hưng Yên. Mọi người trong làng sẽ bày những món họ sản xuất được ra trao đổi trong không khí nhộn nhịp vui vẻ. Vốn thích may vá, thời trang, tự làm đồ dùng, tôi luôn mong được đi một phiên chợ thời trang độc đáo và giá cả hợp lý như ở quê. Sau chuyến đi Úc, tham gia phiên chợ trời, tôi rất thích nên đã lên kế hoạch và mời những gian hàng phù hợp tham gia. Từ năm 2011, tôi tổ chức phiên chợ đầu tiên gồm 30 gian hàng không tính phí thuê, sau đó bắt đầu tính phí và duy trì định kỳ mỗi chủ nhật đầu tiên của tháng”.
Hai sinh viên thuê chung gian hàng bán vật dụng và quà lưu niệm ở chợ sale cuối tuần. |
Ở đây, người ta còn tìm thấy những lọ thủy tinh độc đáo, những vật dụng trang trí không đụng hàng, và do hàng hóa chia làm khu ngoài trời, khu trong nhà nên lượng khách không bị dồn cục, việc đi lại mua sắm cũng thoải mái hơn. Điều này giải thích vì sao tuy Saigon flea market ở xa trung tâm nhưng vẫn hút khách, và tồn tại bền vững dù đã bốn năm trôi qua.
Khu vực quận 1 có lẽ tập trung nhiều chợ phiên nhất Sài Gòn: Hello weekend market, chợ sale cuối tuần, Sale4Share, chợ phiên trước quán cà phê trường học trên đường Đinh Tiên Hoàng... Rồi đến chợ sale nhà hát Bến Thành mỗi tháng họp 6-8 lần, mỗi phiên chừng 80 gian hàng bán các loại quần áo, phụ kiện, trang sức, đồ trang trí nội thất.
Chợ 2Days Sale đường Nguyễn Thái Bình khoảng 50 gian hàng thiết kế hệt những shop thời trang, có ngày hội trao đổi đồ. Rồi đến chợ phiên 1Spot trước khách sạn Victory, chợ phiên trong Cung văn hóa Lao động, nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3)...
Cơ hội và giấc mơ
Các chủ gian hàng ở chợ phiên đa số là chủ shop trên mạng, do ít vốn chưa mở được tiệm nên chọn lựa chợ phiên là kênh bán hàng. Chợ phiên là cơ hội bán buôn và giới thiệu mặt hàng của họ với khách.
Chu Hồng Hạnh (28 tuổi) từ Hà Nội bay vô Sài Gòn cách đây mấy ngày, mang theo hai chiếc vali to để thâm nhập thị trường thời trang kiểu chợ phiên. “Sáng giờ tôi bán ở Saigon flea market cũng được một vali đồ rồi. Không khí ở đây thoải mái, người mua cũng thân thiện. Tôi bán shop đồ thiết kế online mang tên Tủ của Mây ở Hà Nội 5 năm rồi, sắp tới định mở shop ở Sài Gòn nên hôm nay vào đây bán thử”, Hạnh chia sẻ.
Cô chủ Ngân Vy (26 tuổi, nhà ở quận 10) bán túi xách bằng vải thô tự thiết kế, cho biết nếu chịu khó, mỗi phiên chợ có thể thu được bằng cả tháng bán hàng trên mạng.
Để có gian bán hàng ở chợ phiên, người bán thường đăng ký trước với ban tổ chức tối thiểu hai tuần về mặt hàng mình muốn bán, và chấp nhận những quy định về chất lượng hàng hóa. Hàng hóa ở chợ phiên thường được các chủ gian hàng giảm giá ít nhất 10%. “Gian hàng” ở chợ phiên là những chiếc bàn dài khoảng 1,2m với giá thuê trung bình 700.000 đồng/ngày. Để tiết kiệm chi phí, một số chợ phiên còn cho phép hai người bán thuê chung một gian.
Chính từ điều này, một số sinh viên kinh doanh online quy mô nhỏ cũng đăng ký bán. Lê Đình Hồ, sinh viên năm 2 ĐH Tôn Đức Thắng, đăng ký bán chung ở chợ sale cuối tuần (quận 1) với Mai Kim Ngân, mới ra trường. Gian của hai người bày hàng lưu niệm, phụ kiện tóc... lẫn giữa chợ người đông đúc. “Không phải lúc nào em cũng đắt hàng, có ngày ít người mua thì coi như lỗ, vì tiền thuê dù đã share thì cũng mất 400.000 đồng/ngày, nhưng cứ coi đây là cơ hội cho giấc mơ trở thành chủ shop của mình”, Ngân cho biết.
Cảnh tượng buổi trưa và chiều muộn, các chủ gian hàng ngồi tại chỗ tranh thủ ăn mì gói để không mất thời gian buôn bán cũng thường thấy ở những chợ phiên.
Anh Nguyễn Đông (34 tuổi), bán áo thun, chia sẻ: “Tiền thuê hai ngày ở chợ phiên là 1,6 triệu đồng nên tôi phải tận dụng thời gian mời chào khách, không để lỗ vốn. Hàng hóa cũng phải bày biện sao cho đẹp mắt và có chất lượng thì khách mới mua, vì các gian hàng san sát nhau nên khách rất hay so sánh giá”.
Nếu trước đây người ta chỉ có chợ đêm Bến Thành để tìm đến như một nơi dạo chơi mua sắm, và một vài khu chợ rải rác trong lòng thành phố vào ban đêm, thì nay việc mua bán nhộn nhịp ở các chợ phiên cuối tuần kể trên tạo nên một sức sống khác cho Sài Gòn.
Với rất nhiều chợ phiên họp đều đặn mà mỗi lần mở đều thu hút lượng khách khá lớn, loại hình này đã tạo cho mình chỗ đứng và nét riêng trong thị trường bán lẻ ở thành phố 10 triệu dân.
Nhà văn hóa Thanh niên cũng tham gia
Nắm bắt nhu cầu khởi nghiệp của giới trẻ, Nhà văn hóa Thanh niên cũng tổ chức chợ phiên mở mỗi tháng hai lần vào cuối tuần.
Mặt hàng ở đây cũng phong phú, từ quần áo, giày dép, túi xách đến đồ trang trí, mỹ phẩm, có thêm các gian vẽ chibi, đồ gốm, bói vui...
Anh Hoàng Nho, thuộc ban tổ chức chợ phiên Thanh niên, cho biết chợ ra đời từ tháng 10/2012, nhằm tạo nơi mua sắm và sân chơi cho giới trẻ.
Giá thuê gian hàng là 500.000 đồng/gian, thấp hơn 30% so với nơi khác. “Mỗi phiên chợ thu hút 200 gian hàng tham gia, chiếm nửa diện tích sân và sảnh của Nhà văn hóa Thanh niên.
Đây cũng là một chương trình khá mới của Nhà văn hóa Thanh niên để tạo nơi mua sắm, lập nghiệp, tập tành kinh doanh cho giới trẻ”, anh Nho nói.