Chiều 14/2, hàng trăm xe khách từ các tỉnh miền Tây chạy nhanh về hướng TP HCM. Đứng chờ xe tại Bạc Liêu, phóng viên thấy xe nào cũng có người ngồi kín ghế nên tài xế không để ý đến những cánh tay vẫy liên tục bên lề đường.
"Xe giường nằm tôi lái đã kín chỗ, toàn khách quen đặt trước từ mùng 4 Tết. Thấy khách đón xe nhiều, tôi muốn rước lắm nhưng không có chỗ cho họ ngồi. Mình chở quá người quy định, nếu gặp cảnh sát giao thông kiểm tra thì bị phạt nặng lắm", anh Hữu Huy, tài xế tuyến Cà Mau – TP HCM chia sẻ.
Gần 18h ngày 14/2, gia đình anh Lâm Út vẫn chưa có xe đi Bình Phước dù họ đã chờ từ 11h. Ảnh: Việt Tường. |
Đến 17h, hàng chục người lỉnh kỉnh hành lý vẫn còn đứng chờ xe ở thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đến cầu Nàng Rền của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Anh Trần Thanh Trọng (40 tuổi, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) chờ xe từ 12h nhưng đến cuối giờ chiều vẫn không có chiếc nào dừng lại rước.
"Đến 20h mà không có xe thì ngày mai tôi không để đến công ty kịp. Quá lo lắng, tôi đón xe ôm đến các quán cơm có nhiều xe đò đậu ở huyện Thạnh Trị nhưng không tài xế nào cho tôi đi vì 'cháy' vé", anh Trọng kể.
Đến 18h, anh Trọng chấp nhận đi "xe chuyền", tức là đón xe dù 16 chỗ đi Cần Thơ với giá 250.000 đồng trong khi ngày thường chỉ 100.000 - 110.000 đồng/người. Anh công nhân ngành giày da này hy vọng tại Bến xe Cần Thơ sẽ mua được vé về TP HCM trong đêm.
Tại ngã ba Trà Men (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), hàng chục người vẫn đứng chờ xe nhiều giờ, dọc theo đoạn đường phía trước Nghĩa trang liệt sĩ. 19h, họ vẫn vẫy tay nhưng hy vọng có xe quá mong manh vì không tài xế nào chịu dừng lại.
Anh Lâm Út ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, gia đình anh 8 người, đứng chờ xe từ 11h, đến 17h mà mọi người vẫn còn ở ngã ba Trà Men.
"Tôi dặn nhà xe ở Cà Mau lên đây rước tôi đi Bình Phước lúc 11h với giá 400.000 đồng/người, cao hơn ngày thường 160.000 đồng nhưng chờ đợi mỏi mòn. Nhiều xe của hãng tôi đặt vé chạy qua nhưng tài xế lắc đầu vì hết ghế. 20h mà không có xe thì ngày mai tôi không thể kịp giờ vào xưởng sản xuất hạt điều", anh Lâm Út nói với giọng buồn.
Gặp phóng viên Zing.vn tại một trạm dừng chân ở xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng), chị Thạch Thị Linh (ngụ huyện Trần Đề) cho biết, chị làm công nhân ở Đồng Nai. Hai ngày trước, chị Linh đặt xe để đi Sài Gòn hôm nay nhưng không hãng nào còn vé.
"Tôi ra bến xe Trà Men đón hoài không có xe nào rước. Đứa em chở lên trạm dừng chân, mua được một chỗ ngồi với giá 600.000 đồng. Tài xế xe dù 'chặt chém' quá nhưng tôi phải bấm bụng mà đi", chị Linh nói.
Gà, vịt được người dân miền Tây mang theo khi quay lên Sài Gòn. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ghi nhận của phóng viên, đến 20h30, không còn khách đứng đợi xe dọc theo quốc lộ 1. Một số người đã đón xe dù loại 16 chỗ chạy tuyến Cần Thơ, Vĩnh Long… để sau đó sang xe khác đi tiếp. Vài người quá mỏi mòn đã quay về nhà, chấp nhận trở lại TP HCM muộn hơn mọi người một ngày.
Đường Nam Sông Hậu và Quản Lộ - Phụng Hiệp ở miền Tây cũng nhiều xe trong ngày 14/2 nhưng không xảy ra ùn ứ. Sinh viên, công nhân quê Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang đã chọn xe máy làm phương tiện về nhà rồi tự chủ phương tiện quay lại TP HCM để không phải lụy xe đò.