Với tôi, đây là công trình thấm đẫm tinh thần “Phật giáo nhân gian”.
Tôi tin rằng “cho - nhận” là khởi nguồn của rất nhiều mối quan hệ sơ giao trước khi trở thành thâm giao. Nhưng đôi lúc cũng vì “cho - nhận” mà giữa người với người trở nên tuyệt giao.
Xã hội hiện đại càng văn minh thì việc “cho - nhận” lại càng khoác lên thêm nhiều lớp vỏ sặc sỡ. Nhưng sự vật, sự việc càng được tô vẽ, lại càng dễ mất đi nguyên bản.
Vậy bản chất của việc “cho - nhận” là gì? Và chúng ta đã học cách “cho - nhận” như thế nào trong đời mình? Tôi may mắn có cơ hội soi xét lại bản thân khi được đọc bộ sách này của Đại sư Tinh Vân.
Lo ít đi và làm nhiều hơn
Trong Cho là nhận: Lo ít đi và làm nhiều hơn, Đại sư Tinh Vân hướng dẫn mọi người phát triển và mở rộng nhân sinh trong sự nghiệp, cuộc sống chốn công sở, truyền cảm hứng cho mọi người nắm bắt chính mình trong quá trình trưởng thành và thành công, hoàn thiện bản thân theo hướng tinh tiến để hài hòa xã hội
Nội dung cuốn sách gồm 4 chương: Nguyện vọng của người thành công; Lo ít đi và làm nhiều hơn; Thế Xuân Thu ở chốn công sở; Ngã ba, đi hay ở.
Tinh thần của tập sách này gợi dẫn mỗi cá nhân xác định tâm nguyện để từ đó lập thân, lập nghiệp với ý chí kiên định. Nếu không có tâm nguyện, thì cuộc sống sẽ không còn lý tưởng và trở nên trống rỗng. Nhưng nếu chỉ biết tâm nguyện của mình mà không biết quan tâm, san sẻ với những người xung quanh thì dù đạt mục đích cũng không tận hưởng được niềm vui trọn vẹn.
"Cơ sở xây dựng nhân cách là không ích kỉ".
"Nền tảng của thành công là không tạm bợ" (trang 110).
Dù là người lãnh đạo hay người được lãnh đạo thì cũng nên tận tâm, tận lực gắng sức hoàn thành trọn vẹn chức nghiệp. “Lo ít đi, làm nhiều hơn” là bớt so đo toan tính, bớt ý nghĩ nhỏ nhen, bớt hình dung ra khổ nhọc, khó khăn để toàn tâm, toàn ý xây dựng sự nghiệp. “Biết mình, biết người” và sẵn lòng “vì người, vì mình” khi cần thiết.
Từ trái tim tới trái tim
Trong Cho là nhận: Từ trái tim tới trái tim, Đại sư Tinh Vân hướng dẫn mọi người phát triển và mở rộng nhân sinh trong cuộc sống hàng ngày, truyền cảm hứng cho mọi người nắm bắt chính mình trong quá trình trưởng thành và thành công, hoàn thiện bản thân theo hướng tinh tiến để hài hòa xã hội.
Nội dung cuốn sách gồm 04 chương: Cuộc sống giác tính; Điệu Tango người - ta; Dùng chánh niệm hàng phục phiền não; Không nhất thiết phải cùng chết.
Điều hệ trọng nhất giữa người với người là chân thành. Thiếu đi sự chân thành này thì không mối quan hệ nào có thể tồn tại lâu dài. Nếu lúc nào cũng cố chấp tin rằng “người chỉ vì người” nên “ta cũng chỉ vì ta” thì sẽ bỏ lỡ mất rất nhiều nhân duyên tốt đẹp, thậm chí là gây thêm oán hận, sân si trong đời.
"Tội lỗi vô biên nằm ở chữ 'hận', công đức vô lượng nằm ở chữ 'nhẫn' (trang 40).
Người giỏi kết giao là người uyển chuyển nhưng vẫn lấy “nhẫn” làm đầu. Bởi con người không ai là trọn vẹn, thấy lỗi người thì dễ nhưng nhận lỗi mình thì khó. Nên người trí tuệ hạn chế tìm cách sửa người, mà quay về tự sửa mình.
Tôi thấy Đại sư Tinh Vân sử dụng một hình ảnh rất hay khi nói về mối tương giao giữa người với người, đó là bản Tango người - ta. Giống một điệu nhảy, quan hệ giữa người với người nên có khoảng cách cho nhau, cần minh mẫn biết tiến, biết lùi, biết hòa điệu nhưng không dẫm lên chân nhau.
"Đừng nói lời tuyệt tình, đừng làm chuyện cạn nghĩa.
Đừng đi vào đường cùng, đừng tận diệt các mối quan hệ" (trang 142).
Ở phần “Không nhất thiết phải cùng chết”, Đại sư Tinh Vân còn làm rõ con người vị tha là con người sẵn lòng buông bỏ, không khiên cưỡng thúc ép người khác phải trải qua tình huống hoạn nạn cùng mình, không coi “cộng khổ” là cách để kiểm chứng sự bền vững của mối quan hệ. Tôi nghĩ đạt đến tầm mức cao cả này là đạt đến sự hài hòa giữa hiểu biết vào đạo đức.
Tu thân
Trong Cho là nhận: Tu thân, Đại sư Tinh Vân tiếp tục hướng dẫn mọi người phát triển và mở rộng nhân sinh, tu luyện tâm trí và tính cách, truyền cảm hứng cho mọi người nắm bắt chính mình trong quá trình trưởng thành và thành công, hoàn thiện bản thân theo hướng tinh tiến để hài hòa xã hội.
Nội dung cuốn sách gồm 04 chương: Được người khác lợi dụng mới có giá trị; Đồng nát sắt vụn cũng có thể luyện thành thép; Kiên nhẫn làm người; Cho đi chính là nhận về, đứng thẳng khom lưng thật dễ dàng
Tu nhân không gì nằm ngoài chữ “Nhẫn”. Nếu không có “Nhẫn” thì rất khó thành “Nhân”. Nếu không có “Nhân” thì không thể kết “Quả”. Con người thường xuyên phải đối mặt với những chướng ngại từ bên trong và những cám dỗ từ bên ngoài, do đó nếu không có định lực vững vàng, biết tu sửa bản thân thì dễ trở nên mất phương hướng trong tam độc tham, sân, si.
"Tại sao cuộc đời lại nhiều đau khổ:
Tính toán vui khổ, bị vui khổ kìm hãm.
So bì vinh nhục, bị vinh nhục kìm hãm.
Tị nạnh được mất, bị được mất kìm hãm". (trang 95)
Chúng ta có thể cảm nhận hoàn cảnh “bế tắc” đến từ chỗ có những ý nghĩ hẹp hòi, hành động ích kỷ. Sự “hanh thông” thường đến khi con người biết san sẻ, xả bỏ và thuận tự nhiên cho giá trị được lưu chuyển. Nhưng đó cũng là lúc con người dễ cảm thấy bị thiệt thòi, lợi dụng.
Tuy nhiên, nếu biết quan sát tạo hóa, chúng ta sẽ thấy được thiên nhiên vốn luôn phóng khoáng cho con người hưởng lợi từ không khí, nước uống, đất đai, lương thực, cảnh quan, dược thảo, nguyên vật liệu... mà không so đo thiệt hơn. Hiểu được điểm này thì coi như đã ngộ ra được tại sao trong cuộc sống không nên toan tính quá nhiều, từ “vị ngã” bước sang “vị tha”.
"Lạc quan như ngọn hải đăng, soi sáng hi vọng tương lai.
Tiêu cực như ma túy, đục ruỗng tâm trí lành mạnh". (trang 133)
Khi làm người, giữ cho tâm thế vui vẻ, lạc quan rất quan trọng. Trong thời đại công nghệ phát triển, thông tin bùng nổ, con người dễ thâu nạp đủ thứ “thượng vàng hạ cám” vào tâm trí mà không hề sàng lọc.
Đó là mầm mống của những chứng tâm bệnh như: trầm cảm, rối loạn lo âu, khủng hoảng hiện sinh. Càng biết nhiều thứ không cần biết thì tâm trí càng trở nên mê mờ, mụ mẫm khiến cho thân - tâm đồng loạt suy yếu, bất lực. Hậu quả là sức sống bị bào mòn, cam chịu sự vô dụng và sống cuộc đời vô nghĩa.
Dưỡng tâm
Trong Cho là nhận: Dưỡng tâm, Đại sư Tinh Vân hướng dẫn mọi người phát triển và mở rộng nhân sinh, mở rộng trái tim để đón nhận thế gian, truyền cảm hứng cho mọi người nắm bắt chính mình trong quá trình trưởng thành và thành công, hoàn thiện bản thân theo hướng tinh tiến để hài hòa xã hội.
Nội dung cuốn sách gồm 4 chương: Thiên đường địa ngục chỉ trong một suy nghĩ; Giải thoát ngay lúc này; Buông bỏ tất tự tại; Tín ngưỡng ổn định thân tâm
Đây là cuốn sách cuối cùng trong bộ sách, mỏng nhất nhưng cũng khó lĩnh hội nhất. Vì khác với những khía cạnh cụ thể trong đời sống phía trên, có nỗ lực có thành tựu, thì “dưỡng tâm” là công phu cả đời chỉ để ngừng thúc ép, đạt tới “vô tâm”.
Bởi “tâm viên, ý mã” là đặc trưng của con người. Lúc nào tâm trí của chúng ta cũng ở trong trạng thái loạn động với những ý nghĩ, dự định. Năng lực của chúng ta cũng thường bị chia chẻ cho những ký ức trong quá khứ và những kế hoạch của tương lai. Hiện tại là điều hiện tiền thì thường bị hờ hững cho qua. Dường như nếu ham muốn còn nhiều, thì “dưỡng tâm” là điều bất khả.
"Nhân sinh như biển lớn, thuyền bơi ngang qua không lưu lại dấu tích".
"Nhân sinh như trời rộng, nhạn bay lướt qua không một tiếng động" (trang 53).
Tôi nghĩ luận bàn về tâm thì không nên dài dòng, càng dài dòng thì càng “hữu ý” mà xa rời “vô tâm”.
Bài viết của độc giả Hoàng Nam, được gửi từ hòm thư "hoang...huc@gmail.com".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Áp lực không thể làm trụ cột kinh tế khiến đàn ông trầm cảm
Theo quan niệm ở nhiều nước phương Đông, trách nhiệm của người chồng là đảm đương vấn đề tài chính trong gia đình. Nếu để vợ gánh vác chuyện tiền bạc, họ sẽ bị gắn mác bất tài.
Vua Việt xưa thưởng Tết, ăn Tết, chơi Tết ra sao?
Trong cuốn “Tết chốn vàng son”, nhà báo Lê Tiên Long kể những câu chuyện về đón Tết, nghênh xuân ở nơi sang trọng bậc nhất trong thời đại phong kiến là cung đình.
Khi đời sống ngày càng nâng cao, người dân ngày càng quan tâm hơn đến “chơi Tết”, “xem Tết”, “đọc Tết”.