Lợi ích khá lớn về kinh tế
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đã được Bộ này hoàn thiện.
Tại Tờ trình gửi Chính phủ, khi đánh giá tác động của Nghị định, Bộ GTVT cho rằng: Nếu cho phép việc phá dỡ tàu biển sẽ mang lại lợi ích khá lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng quan trọng hơn cả là tạo ra các giải pháp, cơ hội để tiếp tục duy trì ngành công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn, để từng bước phục hồi và phát triển theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển.
Hoạt động phá dỡ tàu cũ có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. |
Dẫn trường hợp của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ GTVT cho biết: Các quốc gia này đã hình thành hẳn ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển đem lại thu nhập khá lớn cho quốc gia, tạo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, Bộ GTVT dẫn số liệu thống kê khá cũ, từ tận năm 2000. Theo Bộ GTVT, đến năm 2000, tại Bangladesh đã hình thành 30 cơ sở phá dỡ, thu hút 30.000 - 50.000 lao động, đạt sản lượng bình quân 100 tàu/năm với tổng giá trị 1,5 tỷ USD, tương đương 30.000 tỷ đồng, chiếm 52% số lượng tàu phá dỡ trên thế giới.
Ngoài ra, sản phẩm của ngành công nghiệp phá dỡ, tái chế tàu biển là nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao và khối lượng không nhỏ cho ngành công nghiệp thép. Năm 2012, Việt Nam phải nhập khẩu gần 4 triệu tấn thép phế liệu (chủ yếu từ Trung Quốc) và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục gia tăng trong khoảng 2,5 triệu tấn trong vòng 2 năm tới khi một số nhà máy luyện thép lò điện đi vào hoạt động.
Đồng thời, theo Bộ GTVT, hoạt động này sẽ tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng đóng mới và sửa chữa tàu biển đã được đầu tư khoảng 120 nhà máy đóng tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên mới được đầu tư, hoạt động trong vòng 10 năm và có thể tiếp tục khai thác tốt trong 15 năm tiếp theo (sau năm 2030).
“Ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta đang lâm vào tình trạng khó khăn, hợp đồng đóng mới, sửa chữa rất ít. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực phá dỡ tàu biển, dư thừa lao động có kinh nghiệm lại không có việc làm”, theo quan điểm của Bộ GTVT.
Phải có vốn tối thiểu 50 tỷ đồng
Bên cạnh những lợi ích đem lại, Bộ GTVT thừa nhận việc phá dỡ tàu biển cũng tiềm ẩn những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Do đó, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ các điều kiện quy định mới được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
Trong đó, một trong những điều kiện đặt ra là doanh nghiệp phải có vốn pháp định tối thiểu 50 tỉ đồng và Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp.
Yêu cầu vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng cũng là quan điểm của Bộ Công Thương khi góp ý cho dự thảo Nghị định này.
Thẩm định về dự thảo Nghị định, Hội đồng Thẩm định Bộ Tư pháp (do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Chủ tịch hội đồng) đánh giá: Việc ban hành Nghị định này là cần thiết.
Nhưng theo Bộ Tư pháp, hiện tại chưa có các quy định, quy chuẩn về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển.
Vì vậy Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc thời hạn hoàn thành, ban hành quy chuẩn xây dựng kế hoạch cụ thể trình Chính phủ để đảm bảo khi Nghị định có hiệu lực sẽ thực hiện được ngay, tránh việc phải chờ có hướng dẫn để thực hiện.